Cái duyên với điện ảnh
Hẹn gặp với ông cũng khó, không phải ông “chảnh” cũng chẳng phải ông bận bịu đến nỗi không có chút thời gian dành cho tôi. Nhưng như ông bộc bạch thì: “Thế hệ mình giờ chẳng có gì để nói hết, nên mình cũng ngại. Nghề diễn viên cũng như bao nhiêu nghề khác thôi, có lẽ thế hệ chúng tôi thuộc vào quá khứ rồi”. Nói xong câu đó ông cười, nụ cười hồn hậu của người đàn ông bước vào tuổi ngũ tuần cho người đối diện cái cảm giác bình an đến lạ.
Diễn viên Nguyễn Hậu
Sau những phút mở đầu có vẻ hơi kín kẽ, khi đã cảm được người nói chuyện, ông chia sẻ rất cởi mở. Từng là một diễn viên kịch nói rồi do cái duyên run rủi ông đã gắn bó với điện ảnh, truyền hình đến tết này là tròn 30 năm trong nghề, trong ba mươi năm ấy ông đã cháy hết mình cho đam mê. Ông gia nhập đoàn ca múa kịch Cửu Long từ năm 1977, từ dân kịch nói, được học các khóa tập huấn, theo các thầy học cách làm phim, rồi dần dần nhiều đạo diễn đã mời ông tham gia phim với các vai phụ. Bộ phim đầu tiên ông tham gia là Chiếc vòng bạc, sau đó lần lượt nhiều phim nữa.
Niềm đam mê điện ảnh ngấm vào ông từ lúc nào không hay đã khiến ông quyết định rời đoàn ca múa kịch Cửu Long, lên ở hẳn Sài Gòn từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Và ông trở thành người của điện ảnh cho tới nay. Ông chân tình chia sẻ: “Lạ à nghe, mình ai cũng bảo không đẹp trai, mà làm diễn viên ngọt vậy đó. Cho nên cái nghề này chỉ cần đam mê, đẹp cũng quan trọng, nhưng nếu bạn không đẹp bạn chỉ cần sống hết mình cho từng vai diễn là tốt rồi”.
Trong suốt cuộc đời đóng phim của mình, ông chưa bao giờ từ bỏ một lời mời nào, dù vai chính hay vai phụ, bởi như ông nói, chỉ cần vai đó ông cảm thấy yêu thích thì ông sẽ sống hết mình vì nó. Làm nghệ thuật cũng giống như mọi nghề lương thiện khác, khi đã dấn thân vào thì phải làm hết mình, cũng như phải sống chết vì nó. Ngoài việc chính đi đóng phim, ông còn theo các đoàn phim làm nhiều vị trí, từ kịch vụ, trợ lý đến phó đạo diễn, rồi cả chủ nhiệm, ai gọi đâu làm đó. Ông lao vào công việc vì nói thực ra ông chỉ mưu sinh cho bản thân và gia đình bằng chính công việc làm phim ảnh của mình.
Nhưng cũng có thời gian ông tham gia viết báo những bài kiểu “Theo chân đoàn làm phim” ghi nhận nội dung phim, những chuyện hậu trường của phim mỗi khi ông tham gia diễn hay làm những công việc khác cho đoàn phim. Công việc này cũng giúp ông có đồng ra đồng vào, hơn nữa là ông không phải từ bỏ đam mê điện ảnh của mình dù nó cũng chẳng nhiều nhặn gì. Ông chia sẻ: “Cái nghề diễn với tôi nó cũng không quá bạc bẽo. Chỉ là thời chúng tôi nếu là diễn viên chuyên đóng phim, mà không quá gọi là nổi tiếng thì cũng chỉ đủ sống, nếu biết chắt chiu mới mua được nhà cửa, không thì sống cũng chật vật lắm. Tôi biết có nhiều diễn viên như tôi giờ cũng ở nhà thuê”...
Thăng trầm chẳng từ diễn viên
Ông chia sẻ: “Nói là nói vậy, cũng không quá bi quan, nhưng cuộc đời mình cũng trải qua bao thăng trầm về mưu sinh, cuộc sống cũng không phải xuôi lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Nhưng nhiều lúc nói ra thì người ta lại nghĩ mình than vãn, chứ thực tình diễn viên nhiều khi cũng nghèo lắm”. Ông vốn quê ở Đồng Tháp, sau khi dấn thân vào sự nghiệp điện ảnh ông bàn với vợ chuyển lên TP.HCM sinh sống. Vốn hiền lành chất phác, ngoài nghề diễn ra thì ông cũng chẳng biết làm gì hơn, nên ông luôn miệt mài nhận phim, vừa thỏa niềm đam mê lại vừa có tiền.
Hai vợ chồng ông vào những khoảng năm 1989 rất vất vả. Mấy năm sau ông bán nhà ở quê, đồng thời vừa có tiền khi mới đóng bộ phim “Đất phương Nam”. Ông gom lại mua một căn nhà nhỏ để ở, tuy rất chật chội nhưng cũng vừa đủ cho hai vợ chồng và đứa con gái duy nhất cảm thấy thoải mái. Ngày đó ông nghĩ, thế là từ nay ổn định, không là người quá tham vọng nên ông chỉ cần như vậy. Một ngôi nhà bình yên, có vợ con và công việc đóng phim cũng đủ ông trang trải gia đình.
Nhưng tai họa ập đến khi con gái ông làm ăn thua lỗ, vay mượn bạn bè mà ông không hề hay biết. Chỉ khi vỡ lở ra ông mới ngã ngửa là số nợ ngoài khả năng của vợ chồng ông, thấy chủ nợ ngày nào cũng đến đòi, con gái cũng thấy hối hận nên ông quyết định bán nhà trả nợ cho con gái. Dù lúc đó ông thấy xót xa, tài sản lớn nhất là căn nhà để gia đình ăn ở cũng mất, thì còn gì buồn hơn? Nhưng ông đã chôn vùi cái đau đớn đó lại, ông vẫn cố gắng vui vẻ động viên vợ con cố gắng vượt qua. Rồi ông thuê nhà, ông tiếp tục nhận đóng phim để kiếm tiền trả nợ...
Ông tâm sự: “Ngày đó mình nghĩ là sẽ chẳng còn gì nữa, nhưng cứ nghĩ đến vợ con lại ráng sức lên. Mình là đàn ông mà còn bi quan thế thì vợ và con mình sẽ ra sao, nên mình cứ vui vẻ làm và sống tiếp”. May mắn thay, sau đó ông lại trúng hai tờ vé số độc đắc, lúc thấy mình trúng vé số ông đã mừng suýt hét lên thành tiếng. Ông nghĩ chắc ông trời thương cảnh cùng cực, nên đã cho ông trúng hai tờ để trả nợ cho con. Rồi mọi khó khăn dần qua, ông và vợ động viên nhau cố gắng làm ăn.
Con gái ông cũng đằm hơn, có gia đình và chăm chỉ làm ăn nên kinh tế giờ cũng đã tạm ổn. Ông cười tươi rói: “Bây giờ mỗi năm mình cũng đóng khoảng 7- 8 phim, chẳng kén vai lắm. May bạn bè thân hữu vẫn còn nhớ đến mình mà mời, chẳng ăn lương biên chế đoàn nào nên mình không có lương cứng, nhưng công việc đều đặn, con gái có gia đình nên mình bảo vợ đừng đi làm nữa, ở nhà bế cháu. Giờ thấy cháu ngoại là mình tan biến hết mệt mỏi, cảm ơn vì cuộc đời còn nhiều may mắn đến với mình”.
Diễn viên Nguyễn Hậu sinh năm 1953, quê Đồng Tháp, ông đã từng đóng góp nhiều ấn tượng sâu sắc cho khán giả như: Hải cầu Móng (phim Xóm nước đen), trùm mật vụ Dương Văn Hiếu (Ông Cố Vấn), Hai Gọn (Mảnh đất tình đời) và nhất là vai chính thầy giáo Tành trong bộ phim (Thung lũng hoang vắng)... Ngoài ra, ông còn khá nhiều vai phụ khác ấn tượng không kém trong các phim Người Mỹ trầm lặng (phim Mỹ), Mười (phim hợp tác với Hàn Quốc), Dòng máu anh hùng, Đất phương Nam... Xuất hiện ở nhiều phim, ông không quan trọng vai chính phụ, lớn nhỏ, bất kỳ vai nào ông cũng nghiên cứu kỹ lưỡng về vai diễn để hóa thân vào nhân vật một cách sâu đậm. |
Tô Hương Sơn