Tháng 8/2017, lần đầu tiên một tàu chở dầu của Nga khởi hành từ Na Uy đến Hàn Quốc đã có hành trình đi qua Bắc Băng Dương mà không cần tàu hộ tống phá băng. Đó là khoảnh khắc bước ngoặt trong việc khai thông tuyến đường thương mại Bắc Cực, thúc đẩy cho cuộc chạy đua giành giật ảnh hưởng ở vùng đất lạnh giá – nơi được coi là “mái nhà” của thế giới.
Cây bút Peter Apps của Reuters đánh giá, bước tiến xa của Nga là một động thái đem lại thách thức đặc biệt đối với Mỹ. Bắc Cực chưa bao giờ có một ưu tiên chiến lược đối với Washington. Ngược lại, khu vực này từ lâu vốn được coi là lãnh địa của Moscow. Ngay lúc này đây, một đối thủ khác là Trung Quốc cũng đang phả hơi nóng vào Mỹ khi đẩy mạnh kế hoạch để tiếp bước trở thành một thế lực song hành với Nga.
Tuần trước, Trung Quốc đã chính thức đưa ra chiến lược Bắc Cực của mình, cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Moscow để tạo ra “con đường tơ lụa trên băng” – nối dài cho sáng kiến Vành đai Con đường thông thương sang châu Âu. Cả Moscow và Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố mục đích của họ nhắm tới là thương mại và môi trường thay vì quân sự hóa.
Đứng trước sự trỗi dậy này, Washington bắt đầu nhận thức được nguy cơ tụt hậu của mình. Lầu Năm Góc đã cho rà soát loại chiến lược Bắc Cực để đáp ứng tình hình hiện tại. Phát biểu trước Quốc hội hồi tháng 5/2017, chỉ huy lực lượng Bảo vệ Hàng hải Mỹ, Đô đốc Paul Zukunft, tiết lộ Washington đang cân nhắc đưa tên lửa hành trình chống tàu lên các tàu phá băng thế hệ mới nhất - một sự lột xác để hoàn toàn thoát ra khỏi vai trò nghiên cứu và cứu hộ truyền thống.
Tuyên bố này đã vấp phải những quan ngại từ phía Nga khi một trong những quan chức hàng đầu của Moscow nói ở Na Uy vào tháng Giêng rằng, vùng Bắc Cực không nên trở thành “thách thức quân sự” cho bất kỳ quốc gia nào.
Trên thực tế, ảnh hưởng của Nga ở vùng cực Bắc đang vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác, ảnh hưởng này được xem là lớn hơn cả các quốc gia lân cận như Na Uy và Canada. Nơi đây vẫn là vùng đất hoang sơ với những cánh rừng rộng lớn nhưng nguồn tài nguyên dầu khí và khoáng sản lại lớn vô cùng tận. Cả Na Uy và Canada đã đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng tập trung nhiều vào địa phận Bắc Cực và vận động Mỹ cùng tham gia.
Kể từ thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ, Nga đã bắt đầu tập trung nguồn lực để chiếm ưu thế ở vùng đất băng giá được cho là rất nhiều tiềm năng. Trong đó có việc mở lại sáu tiền đồn quân sự và thiết lập ba tiền đồn mới, cũng như biên chế tàu phá băng hạt nhân vào hạm đội thiện chiến. Nga cũng là nước duy nhất có tàu phá băng đủ độ tin cậy để hộ tống trên vùng biển đóng băng ở Bắc Cực.
Hạm đội Phương Bắc của Nga, có trụ sở tại Murmansk, cũng sẽ nhận thêm một số tàu mới, trong đó có hai tàu hộ tống phá băng được thiết kế đặc biệt để mang tên lửa chống hạm mới nhất của Moscow. Nga cho biết, Hạm đội Biển Bắc đã bắn 200 tên lửa trong suốt 300 cuộc tập trận trong năm 2017, một kỷ lục chưa từng có thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Moscow coi vùng biển phía Bắc là ưu tiên quan trọng cần phải bảo vệ. Đặc biệt, nơi đây được coi như một “pháo đài” cất giữ tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân nhằm ứng phó trước cuộc tấn công của nước ngoài. Trong khi tàu ngầm của Mỹ và NATO có khả năng thâm nhập vào vùng biển này mà không bị phát hiện, “pháo đài” của Nga có nhiệm vụ không để cho bất kỳ mối đe dọa nào tồn tại gần lãnh thổ Nga nếu một cuộc chiến xảy ra.
Tàu phá băng hiện đại nhất mà Mỹ chuyên tâm phát triển sẽ khó đi vào phục vụ trước năm 2023 khi kinh phí vẫn chưa được đảm bảo. Trong khi tàu phá băng Polar Star hiện tại đang làm nhiệm vụ ở Nam Cực sẽ chỉ phục vụ được khoảng 5 năm nữa.
Về phía Trung Quốc, tàu phá băng Tuyết Long 2 sẽ sớm được ra mắt vào năm 2019 để phối hợp với tàu Tuyết Long đang hoạt động. Mặc dù cả hai tàu đều sẽ không được trang bị vũ trang, nhưng giới quan sát nhận định rằng một khi chính sách Bắc Cực của Bắc Kinh thay đổi, trang bị vũ khí sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai.
Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính, Bắc Cực nắm giữ hơn 1/5 trữ lượng dầu mỏ và khí đốt chưa được khai thác của thế giới. Nga đã tích cực khoanh vùng ảnh hưởng trong hơn một thập kỷ qua bằng các hoạt động tàu ngầm trong phạm vi 500.000km vuông dưới đáy biển.
Mỹ có thể không phải lo ngại về một cuộc chiến xảy ra ở Bắc Cực khi các bên đều hiểu rằng châm ngòi cho một cuộc xung đột nơi đây sẽ bùng phát ra toàn cầu. Nhưng ngay từ lúc này, Mỹ đang dần tụt lại phía sau trong cuộc đua khám phá vùng đất băng giá, nơi có ưu thế tuyệt đối về tài nguyên.