Đại hội thường niên VFF khóa 8 năm 2020 dự kiến được tổ chức vào ngày 8/8 tới đây theo đúng kế hoạch. Tại đại hội thường niên của VFF lần này, sẽ bầu Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ để thế vào chỗ trống mà ông Cấn Văn Nghĩa để lại sau khi xin rút khỏi vị trí này từ tháng 6 năm ngoái.
Ứng cử viên ghế PCT cần có những phẩm chất gì?
Chia sẻ với VTC về vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ, Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ nêu quan điểm: “Tất cả các vị trí của VFF đều quan trọng. Một tổ chức mạnh thì cá nhân phải là những con người tiêu biểu. Vì thế, Liên đoàn phải tập trung trí tuệ, xây dựng một đại hội minh bạch, bản lĩnh, không có sự can thiệp của bất kỳ ai mới tìm ra được nhân tài.
Còn những người tới đại hội, có trách nhiệm bỏ lá phiếu phải suy nghĩ trước sau thật kỹ. Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ là người đại diện cho Liên đoàn tìm kiếm những nhà tài trợ. Những nhà tài trợ cần niềm tin với đối tác và khách hàng. Thế nên, Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính phải đầy đủ phẩm chất đạo đức, có uy tín với xã hội và đã được thời gian kiểm chứng".
Ngoài ra, bầu Đệ còn cho rằng, người phụ trách tài chính VFF cũng phải là người có doanh nghiệp, không màng tưởng tới quyền lợi trong những gói tài trợ, thậm chí không cần lương. Khi tài chính VFF khó khăn, bản thân doanh nghiệp của họ sẵn sàng hỗ trợ một phần.
Một điểm nữa theo bầu Đệ cũng rất quan trọng là Phó Chủ tịch VFF phải có khả năng tập hợp trí tuệ, tạo sự đoàn kết cao trong nội bộ để không còn những nhóm này, nhóm nọ, không còn những điều tiếng từ dư luận.
Cuộc đua của những ông lớn
Theo danh sách VFF công bố, 3 ứng viên sẽ tham gia tranh cử gồm ông Phạm Thanh Hùng, Ủy viên ban chấp hành VFF, Trưởng ban Bóng đá nữ khoá 8; ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Cacao Việt Nam; ông Lê Văn Thành, Ủy viên ban chấp hành VFF, Trưởng ban Tài chính và vận động tài trợ VFF khoá 8.
Theo đánh giá của báo Công an nhân dân, trong số 3 ứng viên này, ông Trần Văn Liêng là người ngoại đạo bóng đá. Đây là một trong những ứng viên từng tham gia tranh cử tại Đại hội VFF khoá 8. Cũng vì thế mà ông Liêng bắt đầu được giới bóng đá biết đến. Những dấu ấn mà ông Liêng để lại là một bản đề án tranh cử từng gây tranh cãi.
Ông Liêng từng lên kế hoạch sẽ kiếm 249 tỉ đồng cho VFF vào năm 2022 từ ý tưởng do ông sáng lập là “Hệ sinh thái bóng đá Việt Nam” (Vietnam Football Ecosystem - VFEco). Theo tính toán, ông sẽ giúp VFF kiếm được 121 tỉ đồng qua VFEco vào cuối năm 2018, 145 tỉ đồng vào năm 2019, 174 tỉ đồng vào năm 2020 và 208 tỉ đồng vào năm 2021. Nếu VFEco hoạt động tối ưu và thành tích của các ĐTQG tốt thì năm 2022 con số thu về là 249 tỉ đồng.
Những con số là một điều mà VFF đang cần, chỉ có điều kế hoạch mà ông Trần Văn Liêng đưa ra có phần xa vời so với bóng đá Việt Nam. Việc khó áp dụng vào thực tiễn khiến cho đề án của ông Liêng thời điểm đó bị coi là khá mơ hồ.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thành sẽ trở lại cuộc chạy đua vào vị trí này với một vị thế mới. Tại Đại hội VFF khoá 8, ông Thành chỉ để thua ông Cấn Văn Nghĩa ở vòng 2 với số phiếu sát sao. Trong vai trò người đứng đầu Công ty CP Thể thao Động Lực, ông Thành đã tham gia tài trợ cho nhiều giải đấu trong nước, quốc tế và các địa phương. Điều này cũng là một điểm cộng rất lớn.
Bên cạnh đó, ông Thành đang là Ủy viên ban chấp hành VFF, Trưởng ban Tài chính và vận động tài trợ VFF khoá 8. Đó sẽ là một lợi thế trong cả công việc và quan hệ sẵn có của ông Thành với các thành viên VFF. Hệ thống này sẽ tiếp tục được vận hành trơn tru nếu ông Thành đắc cử.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, ông Lê Văn Thành đang đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhưng tình hình tài chính của tổ chức này lại không thực sự quá dư dả. Một câu hỏi được đặt ra, liệu ông Thành có đảm bảo nguồn lực kinh tế cho VFF hằng năm?
Ứng viên được đánh giá nặng ký nhất là ông Phạm Thanh Hùng. Hiện tại ông Hùng đang là Uỷ viên ban chấp hành VFF, Trưởng ban bóng đá nữ. Trong hành trình của bóng đá nữ đến ngôi vô địch SEA Games 30 có dấu ấn lớn của ông Hùng. Không chỉ đồng hành với những khó khăn của bóng đá nữ, ông Hùng còn trực tiếp bỏ tiền ra tài trợ cho toàn đội. Là một người có nhiều kinh nghiệm trong điều hành, quản lý bóng đá trong suốt thời gian gắn bó với CLB Than Quảng Ninh.
Đặc biệt, ông Hùng cũng cam kết sẽ không để VFF chịu thua lỗ kinh tế trong năm 2020. Ngoài việc bỏ tiền túi, ông Hùng sẽ huy động tối đa các nguồn lực xã hội. Đó là điều mà Phó Chủ tịch VFF cần có.
Có nên hoãn tổ chức đại hội?
Cũng trao đổi VTC, Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ bày tỏ lo ngại về việc tổ chức đại hội thường niên trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
“Các hội nghị tổ chức tập trung trên 30 người thì nên dừng, ủng hộ chính phủ chống dịch. Đại hội thường niên VFF ít nhất phải cả 100 người tham dự, không nhất thiết tổ chức lúc này. Mặt khác, giờ tổ chức, đại diện của các đội bóng từ nhiều địa phương lại phải tập trung về Hà Nội. Ví dụ đại diện của Đà Nẵng và Quảng Nam mà ra Hà Nội thì phải mất 14 ngày cách ly. Rất khó!”, bầu Đệ nhận định.
Trả lời vấn đề này với báo Tiền Phong, TTK VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Hiện chưa có văn bản mới nào thay đổi các quyết định cũ liên quan đến việc tổ chức đại hội thường niên. Đại hội vì vậy tới lúc này sẽ vẫn diễn ra đúng kế hoạch ngày 8/8 tới. Chúng tôi đang tìm hội trường đủ rộng để các thành viên có thể thực hiện giãn cách khi tham dự đại hội”.
Theo ông Lê Hoài Anh, đại hội sẽ tổ chức kín, báo chí sẽ chỉ tham dự phần đầu để lấy hình ảnh và cuộc họp báo sau khi đại hội kết thúc. “VFF sẽ tổ chức đại hội minh bạch, chương trình đại hội được tường thuật trực tiếp để FIFA, AFC theo dõi” - ông Lê Hoài Anh nói. Đối với trường hợp của Quảng Nam, Đà Nẵng có khả năng không thể dự đại hội vì dịch COVID-19, TTK Lê Hoài Anh cho biết sẽ báo cáo Thường trực VFF để có ý kiến chỉ đạo.
Bá Di (T/h)