Trước khi trận đại chiến giữa Manchester United (MU) và Liverpool diễn ra vào sáng 23/8, khoảng 10.000 người hâm mộ đã diễu hành đến sân Old Trafford.
Họ vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu chống lại gia đình Glazer, trên tay cầm băng rôn, biểu ngữ với nội dung như “Nhà Glazer cút đi”, “Bán MU đi”, hay “Chúng tôi muốn MU ngày xưa quay trở lại”.
Mặc dù MU còn được gọi là “Quỷ đỏ”, nhưng các cổ động viên lại mang theo những chiếc khăn quàng màu vàng và xanh lá cây, màu áo đồng phục của các cầu thủ của đội bóng Newton Heath Lancashire thành lập vào năm 1878, trước được đổi tên thành Manchester United vào năm 1902.
Người hâm mộ coi hai màu sắc này là biểu tượng của tình yêu thực sự dành cho bóng đá và từ phản đối gia đình tỷ phú Malcolm Glazer, người nắm quyền sở hữu MU từ năm 2005.
Sau khi ông qua đời vào năm 2014, quyền sở hữu đội bóng được chia đều cho các con ông là Avram, Joel, Kevin, Bryan, Darcie và Edward Glazer.
Joel và Avram Glazer hiện là Đồng Chủ tịch câu lạc bộ MU, trong khi 4 người còn lại giữ vị trí Giám đốc câu lạc bộ.
Thực tế trong suốt những năm qua, chỉ có Avram và Joel Glazer là quan tâm tới công việc tại MU, còn những người còn lại chưa bao giờ ngó ngàng tới đội bóng.
Lý do bị fan chán ghét
Kể từ khi nhà Glazer tiếp quản MU, đội bóng đã 5 lần vô địch giải Ngoại hạng Anh, một lần vô địch Cúp C1 trong 8 mùa giải. Đặc biệt, cú ăn 3 của MU – vô địch giải Ngoại hạng Anh, FA Cup và Cúp C1 vào năm 1999 đã đi vào lịch sử.
Bất chấp những danh hiệu này, cổ động viên MU vẫn không mấy thiện cảm với những người sở hữu câu lạc bộ.
Theo kết quả khảo sát hơn 100.000 cổ động viên của 20 câu lạc bộ tham gia Ngoại hạng Anh, chỉ có 4,04% fan MU ủng hộ những người chủ sở hữu câu lạc bộ, con số thấp nhất trong danh sách.
Làn sóng phản đối gia đình Glazer đã âm ỉ từ năm 2005, khi ông chủ quá cố Malcolm Glazer dùng một khoản vay 9 con số để mua lại MU thông qua mô hình đòn bẩy, khiến câu lạc bộ này từ chỗ không nợ nần gì phải gánh một khoản nợ trị giá 660 triệu bảng (khoảng 1,2 tỷ USD thời điểm đó).
17 năm qua, MU đã phải trả một khoản lãi lên tới 855 triệu bảng chỉ riêng cho các khoản nợ phát sinh sau khi gia đình Glazer lên nắm quyền đội bóng.
Hiện tại, số nợ vẫn cao ngất ngưởng ở mức 627 triệu bảng, chưa kể phí chuyển nhượng chưa thanh toán tổng cộng 184 triệu bảng.
Ngoài ra, nhà Glazer đã bị buộc tội làm chảy máu câu lạc bộ, không đầu tư vào đội hình hoặc cơ sở vật chất của câu lạc bộ như sân tập và sân vận động Old Trafford, biểu tượng của MU. Nhiều cổ động viên cho rằng họ chỉ coi MU là công cụ kiếm tiền, vì doanh thu hàng năm của câu lạc bộ đã tăng gấp đôi từ khoảng 305 triệu USD trong giai đoạn 2004-2005 lên hơn 800 triệu USD trong giai đoạn 2018-2019, mùa giải cuối cùng trước đại dịch.
Người hâm mộ MU cũng thất vọng vì cách hành xử của nhà Glazer suốt thời gian qua. Hầu như không ai thấy nhà Glazer ở sân Old Trafford. Họ trốn tránh người hâm mộ sau một thập kỷ đầy thất bại. Sau mùa giải cuối cùng của Ferguson vào năm 2012-13, MU không lần nào vô địch Ngoại hạng Anh, thậm chí không giành được một danh hiệu nào trong 4 mùa giải.
Vì lý do đó, các cựu cầu thủ và người hâm mộ đã lên tiếng yêu cầu nhà Glazer thể hiện khả năng lãnh đạo và trách nhiệm giải trình, hoặc bán câu lạc bộ đi.
“Họ không trò chuyện với người hâm mộ, họ không giao tiếp với ai. Không ai biết họ ở đâu, cũng không ai có thể chạm mặt! Tôi cho rằng đó là sự thiếu tôn trọng, và là điều không chấp nhận được. Tôi nghĩ họ cần phải có mặt ở đây để chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm này”, huyền thoại MU Rio Ferdinand bức xúc nói.
Trong gần hai thập kỷ, nhà Glazer đã chống lại mọi ồn ào và mọi lời chỉ trích. Người hâm mộ và nhà Glazer dường như bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không tình yêu. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu thực sự rõ ràng thấy họ muốn nhượng quyền kiểm soát MU, dù có rất nhiều người, bao gồm tỷ phú giàu nhất nước Anh Jim Ratcliffe, ngỏ ý mua lại câu lạc bộ.
Malcolm Glazer - Từ thợ sửa đồng hồ đến ông chủ MU
Thành viên đầu tiên trong gia đình Glazer nắm quyền sở hữu MU là Malcolm Glazer, tên đầy đủ là Malcolm Ivring Glazer. Ông sinh ngày 15/8/1928 tại Rochester, New York, trong một gia đình Do Thái di cư từ Lithuana sang Mỹ. Ông là con thứ 5 trong gia đình có 7 người con.
Từ lúc 8 tuổi, cậu bé Glazer đã làm việc cho công ty kinh doanh linh kiện đồng hồ của cha mình. Không chỉ làm “chân sai vặt” cho cha, cậu còn chịu khó kiếm tiền bằng việc bán đồ cơ khí và linh kiện đồng hồ đựng trong một chiếc hộp các-tông.
Malcolm không màng đến việc kinh doanh, cho đến khi cha cậu qua đời vì ung thư vào năm 1943, để lại cho cả gia đình 300 USD đựng trong một hộp xì-gà. Là con trai lớn trong gia đình, chàng trai 15 tuổi buộc phải bước chân vào thế giới kinh doanh chỉ 2 tuần sau đám tang của cha.
“Cái chết của cha tôi là bi kịch lớn nhất trong cuộc đời tôi, nhưng nó cũng giúp tôi trưởng thành hơn”, Glazer nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1995.
Glazer từng theo học trường Đại học Sampson ở Romulus, New York. Tuy nhiên, do kết quả không được như kỳ vọng, ông bỏ học chỉ sau 6 tuần để tập trung kinh doanh đồ trang sức và sửa chữa đồng hồ.
Bước ngoặc cuộc đời
Bước ngoặt trong công việc kinh doanh đồng hồ của Malcom Glazer xảy ra vào năm 1936, khi ông nghe một người bạn nói về các mô hình nhượng quyền thương mại tại Căn cứ Không quân Sampson.
Chớp lấy cơ hội này, Glazer thương lượng một hợp đồng để mở một cửa hàng sửa chữa đồng hồ độc quyền cho binh lính trong căn cứ. Ông đã kiếm một khoản kếch xù trước khi cơ sở này đóng cửa vào năm 1956.
Khi các cửa hàng bắt đầu sinh lời, Glazer nảy sinh ý tưởng chinh phục thị trường bất động sản ở Rochester, New York, rồi tiến tới sở hữu bất động sản thương mại trên khắp nước Mỹ.
Doanh thu khổng lồ từ bất động sản khiến ông bán hết các cửa hàng trang sức và sửa chữa đồng hồ của mình để đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Glazer có hứng thú trong việc đầu tư các trung tâm thương mại, nhà ăn, dịch vụ cung cấp và đóng gói thực phẩm, nhà điều dưỡng, thậm chí cả ngân hàng và khí gas.
Năm 1963, ông mua lại Ngân hàng Thương mại quốc gia (đặt tại Savanah, New York). 10 năm sau đó, ông mua lại West Hill Convalescent, nhà điều dưỡng đầu tiên trong số 5 nhà ông đang sở hữu. Năm 1976, ông thâu tóm 3 doanh nghiệp truyền hình với giá 20 triệu USD rồi bán lại một trong số đó với giá 66 triệu USD vào năm 1990.
Glazer cũng tích lũy cổ phần kiểm soát tại Tập đoàn dầu khí Zapata của George H.W. Bush, người sau này trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1989-1993.
Cùng với con trai Avram, Glazer biến Zapata trở thành công ty kinh doanh đa lĩnh vực, trong đó có cả sản xuất hộp đựng xúc xích. Tài sản của ông có được hầu hết thông qua các thương vụ đầu tư, mua lại các công ty khác.
Năm 1984, Glazer thành lập tập đoàn First Allied Corporation để quản lý công việc kinh doanh đa lĩnh vực của mình.
“Lão đại” của MU
Malcolm Glazer bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực thể thao sau khi mua lại Câu lạc bộ bóng bầu dục Mỹ Tampa Bay Buccaneers với giá 190 triệu bảng vào năm 1995. Thương vụ này được coi là thành công, vì đến năm 2003, đội bóng giành siêu cúp bóng bầu dục Super Bowl và được định giá tới 671 triệu bảng.
Một thương vụ đình đám hơn nữa là màn thâu tóm câu lạc bộ Manchester United (MU) vào năm 2005. Theo lời khuyên của các con trai, ông bắt đầu tích lũy cổ phiếu của MU vào năm 2003 và đã nắm toàn quyền sở hữu câu lạc bộ vào cuối năm 2005.
Vào tháng 3/2003, ông đã chi khoảng 9 triệu bảng Anh (4,7 triệu USD) để mua 2,9% cổ phần đầu tiên tại MU. Con số này đã tăng lên gần 30% vào cuối năm 2004.
Việc Glazer mua lại John Magnier và 28,7% cổ phần của JP McManus vào tháng 5/2005 đã đẩy tỉ lệ sở hữu của ông lên khoảng 57%.
Vài ngày sau, ông nắm quyền kiểm soát 75% cổ phần của câu lạc bộ. Trong vòng một tháng, nhà Glazer đã nắm quyền sở hữu 98% câu lạc bộ thông qua công ty mẹ Red Football, sau đó mua nốt 2% còn lại.
Để nắm quyền kiểm soát hoàn toàn câu lạc bộ, Malcolm Glazer đã bỏ ra khoảng 790 triệu bảng Anh (hơn 1,4 tỷ USD vào thời điểm đó) thông qua hình thức đòn bẩy.
Tuy nhiên, theo Carl Brasley, một người phục vụ lâu năm cho Glazer, ông chưa bao giờ nhìn thấy Malcolm Glazer đọc một tờ báo thể thao nào. Một số nguồn tin cũng cho biết Malcolm Glazer chưa bao giờ đặt chân vào sân vận động Old Trafford, dù phải chiến đấu dữ dội để giành quyền sở hữu đội “Quỷ đỏ”.
Nguyên tắc vàng của Glazer
Sinh thời, Malcolm Glazer sống ở Palm Beach, Florida, Mỹ. Ông đã đầu tư vào nhiều hoạt động từ thiện ở nơi ông sinh sống. Năm 1999, ông đã thành lập Quỹ Gia đình Glazer, hỗ trợ hàng triệu USD và vô số hiện vật cho các hoạt động từ thiện và giáo dục trong cộng đồng Tampa Bay.
“Tôi luôn cố gắng đối xử công bằng với tất cả mọi người. Hãy đối xử tử tế với người khác, nếu không, bạn sẽ nhận quả đắng”, đó là nguyên tắc vàng của Glazer.
Ngoài ra, Glazer còn giám sát các hoạt động của Chương trình Tầm nhìn của Quỹ, được thành lập năm 2006 với sáng kiến đến thăm các trường học và khám mắt cho hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Cho đến trước khi từ giã cõi đời, ông vẫn là một doanh nhân ẩn dật, cố gắng sống một cuộc đời bình lặng. Trong một cuộc phỏng vấn, Glazer bảo rằng chiếc quần ông đang mặc chỉ có giá 19,95 USD, trong khi con trai ông thường mặc những chiếc quần có giá cao hơn gấp 10 lần. “Bạn biết tại sao không? Tại vì tôi không quên được những tháng ngày tôi không có nổi 20 USD để mua một chiếc quần”, Glazer nói.
Ông qua đời ở tuổi 85 vào ngày 28/5/2014, sau một thời gian bị liệt nửa người do 2 lần đột quỵ vào tháng 4/2006.
Đáp ứng nguyện vọng của Glazer, gia đình đã tổ chức đám tang cho ông một cách riêng tư. Trước khi qua đời, ông cũng yêu cầu gửi hoa và tiền quyên góp đến Bệnh viện Nhi ở Tampa, nơi ông từng sinh sống.
Năm 2000, Malcolm Glazer lần đầu tiên có mặt trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes bình chọn khi sở hữu 725 triệu USD. Tháng 3/2010, tạp chí này ghi nhận Malcolm Glazer là một trong 400 người giàu nhất thế giới với tài sản ước khoảng 2,4 tỉ USD.
Khi ông mất, khối tài sản của ông trị giá khoảng 4 tỷ USD.
Nguyễn Tuyết (Theo Internet)