Cuộc đời sóng gió
Nghệ sĩ Hồ Ngon (SN 1955, thuộc ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), lớn lên trong một gia đình nghèo, cha làm thợ mộc, mẹ cặm cụi với mảnh vườn ít ỏi. Ngồi bên ly trà nóng, ông tâm sự về cuộc đời đầy gian truân của mình: "Gia đình có 6 anh em nhưng tôi là người may mắn nhất bởi được học hết lớp 12. Mặc dù là học sinh giỏi suốt 12 năm học nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tôi đành bỏ đi những ước mơ cháy bỏng để đi kiếm tền với những công việc nặng nhọc và vất vả. Đây chính là lý do và cũng là động lực để tôi quyết định đi học sư phạm tại tỉnh Bến Tre, cho dù đó không phải là ước mơ của mình chỉ vì muốn thay đổi định mệnh cho cả gia đình".
Những tấm huy chương xứng đáng dành cho nghệ sĩ Hồ Ngon (ảnh Thơ Trịnh)
Năm 2007, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Ngon mắc phải căn bệnh gút quái ác khiến cho cả gia đình ông tiều tụy hơn. Hai cậu con trai của ông vì thế cũng bỏ học, đi làm ăn từ khi tuổi đời còn rất nhỏ. Vợ hiền cũng rời bỏ và để lại một mình ông chống trọi với cuộc sống. Ông cho biết: "Nằm bệnh viện 11 tháng, tôi chỉ còn biết trông chờ sự giúp đỡ của bạn bè và đồng nghiệp. Những cơn đau kéo dài khiến tôi tưởng mình không thể sống được nữa. Có những lúc hơn nửa tháng trời không ăn được gì ngoài việc ngắm nhìn sự sống quanh mình. Sự cô đơn và sự nhạy cảm đã gắn tâm hồn tôi với những dòng thơ buồn kể từ đó. Cho đến bây giờ, tôi có tất cả 50 đứa con tinh thần là thơ trào đời nhưng chỉ là để giải sầu, an ủi và động viên cuộc sống của chính mình".
Thật vậy, đọc bài "Giàu" - cái khó" của Hồ Ngon được treo trên bức phên rách nát khiến chúng tôi không khỏi xót xa: "Nhà tôi "giàu" lắm ai ơi/Tháng ngày vắng vẻ ít người lại qua/ Vịt không có cũng chẳng gà/Gạo thì hết sạch, muối cà thì vơi/Bạc tiền đang lúc hết thời/ Mượn vay, vay mượn, lãi lời suốt năm/Vợ đi biệt tích biệt tăm/Con thì xa xứ chẳng thăm một lời/Nhiều đêm trái gió trở trời/ Nằm ôm cơn bệnh, biết mời gọi ai...". Những câu thơ mặn đắng và xót xa ấy, đủ để hiểu cuộc sống của ông đã phải trải qua những ngày tháng vất vả như thế nào. Và nếu như không có tinh thần lạc quan, yêu đời thì khó có thể thoát khỏi cuộc sống nghặt nghèo ấy.
Nghệ sĩ Hồ Ngon vẫn cười tươi dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn (ảnh Thơ Trịnh)
Sức sống kỳ lạ và biệt danh "quái kiệt"
Nghệ sĩ mẫu mực và đa tài Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Quang - Bí thư Chi bộ ấp Hàm Luông (xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết: "Mọi người ở đây biết đến anh Hồ Ngon là một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng, đa tài, mẫu mực và xử lý tình huống nhanh nhạy. Anh ấy sống rất hòa đồng, vui vẻ và bình đẳng. Mặc dù phải đối diện những cơn đau bệnh tật trong một thời gian dài nhưng anh Ngon luôn hưởng ứng mọi phong trào tại địa phương và tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Thời gian nằm viện gần một năm trời, anh Ngon gần như cạn kiệt, phải bán đất để nuôi con và duy trì sự sống. Ai cũng nghĩ, anh ấy không vượt qua nổi cửa ải của cái chết. Tuy nhiên, sự sống đến với anh quá bất ngờ". |
Vốn là người hòa đồng, vui vẻ và sôi nổi, nghệ sĩ Hồ Ngon đã chiến thắng được tử thần, dành lại sự sống. Cơn bệnh ngặt nghèo rồi cũng dần qua đi, sức khỏe của ông phục hồi mỗi ngày và nhanh chóng trở lại sân chơi "ảnh nghệ thuật" với tinh thần đầy lạc quan. Nghệ sĩ Hồ Ngon kể lại khoảnh khắc dành lại sự sống của mình: "Ngày đầu tiên trở về từ bệnh viện sau gần một năm trời, mọi người nhìn mình như một hiện tượng kỳ lạ. Bất kỳ ai gặp mình cũng bắt đầu bằng chữ "ủa": "Ủa, sống hả!", "Ủa, không chết hả!", "Ủa, về rồi hả!"... Tất cả sự bất ngờ của mọi người đã được ông khái quát lại một cách sâu sắc trong bài thơ Vì sao anh không chết: "Thân xác xơ như cây sắp héo tàn/Mà vẫn sống, vẫn buộc ràng cùng nhân thế/Nợ trần gian còn nặng gánh chưa đền/Muốn sống cho tròn cái số phận của riêng ta…".
Sự lạc quan và nỗ lực không chỉ giúp cho nghệ sĩ Hồ Ngon chiến thắng cái chết mà còn đạt được nhiều thành tích cao trong lĩnh vực nghệ thuật. Năm 2010, tại cuộc thi "Chân dung người Việt Nam hôm nay" do hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Hồ Ngon bất ngờ lọt vào vòng triển lãm với một tác phẩm. Năm 2011, nghệ sĩ Hồ Ngon tiếp tục đoạt được một "lô" giải: một giải nhất, một giải ba, một giải khuyến khích và ba ảnh triển lãm. Năm 2012, trong cuộc thi do Hội Nhiếp ảnh Việt Mỹ (VN USPA) tổ chức ở Hoa Kỳ, dưới sự bảo trợ của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (FIAP), ông lại đưa những "đứa con tinh thần" của mình dự thi. Tại cuộc thi, có tất cả 3.306 tác phẩm của 355 tác giả từ 61 nước trên thế giới. Kết quả là Hồ Ngon đoạt ba giải (trong đó có một HCĐ, một HCB) và ba triển lãm.
Không chỉ vậy, nhắc đến Hồ Ngon, không ai là không biết đến biệt danh "quái kiệt 13 tỉnh miền Tây" mà bạn bè đặt cho ông. Giải thích về biệt danh kỳ lạ này, nghệ sĩ Hồ Ngon cho biết: "Sở dĩ mọi người gọi tôi là quái kiệt bởi tôi có thể nói được 13 giọng địa phương trên cả nước và nhái được y hệt tiếng kêu của 15 loại gia súc, gia cầm. Trong đó, đặc biệt là thương hiệu con tắc kè vì nhái chuẩn nhất. Vì thế, nhiều người còn gọi tôi là "nhà nhiếp ảnh tắc kè". Do được sống ở vùng quê sông nước nên tôi may mắn được tiếp cận với nhiều loài vật, và dễ dàng học được tiếng kêu của chúng từ lúc còn bé thơ. Thậm chí, nhiều khi chúng còn đáp lại mỗi khi tôi phát ra tiếng kêu của loài động vật đó. Điều đó góp phần rất lớn trong việc xoa dịu những khoảnh khắc cô đơn, buồn tẻ trong cuộc sống. Mặt khác, điều đó cũng mang lại tiếng cười và niềm vui cho mọi người".
Thơ Trịnh