Số phận nghiệt ngã
Là chàng trai ngoan hiền, hừng hực sức sống ở độ tuổi 17 với bao ước mơ hoài bão. Ấy vậy mà, số phận trớ trêu “quật ngã” Đào Quốc Việt (SN 1991, tổ 4, phường Hội Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) khi gặp tai nạn phải cắt bỏ đôi tay, nằm liệt giường cả năm trời.
Sau biến cố tai nạn, may mắn giữ được sinh mạng, nhưng Việt mặc cảm sống quanh quẩn trong căn phòng nhỏ.
Thế nhưng, đó là câu chuyện của quá khứ, nay Việt cởi mở, hoạt bát, hoà mình vào nhịp sống hối hả.
Chia sẻ với chúng tôi Việt kể, cha mẹ của anh làm nghề dịch vụ vận tải hành khách nên thường xuyên xa nhà. Khi vừa học xong lớp 8, anh quyết định đi học nghề làm bảng quảng cáo với hy vọng đỡ đần phần nào cho cha mẹ. Năm 2008, trong một lần đi lắp bảng quảng cáo ở huyện Chư Sê, Việt bị phóng điện từ một trạm biến áp gần đó dẫn đến bỏng nặng.
Nói đến đây, bà Nguyễn Thị Ánh - mẹ Việt tiếp lời, hồi đó, khi bà theo chồng phụ xe chạy tuyến Gia Lai-Quy Nhơn thì nghe người quen báo Việt bị điện giật vừa được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hai vợ chồng quay xe vội vã chạy vào Bệnh viện Quân y 211. Thấy con trai đau đớn, mặt tím tái, khắp người bông băng quấn trắng, 2 tay co quắp lại… bà ngất lịm đi.
Bà Ánh nghẹn ngào nhớ lại: “Vợ chồng tôi thường xuyên phải đi xa nên không chăm lo đủ đầy được cho con, dẫn đến Việt phải nghỉ học sớm để đi học nghề. Thấy cháu chăm chỉ học nghề, chúng tôi rất mừng. Ngờ đâu, cháu lại bị tai nạn thảm khốc như thế. Sau khi bị tai nạn, Việt đã phải nằm liệt trên giường bệnh ròng rã gần 1 năm trời. Vết bỏng quá nặng do điện giật khiến Việt phải trải qua hàng chục ca phẫu thuật và buộc phải tháo các khớp tay. Để có tiền chữa trị cho con, gia đình đã phải bán đi căn nhà”.
“Vào bệnh viện, tôi càng thấy sự sống đáng quý như thế nào. Ở khoa Việt nằm điều trị, bệnh nhân nặng nhập viện liên tục, nhiều người không thể qua khỏi, không khí lúc nào cũng nặng nề. Nhiều khi, trông người lại ngẫm đến ta, vợ chồng tôi cảm thấy may mắn vì Việt còn sống, chúng tôi còn được chăm sóc con mỗi ngày.
Việt rất mạnh mẽ, không hề kêu la trong các ca phẫu thuật. Các bác sĩ cũng bày tỏ sự khâm phục trước sức chịu đựng của Việt, rồi động viên vợ chồng tôi kiên trì đồng hành cùng con. Rời bệnh viện với những vết sẹo chằng chịt khắp người cùng đôi bàn tay bị mất, Việt rơi vào trạng thái trầm cảm. Việt tự thu mình lại và xa lánh bạn bè, người thân. Mỗi lần có khách đến thăm hỏi, Việt đều trốn ở trong phòng”, bà Ánh tâm sự.
Cuộc gặp gỡ… mở tương lai
Sau một thời gian nhốt mình, thấy cha mẹ làm lụng vất vả cực khổ Việt tự nhủ với lòng phải thay đổi để cha mẹ vui lòng. Sau đó, Việt quyết định đi học tại một trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật ở thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, anh tiếp tục theo học chương trình phổ thông. 5 năm sau, anh đã có bằng tốt nghiệp THPT và biết sử dụng thành thạo máy vi tính bằng những đầu khuỷu tay.
Từ những kỹ năng học được, anh về tỉnh Gia Lai làm marketing online cho một công ty. Nhưng sau đó, công ty này giải thể. Năm 2020, anh Việt được giới thiệu tham gia cuộc thi chạy bộ dành cho người khuyết tật. Và đây cũng là thời điểm anh bắt đầu làm quen với môn thể thao này.
Với một người đã từng bị bỏng nặng, di chứng đến phổi, vết thương ở chân và không có 2 cánh tay thì việc chạy bộ gặp nhiều thử thách. Khởi đầu khó khăn nhưng anh quyết không bỏ cuộc. Mỗi sớm tinh mơ, anh đều miệt mài luyện tập. Mỗi ngày, anh chạy 5-7 km, có khi nâng lên 8-10 km.
Trong một lần chạy bộ ở khu vực bờ kè suối Hội Phú, anh Việt gặp Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch danh dự Câu lạc bộ Gia Lai Marathon. Cảm phục trước nghị lực của chàng trai khuyết tật, ông Quế đã tặng anh 1 bib chạy tại Giải Gia Lai City Trail 2023-Giấc mơ đại ngàn và động viên anh tham gia.
Anh Việt hồ hởi chia sẻ: “Cảm giác đó thật tuyệt vời khi tôi được chạy cùng hàng ngàn người khắp cả nước. Tôi cảm thấy tự tin hơn vào bản thân vì cũng có thể hoàn thành đường chạy như bao người lành lặn khác. Nhờ tham gia giải mà tôi quen biết được nhiều người có cùng đam mê chạy bộ với mình. Mỗi sáng, tôi có bạn chạy chứ không phải một mình như trước nữa. Chạy xong tôi cũng ra quán ngồi cà phê thay vì chỉ ở nhà với chiếc máy tính. Tôi quyết tâm cải thiện thành tích của mình để tiếp tục tham gia các giải chạy trong thời gian tới”.
Thấy con trai mở lòng với mọi người, bà Ánh không giấu được niềm hạnh phúc. “Trước kia, tôi cứ lo con mình bị trầm cảm nhưng từ khi tham gia chạy bộ, gặp gỡ nhiều người, Việt trở nên tự tin, hòa đồng với mọi người. Vợ chồng chúng tôi già rồi, chỉ mong cháu tìm được một công việc phù hợp để có thể chăm lo cho cuộc sống của mình”, bà Ánh tâm sự.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - ông Nguyễn Hữu Quế cho hay: "Đào Quốc Việt có nghị lực rất tuyệt vời khi vượt qua nỗi đau, vượt qua mặc cảm khiếm khuyết bản thân để tham gia chạy bộ như bao người khác. Đó là hình ảnh truyền cảm hứng cho rất nhiều người đến với thể thao để tăng cường sức khỏe.
Vừa rồi, Câu lạc bộ Gia Lai Marathon đã có buổi gặp gỡ, tặng quà động viên em tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình. Sắp tới, chúng tôi phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tìm cho Việt một công việc phù hợp với khả năng, để giúp em có thể tự mình kiếm sống".