Cuộc thăm dò trực tuyến với 1.745 cử tri cho thấy 47% nói sẽ bỏ phiếu cho ông Obama và 45% sẽ bầu cho ông Romney trong ngày 6/11 tới đây. Kết quả này đánh dấu một sự bứt phá ngoạn mục của ông Romney sau chiến thắng tại Denver hôm 4/10.
Trước đó, ông Obama đã dẫn trước với một khoảng cách khá an toàn: 48% so với 42% ủng hộ ông Romney. Riêng các công kích nhằm vào chính sách kinh tế của chính quyền ông Obama đã khiến ông Romney giành được tới 55% phiếu. Đáp lại bằng sự im lặng khiến ông Obama nhận được chưa đầy 25% phiếu ủng hộ cho nội dung tranh luận này.
Cũng trong cuộc thăm dò, 84% cử tri cho biết đã quyết định chắc chắn sẽ bầu cho ứng cử viên nào, trong khi chỉ có 16% nói rằng họ có thể thay đổi quyết định vào phút chót.
Romney và Obama - ai sẽ là Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ?
Đánh mất ưu thế tuyệt đối trước đối phương, ông Obama không những tự làm khó cho mình mà còn tạo bất lợi cho phó tướng Biden. Thứ năm tuần này, hai ứng viên phó Tổng thống sẽ có một cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. Ông Biden đang chịu áp lực to lớn trước ứng viên phó Tổng thống của đảng Cộng hòa - ông Paul Ryan, thượng nghị sỹ bang Wisconsin. Vốn được coi là có khả năng hùng biện còn tốt hơn cả ông Obama nhưng đương kim phó Tổng thống Biden cũng nổi tiếng hay bị vạ miệng.
Tuy nhiên, phe Cộng hòa cũng không thể chắc chắn về một chiến thắng nữa trong ngày thứ năm này. Thăm dò hôm Chủ nhật của Reuters tiến hành với hai ứng viên phó Tổng thống cho thấy, trong số 2.367 cử tri được hỏi, có 39% ủng hộ ông Biden, còn 33% nói sẽ bỏ phiếu cho ông Paul Ryan.
Kinh nghiệm của ông Paul Ryan bị giới quan sát đánh giá là kém hơn, khi ông mới chỉ từng làm chủ tịch ủy ban ngân sách quốc hội Hoa Kỳ. Trong khi đó, ông Biden vẫn còn khiến người ta nhớ lại chiến thắng oanh liệt nhờ tài hùng biện của ông trước ứng viên phó Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa - bà Sarah Palintrong cuộc bầu cử năm 2008. Ông cũng từng đảm nhiệm các chức chủ tịch ủy ban Quan hệ Đối ngoại và ủy ban Tư pháp của Thượng viện, chưa kể kinh nghiệm làm phó Tổng thống 4 năm nay.
Đang đà bứt phá, đảng Cộng hòa vừa tung ra những lời chỉ trích mới nhằm vào chính sách ngoại giao của chính quyền đảng Dân chủ, với hy vọng tạo nên một cuộc lật đổ. Tuy nhiên, trước giờ G, đảng Dân chủ cũng có thêm lý do để tin tưởng vào chiến thắng của hai gà son đảng mình.
Báo cáo việc làm mới nhất cho thấy, trong tháng 9 vừa qua, nước Mỹ đã tạo được thêm 114.000 việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 7,8% - mức thấp nhất trong vòng 44 tháng qua và quan trọng hơn là, xuống dưới ngưỡng nguy hiểm 8%. Đợt đấu giá 32 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 3 năm ngày 11/9 đã nhận được lực cầu kỷ lục cũng chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư vào các chính sách kinh tế của ông Obama.
Dù bị đối thủ bất ngờ bám sát nhưng các kênh đánh giá khác nhau đều cho thấy, Tổng thống Obama vẫn có nhiều khả năng thắng cử hơn. Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc gia Moodys vừa dự đoán ông Obama sẽ giành được 303 phiếu bầu, vượt xa số phiếu ấn định chiến thắng là 270.
Những quân bài chiến lược: “Thành trì” và “hậu phương” "Thành trì của đảng Dân chủ là các bang thuộc miền Đông Bắc và duyên hải phía Tây nước Mỹ như: Washington, Oregon, California, NewYork, Massachsetts với tổng cộng 191 phiếu đại cử tri được phân bổ. Còn hậu phương của đảng Cộng hòa là các bang ở miền Nam và trung Tây như Montana, Idaho, Utah, Arizona, Kansas, Texas với tổng cộng 191 phiếu đại cử tri. |
Thanh Tùng (tổng hợp từ Reuters và BBC)