Đối thoại giữa thời bình của hai người chỉ huy
Vào một buổi chiều mưa rơi nặng hạt, chiếc taxi màu xanh đỗ xịch ngay trước cổng nhà đại tá Lê Bá Ước – Nguyên Trung đoàn trưởng đặc công Rừng Sác năm xưa. Trên xe bước xuống có một người Việt và một người nước ngoài to cao, da trắng, trên tay cầm chai rượu vang.
Đại tá Lê Bá Ước (thứ 4, từ trái sang) kể về đồng đội ông với khách tham quan tại chiến khu rừng Sác
Sau màn chào hỏi, người nước ngoài tự giới thiệu, ông nguyên là Tổng giám đốc kho xăng Nhà Bè ngày xưa đã bị lính đặc công Rừng Sác làm nổ tung. Sau cuộc chiến, ông ấy đã đi tìm người chỉ huy trận đánh đó hơn 30 năm mà nay mới gặp. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt vị khách cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Câu chuyện của họ nhanh chóng biến thành cuộc phỏng vấn nóng bỏng tái hiện lại sự kiện đốt cháy kho xăng Nhà Bè.
Ông Tây hỏi: “Tại sao kho xăng ESSO, CANTEX nằm bên ngoài dễ đánh hơn các ông không đánh mà lại đánh kho SHELL nằm giữa?”. Đại tá Lê Bá Ước: “Là Tổng giám đốc chắc ông hiểu rõ hơn tôi. Kho SHELL chứa lượng xăng rất lớn. 50% sử dụng cho quân đội Sài Gòn, 50% phục vụ cho dân sự và một phần còn lại dự trữ cho chiến trường ở Phnôm Pênh, Campuchia vì vậy chúng tôi bắn một viên đạn mà trúng nhiều đích”.
Ông Tây cười vui vẻ gật đầu và tiếp: “Có người của chúng tôi cung cấp thông tin và dẫn đường không? Phía các ông có bao nhiêu người tham gia và có bị thương vong nhiều không?”.
Đại tá Lê Bá Ước: “Phải thừa nhận là các ông tổ chức bố phòng rất nghiệm ngặt. Tầng tầng lớp lớp hàng rào bảo vệ lại còn lính gác dày đặc. Sau nhiều ngày do thám vất vả, hiểm nguy, chúng tôi đã tìm được một kẽ hở là nhằm vào tốp lính gác thuộc diện “con ông cháu cha” do sợ phải điều ra vùng I chiến thuật ác liệt nên chạy chọt vào làm lính gác kiểng ở cổng phía đông. Khung cảnh về đêm trăng thanh gió mát là ngủ gà ngủ gật. Chúng tôi đột nhập vào và cắt hàng rào từ bên trong ra đón đồng đội từ phía ngoài vào. Chúng tôi chỉ có 8 chiến sĩ đặc công dũng cảm, ngoan cường thực hiện việc đột nhập và hai trong số đó đã bị hy sinh”.
Ông Tây gật đầu chân thành và ngỏ ý muốn mượn lại một số hình ảnh để phục vụ cho việc viết cuốn hồi kí cuộc đời binh nghiệp của mình.
Là người chỉ huy từng vào sinh ra tử với các đồng chí đồng đội, hơn ai hết, đại tá Lê Bá Ước cảm nhận và thấu hiểu được sự mất mát hy sinh của những người lính chiến của ta và địch. Trong chiến tranh, một khi đã đối đầu nhau thì ai nhanh tay siết cò súng trước thì người đó sống. Có những trận đánh lớn mà đặc công Rừng Sác đánh cho giặc tan tành, xác người nằm ngổn ngang một số trôi ra sông làm mồi cho cá sấu.
Trong buổi gặp ông Jimkero, nguyên Phó Thủ tướng và phu nhân lặn lội từ nước Úc xa xôi qua Việt Nam để tìm hiểu về cuộc chiến trong đó có những người lính Úc từng tham chiến. Gặp người chỉ huy đặc công Rừng Sác năm xưa, ông ôn lại những trận chiến mà Đoàn đặc công của ông từng đối đầu với những người lính bên kia chiến tuyến, trong đó có lính Úc. Đại tá Lê Bá Ước nói thẳng rằng, khi quân đội Úc tham chiến tại Việt Nam, họ đã gây ra nhiều nợ máu với nhân dân Nam Bộ, chính họ đã tiếp tay cho Mỹ tàn sát người Việt Nam. Tuy vậy, khi rút quân về nước, quân đội Úc đã phải trả giá với hàng ngàn thương binh tử sĩ đang nằm lại trên mảnh đất mà họ tham chiến. Nghe đến đó, ông Jimkero dừng lại và hỏi đại taá́: “ Xin ông cho biết con số thiệt hại của quân đội Úc vì chúng tôi được thông báo của Chính phủ Hoàng gia Úc chỉ khoảng ba trăm”?
Người chỉ huy Trung đoàn đặc công trả lời: “Riêng quân đội Hoàng gia Úc xin đơn cử chỉ với trận đánh đầu tiên khi họ đổ quân vào Bà Rịa đã bị quân giải phóng địa phương tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn. Đến trận đánh cuối cùng khi rút quân đã có thêm hàng trăm người phải bỏ mạng. Vậy thì chỉ cộng riêng hai trận đánh đầu và cuối cũng đã vượt xa con số ba trăm mà quý vị được thông báo”.
Cuộc phỏng vấn của phóng viên hãng Reuter
Quang cảnh hội trường Thống nhất TP. HCM những ngày kỉ niệm 30/4 giải phóng miền Nam nhộn nhịp cờ và hoa. Nụ cười nở rộ trên môi những người lính trở về sau cuộc chiến gian khổ khốc liệt. Đại tá Lê Bá Ước đang đứng dưới gốc cây cổ thụ rợp bóng mát trả lời phỏng vấn trực tiếp của Đài truyền hình Việt Nam.
Từ xa có mấy người nước ngoài (họ giới thiệu thuộc hãng Reuter) tiến tới cùng một phiên dịch, ông ta nhỏ nhẹ hỏi: “Xin phép đại tá cho tôi được phỏng vấn đôi điều nhân ngày kỉ niệm này?”. Phóng viên: “Thưa đại tá, kỉ niệm 30/4 năm nay theo ông thì thắng lợi của dân tộc Việt Nam như thế nào?”.
Đại tá Lê Bá Ước: “Là người nước ngoài đến có lẽ ông nhận xét khách quan hơn người trong cuộc. Nhưng ông đã hỏi thì tôi xin nói: Thắng lợi to lớn mang ý nghĩa lịch sử trọng đại của đất là chúng tôi đã có được hòa bình thống nhất thật sự. Điều mà trải qua cuộc chiến bao nhiêu năm gian khổ ác liệt mới giành lại được. Nhờ có hòa bình mà đất nước chúng tôi đang từng bước đổi mới đi lên vững chắc, nhờ có hòa bình trong lao động mà dân chúng tôi có cơm ăn áo mặc, được học hành, cuộc sống ngày một cải thiện”.
Phóng viên: “Theo ông thì người Mỹ hiện nay hiểu về Việt Nam như thế nào?”.
Đại tá Lê Bá Ước: “Tôi chưa có điều kiện sang nước Mỹ nhưng qua bà con Việt kiều về nước kể lại và qua thông tin trên báo chí biết rằng nhân dân Mỹ và cả trong chính giới Mỹ đều rất đồng tình với quan điểm của Đảng và Chính phủ của Việt Nam là khép lại quá khứ tập trung lo cho hiện tại và tương lai”.
Phóng viên: “Là một sĩ quan chuyên nghiệp, hiện giờ ông còn cảm thấy hận thù quân đội Mỹ không?”
Đại tá Lê Bá Ước: “Là người lính, trong tôi vẫn đang hằn sâu những vết thương đồng bào, đồng chí tôi mới ngã xuống còn nằm đó trong chiến tranh thì làm sao không suy nghĩ. Nhưng đã chấp nhận khép lại quá khứ thì cùng nhau bắt tay thân thiện cho hòa bình, hữu nghị vì quyền lợi của hai dân tộc. Tôi nghĩ những quân nhân Hoa Kì từng tham chiến tại Việt Nam thì hơn ai hết họ hiểu được suy nghĩ của chúng tôi về chiến tranh”.
Cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với người chỉ huy chiến trường Rừng Sác ác liệt năm xưa đã nói được nhiều thứ. Trong đó có sự nhân ái, bao dung, ngay cả với những người từng là kẻ thù của mình trước đây. Họ sẵn sàng để quá khứ ngủ yên và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Hoa Nguyên