Bỗng dưng phát hiện "tử thần" cận kề
Băng lớn lên ở Đồng Tháp, ba mẹ cô chỉ có một ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa cánh đồng. Ba mẹ cô có ba người con, vì không có đất canh tác nên ai thuê gì làm nấy, cuộc sống vô cùng vất vả, đói khát. Không được học chữ, Băng xin mẹ vừa làm vừa học thêm để mở tiệm hớt tóc. Trời không phụ lòng cô gái xứ miệt vườn, Băng học xong, vay mượn anh em bạn bè thân thích một số tiền mở tiệm.
Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì Băng bỗng thấy mình mệt mỏi. Đi bệnh viện khám, khi nghe bác sĩ thông báo mình bị bệnh suy thận giai đoạn cuối, Băng như chết lặng đi.
Đặng Thị Ngọc Băng đang chờ chết vì không có tiền điều trị bệnh suy thận
Qua tìm hiểu, gia đình mới biết đó là bệnh nan y. Ba mẹ Băng không đành lòng nhìn con gái bệnh tật nên đã quyết định bán nhà để điều trị. Khi nghe ba mẹ bán nhà, Băng đã khóc rất nhiều. Bởi Băng biết cả gia đình chỉ có một ngôi nhà để chui ra chui vào, nếu bán đi thì chẳng bao giờ gia đình Băng có thể mua được ngôi nhà khác.
Ba mẹ Băng trấn an con gái rằng: "Ba mẹ chỉ cần có con thôi, không có nhà mình sẽ thuê nhà để ở, cùng lắm thì nằm ngoài đường, nhưng không có con thì ba mẹ sẽ không còn gì hết, miễn là được sống bên nhau là vui rồi!".
Bán nhà xong, không còn chỗ nương thân, ba mẹ Băng đi ở đợ cho người ta. Hai vợ chồng phụ trách trông ao cá cho một hộ trong xã với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng. Còn Băng phải lên bấu víu vào vợ chồng chị gái (chị Linh - anh Tèo) trên Sài thành.
Tuy nhiên, suốt ba năm nay, vợ chồng anh Tèo - chị Linh làm ăn liên tục thua lỗ, đến nỗi phải bán nhà để trả nợ. Bán nhà xong, còn được vài trăm triệu, chị Linh lại nhẹ dạ nghe lời lừa phỉnh của một số người xấu, cho họ vay tiền đến giờ vẫn không đòi được.
"Chắc phải để Băng chờ chết ở nhà trọ"
Không nghề nghiệp, hết vốn làm ăn, để có tiền mưu sinh, vợ chồng anh Tèo phải đi vay lãi góp để kinh doanh. Gọi là kinh doanh cho sang, chứ thực ra, từ tờ mờ sáng, hai vợ chồng đã phải để hai đứa con nhỏ ở nhà và chở nhau lên chợ đầu mối, mua rau củ các loại về bán ở lề đường. Chị Linh đi vay lãi được 5 triệu đồng, mỗi ngày trả 100.000 đồng, trong hai tháng phải trả hết. Như vậy, lãi suất được tính là 10%/tháng (trong khi, lãi suất ngân hàng là 9%/năm).
Tính ra, vợ chồng anh Tèo phải vay với mức lãi suất cao gấp hơn 12 lần lãi suất ngân hàng. Đã vậy, nếu một ngày bán hết hơn 1 triệu tiền rau củ lấy ở chợ đầu mối, vợ chồng anh Tèo sẽ lời chỉ khoảng 100.000 đồng.
Băng càng ngày càng yếu, một ngày cô truyền dịch 3 lần, mỗi lần truyền một bình dịch 2 lít trong vòng 4 tiếng. Cả ngày Băng chỉ húp được vài thìa cháo, không ăn được thịt cá, liên tục nhức đầu, chóng mặt và co giật. Có thời điểm một ngày, Băng lên cơn co giật 5 lần. Da đen xạm, mắt không có chút thần sắc, người héo hon như cây củi khô, hơi thở nặng mùi kháng sinh, chị Băng bây giờ như cái xác không hồn.
Hiện thu nhập bấp bênh của vợ chồng anh Tèo vốn không đủ trang trải cho 2 vợ chồng, 2 đứa con, mỗi tháng còn phải trả hơn 2 triệu tiền thuê nhà. Đã vậy còn phải nuôi thêm 1 mẹ già và một em gái bệnh tật khiến họ vay hết chỗ này đến chỗ kia vẫn không đủ trang trải. Bây giờ, cuộc sống của gia đình họ đã đến mức tận cùng của sự nghèo khổ.
Khó khăn chồng chất khó khăn khiến người chồng hết mực thương vợ như anh Tèo cứ mỗi lần buồn đời nhậu xỉn lôi vợ ra chỉ trích rằng, gia đình nhỏ còn lo chưa xong mà bao nhiêu tiền bạc của nả lại đem lo hết cho gia đình lớn. Chị Linh chỉ biết lấy nước mắt để tự xoa dịu nỗi tủi nhục bất khả kháng ấy.
Anh Tèo nói với tôi trong nước mắt: "Em rất thương cô Băng nhưng nếu bây giờ cô ấy lên cơn co giật nữa, vợ chồng em cũng không biết xoay đâu ra tiền để đưa cô ấy đi bệnh viện. Những chỗ vay được, vợ chồng em đã vay hết rồi. Bác sĩ bảo, bệnh này có tiền thì đến gặp bác sĩ, không có tiền thì chết. Chắc vợ chồng em phải để cô ấy chết ở nhà trọ thôi".
Gia đình chị Băng đang rất cần sự giúp đỡ. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Anh Tèo, chị Linh số 278/28 Gò Xoài, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM, số điện thoại: 01283476029 hoặc Báo Đời sống và Pháp luật, tòa nhà A6 Khu đô thị Nam Trung Yên, đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. |
Hương Sen