Chị Dung kể: "Bị bán sang làm vợ người đàn ông này, nhưng chưa bao giờ chị coi đó là chồng, vì chị đã từng có chồng ở Việt Nam. Tuy vậy, chị vẫn phải sống và sinh cho ông ta cậu con trai, năm nay đứa con trai đó đã 21 tuổi.
May mắn chỉ là hiếm hoi
Mặc dù là nạn nhân của vụ buôn bán phụ nữ, nhưng chị Phạm Thị Dung, SN 1961, quê huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là một trong số hiếm hoi những phụ nữ Việt Nam may mắn khi làm dâu xứ người. Chị là người được gia đình chồng bỏ tiền ra mua về làm "vợ chui" nhưng chị cũng được người chồng không hôn thú rất mực thương yêu, và luôn dành cho chị sự quan tâm tốt nhất.
Chị Dung kể: "Bị bán sang làm vợ người đàn ông này, nhưng chưa bao giờ chị coi đó là chồng, vì chị đã từng có chồng ở Việt Nam. Tuy vậy, chị vẫn phải sống và sinh cho ông ta cậu con trai, năm nay đứa con trai đó đã 21 tuổi. Chị được cho đi buôn bán cùng chồng và người em chồng, nhưng dường như chẳng khi nào chị có thể trốn chạy được sự quản lý của họ".
Chị Dung cho biết thêm, trong suốt thời gian đi buôn bán cùng chồng và em chồng, bao nhiêu tiền lãi chị làm ra đều được gia đình nhà chồng trừ đi khoản tiền ăn hàng ngày của chị, số còn lại chị được người chồng mang gửi tiết kiệm. Do đó khi chị được người chồng cho về Việt Nam, chị đã có một khoản tiền lớn để xây một căn nhà mái bằng trên mảnh đất mà suốt hơn 23 năm rồi chị mới được trở lại. Đó chỉ là số ít những phụ nữ Việt Nam may mắn khi làm dâu xứ người…
Nhiều phụ nữ Việt Nam đang làm... "vợ chui".
Vừa làm dâu, vừa làm… "nô lệ"
TP Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, nơi có nhiều đàn ông lấy vợ Việt Nam. A Tài, một người dân tộc Choang cho biết: "Ở đây có nhiều con gái Việt Nam sang làm vợ người Trung Quốc nhưng họ bị nhốt ở trong nhà, công việc của họ chủ yếu là làm nội trợ và nuôi con. Họ bị "nhốt" vì nhà chồng sợ mất vợ".
Chị Nguyễn Thị Nụ (SN 1973), quê ở Phú Thọ từng bị bán làm vợ cho một người đàn ông ở Quế Lâm tâm sự: "Mình bị bán sang đây từ năm 1990, khi đó mình đang nghỉ hè lớp 11 và bị lừa bán trong một lần trốn nhà xuống Hà Nội chơi". Chị Nụ cũng cho biết, xung quanh khu vực chị sống có hàng chục người phụ nữ Việt Nam đang phải sống một kiếp trâu ngựa cho nhà chồng. Suốt ngày họ bị đánh đập, chửi mắng (mặc dù không hiểu bị chửi cái gì? Do sự bất đồng về ngôn ngữ).
Theo chị Nụ và A Tài, đến Quế Lâm nói riêng, ở Trung Quốc nói chung, bất cứ người Việt Nam lạ nào khó có thể tiếp cận với một người phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang đây, bởi sự kiểm soát và cảnh giác của nhà chồng. Bản thân chị Nụ cũng từng bị giam cầm hàng chục năm. Cho đến một lần, sau hàng trăn ngàn lần van xin và hứng những trận đòn thập tử nhất sinh thì chị được người chú của chồng giúp chị (dẫn theo chồng con) về quê năm 2009.
Sau đó thấy chị Nụ không có biểu hiện bỏ trốn nên nhà chồng không cảnh giác nữa, chị Nụ được sống và giao tiếp thoải mái hơn, mỗi năm chị được chồng cho về quê thăm bố mẹ 1 lần. Chị Nụ không thể về quê hẳn được, vì tình thương với đứa con nên chị không lỡ bỏ mặc nó để về Việt Nam. Mặt khác, con chị không biết nói tiếng Việt nên chị cũng không thể đưa con về quê sống.
Cô dâu Việt Nam bị cho là… "ngu"?
Qua tiếp xúc với nhiều người phụ nữ Việt Nam sống trong cảnh làm dâu xứ người, và những người đã trốn được về quê, nguyên nhân khiến nhiều người phụ nữ Việt Nam bị bán phải chịu cuộc sống tủi nhục nơi đất khách quê người đó là sự bất đồng về ngôn ngữ, trình độ văn hóa thấp. Đến với một cuộc sống hoàn toàn lạ lẫm về mọi thứ, lẽ ra họ phải được bảo ban, hướng dẫn như những nhà chồng ở Việt Nam. Nhưng vì sự bất đồng ngôn ngữ nên những sinh hoạt ở nhà chồng họ chỉ được hướng dẫn qua hành động mà không nghe được lời dặn dò, giải thích. Trong khi đa số phụ nữ bị lừa bán có trình độ văn hóa thấp nên việc tiếp thu cũng hạn chế. Được "làm mẫu" nhiều việc nhưng vẫn không làm được theo ý nhà chồng, họ phải chấp nhận những lời chửi mắng, đánh đập của người nhà chồng vì bị cho là "ngu, dốt"!
Theo chị Dung, những người phụ nữ Việt Nam sang đây làm dâu ở một số gia đình, nếu bị một người trong gia đình nhà chồng ghét bỏ thì sẽ bị cả gia đình hắt hủi, chứ dám nói gì đến việc người khác vào mà can ngăn. Bởi một lý do đơn giản là họ sẽ "ủng hộ" người thân trong gia đình chứ chẳng đời nào lại đi bênh vực một con người không biết "nói", chẳng biết "nghe"? Điều tồi tệ hơn là không biết nói và nghe thứ ngôn ngữ của họ nên thường bị coi như người thừa trong nhà.
Những người bất hạnh phải chịu làm nô lệ ở nơi đất khách quê người khiến họ đau đớn cả về tinh thần và thể xác. Đau đớn hơn lại có những phụ nữ Việt Nam đã và đang phải làm "vợ" cho cả 1 gia đình có đến 3 thế hệ đàn ông, có người gọi là "làm vợ" nhưng thực chất chẳng khác gì làm "nô lệ tình dục" cho những người đàn ông Trung Quốc, bởi họ bị chính những người "chồng" mua đi bán lại đến hàng chục lần…
Theo Pháp luật xã hội