Lảng vảng chốn pháp trường Long Bình (Q.9), vờ lân la nhờ người bốc mộ trong nghĩa trang trường bắn, chúng tôi được một người dân giới thiệu về ông Ba Soan, một tay thứ thiệt trong giới "ký sinh" xác chết ở đây. Ông ta được người dân "quảng bá" là có bề dày kinh nghiệm hơn 30 năm ngụp lặp chốn pháp trường. Tuy vậy, đó chỉ là câu chuyện của mấy năm về trước. Sau này, có tin đồn ông bị chết do tai nạn giao thông. Người thì bảo ông bị bệnh hiểm nghèo hay bị điên đi lang thang. Có người lại cho biết, thỉnh thoảng lại thấy ông lai vãng quanh cổng trường bắn.
Ba Soan trong gian nhà cô quạnh
"Trùm" hốt xác mai danh ẩn tích
Mang hi vọng gặp người nắm những câu chuyện "thâm cung bí sử" hậu trường bắn Long Bình, chúng tôi quyết định đi tìm ông. Dò la mãi có người gật đầu thừa nhận ông còn sống. Nhưng ngặt một nỗi, chẳng ai biết nhà ông hiện ở đâu. Chỉ biết rằng trước kia ông từng ở phường Long Bình, Q.9. Sau nhiều ngày trời đi hỏi thăm, cuối cùng PV cũng gặp được một người quen với ông Ba Soan. Người này cho biết, ông Ba Soan không những còn sống mà hiện tại rất minh mẫn. Ông đang "mai danh ẩn tích" trong một con hẻm cụt của phường Tân Phú (Q.9, TP.HCM).
Đến nhà "ông trùm" hốt xác tử tù, thấy khách gõ cửa, trong nhà một người đàn ông luống tuổi chần chừ nheo nheo đôi mắt thận trọng. Chờ đến khi chúng tôi lên tiếng chào "chú Ba Soan" thì ông mới nạt mấy con chó đang sủa inh ỏi. Nhà ông có tường bao bằng lưới B40. Căn nhà hẹp, xây theo kiểu phòng trọ. Được biết, ông Ba Soan sống một mình bởi vợ ông đã mất, mấy đứa con lớn ra ở riêng.
"Trùm" hốt xác Ba Soan dáng người gầy guộc, da nhăn nheo vì đã có tuổi. Khuôn mặt ông xương xẩu, dữ tợn. Điểm đặc biệt nhất ở con người Ba Soan là mái tóc dài. Hàng chục năm qua, ông không cắt tóc mà để thắt củ tỏi phía sau lưng. Người ta bảo ông lập dị. Nhìn chung Ba Soan mang phong thái của một gã lãng tử pha chất bụi giang hồ. Thế nhưng ẩn đằng sau vẻ bề ngoài không mấy thiện cảm ấy lại là con người hoàn toàn khác. Ông chuyện trò khá cởi mở, chẳng giấu giếm điều gì, kể cả những câu chuyện "thâm cung, bí sử" ở trường bắn.
Ba Soan tên thật là Lữ Văn Sơn, quê gốc Bến Tre. Tuy nhiên, Sài Gòn mới là nơi làm nên thương hiệu "Ba Soan trường bắn". Trong hồi ức của mình, "phu" trường bắn Ba Soan vẫn không thể quên những năm tháng được sống trong một gia đình sung túc tại tỉnh Bến Tre. "Bố tôi làm cai xây dựng dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Chính vì thế kinh tế gia đình cũng giá giaả̃", Ba Soan nhớ lại.
Trong khi mấy anh em chẳng ai thèm học hành thì riêng ông tự hào rằng mình đã hết chương trình (tương đương với cấp III bây giờ). Thế nhưng, bản tính hiếu thắng, thích đua đòi của ông đôi lần làm cha mẹ phiền lòng. Ngoài đến lớp, ông dành nhiều thời gian để đến các võ đường học võ. Hết cấp, ông quyết định ở nhà bám víu các lò võ sống qua ngày. Sau này, ông nhận được lệnh nhập ngũ của chế độ ngụy. Gắn bó với môi trường lính được 3 tháng, trong một trận chiến, ông bị thương nên được gửi về hậu phương điều trị. Lợi dụng sự sơ hở, Ba Son đánh liều đào ngũ, bỏ về quê theo cha làm xây dựng . Nhưng một lần nữa, dù quyết tâm né tránh, ông vẫn bị quân cảnh của ngụy quyền bắt trở lại. Lần thứ hai đi lính, ông làm nhiệm vụ lao công, đi tải đạn. Sau đó, khi đất nước thống nhất, Ba Soan quyết về Sài Gòn bám trụ, lấy vợ và bắt đầu hành trình mưu sinh.
Long đong kiếp "đa tài"
Vào những năm của thập kỷ 70, Ba Soan từng nổi danh ở nhiều võ đài thời ngụy quyền Sài Gòn. Mỗi khi thượng đài tỉ thí tại các võ đường, dù thân hình nhỏ con nhưng đối thủ luôn rất kiêng dè ông. Những cú đấm như trời giáng hay cú ra chân phản đòn chớp nhoáng chính là sở trường tôi luyện thêm cho Ba Soan sau này khi dấn thân vào cuộc sống. Bản thân ông cũng thừa nhận rằng, ngày ấy nếu cố gắng mài dùi đèn sách thì có lẽ cuộc đời ông sẽ rẽ sang hướng khác. Ít ra ông cũng làm được "ông này bà nọ", chứ không đơn thuần với cuộc sống bần hàn như bây giờ…
Những năm sau giải phóng, cuộc sống ở Sài Gòn không dễ dàng chút nào, nhất là một kẻ thiếu kiên trì, nhẫn nại như Ba Soan. Ông làm đủ thứ nghề như xe ôm, cửu vạn rồi mở lớp dạy võ tại gia nhưng cuộc sống vẫn vạ vật. Chẳng hiểu duyên số đưa đẩy thế nào mà một gã lao động quèn như Ba Soan lại đột nhiên được…đóng phim. Ba Soan kể, vào những năm của thập kỷ 90, có đoàn làm phim trên Sài Gòn về khu vực Long Bình quay cảnh. Lúc đó, đạo diễn cần một số nhân vật phản diện. Một buổi sáng, bỗng dưng thấy Ba Soan lướt qua, ông đạo diễn "chụp" ngay. Ông này bị hút bởi một người đàn ông mang nhiều nét dữ tợn, đậm chất giang hồ. Thế là một gã lao động quèn chỉ trong vòng một ngày đã bén duyên điện ảnh, lột áo lao động đi làm diễn viên.
Nói chuyện với chúng tôi, ông kể lại kỷ niệm hiếm hoi được diễn cùng Lý Hùng, Diễm Hương vào những năm đó: "Một lần khác, tình cờ đến xem đoàn làm phim, tôi gặp ngay diễn viên Lý Hùng và hai người nhận ra nhau. Bởi trước đó tôi từng học tại võ đường của bà Võ Lý Hoàng Yến (dì ruột Lý Hùng) nên hai người thường xuyên giáp mặt nhau. Lý Hùng giới thiệu với chủ nhiệm đoàn phim cho mình tham gia vai nhân vật quần chúng trong một số cảnh". Ai ngờ từ lần đóng phim ấy, ông liên tục nhận được những cái gật đầu đồng ý của chủ nhiệm, đạo diễn đoàn làm phim. Họ mời Ba Soan tham gia ở nhiều bộ phim khác. Các bộ phim ông đã từng kinh qua, giờ trở thành những tác phẩm nghệ thuật bất hủ của nền điện ảnh Việt Nam như: Phạm Công Cúc Hoa, Dòng Đời, Trúc đào kim quy, Nữ đặc nhiệm.
Bén duyên pháp trường
Trường bắn Long Bình đi vào hoạt động. Sống sát nách với pháp trường, Ba Soan bén duyên với nghề liệm xác, chôn cất, bốc mộ tử tù từ đó. Lý do đưa ông đến cái nghề rùng rợn này là trong một lần hiếu kì ra trường bắn xem hành quyết. Những tử tù gục xuống, có những người được thân nhân khâm liệm cẩn thận, bên cạnh đó có những tử tù sống đơn côi, lúc về đất cũng chỉ một thân một mình, không người đưa tiễn. Ông quyết định làm cái nghĩa cử cuối cùng là tiễn họ về đất bằng cách khâm liệm thay người thân. Từ đó, sau những loạt súng khô khốc, Ba Soan lại mon men đến lấy xác để chôn cất. Cảnh tượng kỳ dị đó khiến người ta không khỏi rợn người.
Nhấp ngụm trà đặc, Ba Soan kể, trước kia tử tù sau khi chết cũng được canh gác cẩn thận, không được đưa xác ra ngoài. Đó cũng là lý do xuất hiện lực lượng chuyên trộm xác, bốc xác tử tù mà Ba Soan là thế hệ đầu. Ba Soan được chúng thuê mướn. Một ngày không được thì hai, ba ngày sau thậm chí cả tuần. Có nhiều vụ khi xác bắt đầu trương lên thì ông mới lấy được.
Được biết, cứ nửa đêm, khi bảo vệ ít cảnh giác nhất, ông mới trườn vào, dùng cuốc, xẻng đào bới rồi móc xác lên bỏ lên vai chạy thục mạng. Những lần vác xác tử tù trên vai trong đời ba Soan không thể kể hết được. Và cho đến nay, ông không nhớ nổi rằng mình đã lấy được bao nhiêu xác tử tù trong trường bắn Long Bình. Chỉ biết lúc cao điểm, mỗi tuần 5-6 cái án tử ông và đàn em đều "khoán" hết. Có những "vố" được ăn đậm, cả đội lại lôi nhau đi ăn nhậu. Gần 30 năm gắn bó với "nghĩa địa tử tù", lúc hưng thịnh Ba Soan nắm hàng chục đệ tử, vây cánh đầy mình. Giờ thì Ba Soan coi như thu mình ở ẩn. Thi thoảng, những người biết đến cái "danh" xưa kia của ông mà tìm đến gõ cửa, nhờ ông tư vấn cách bốc mộ pháp trường, hay xác định đúng lý lịch tử tù mà thôi.
Thú vui... lạc bước Hầu hết các vai diễn với sự có mặt của ông, dù chỉ trong vài cảnh, phân đoạn ngắn, số tiền cát- xê ít ỏi nhưng với ông đó là sự mãn nguyện. Thế nhưng, sự nghiệp điện ảnh chẳng đong kín được cái dạ dày rỗng của Ba Soan. Phim ảnh bữa đực bữa cái. Nổi tiếng chẳng phải, diễn viên chính lại càng không, ông mưu sinh chỉ bằng mấy cuốc xe ôm. Ba Soan quyết định dẹp thú vui mà mình vô tình lạc bước để trở lại với cuộc sống lo toan đời thường. Và ông chọn nghề hốt xác để mưu sinh qua ngày. |
Kỳ Anh
Kỳ cuối: Bí ẩn thế giới ngầm trường bắn qua sự tiết lộ của "trùm tử thi" Ba Soan