Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov vẫn tỏ ra không chắc chắn về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, ông chỉ nói rằng họ sẽ cùng tham gia G20 vào ngày 7 và 8/7 và gặp nhau ở đó.
“Tuy nhiên, nếu chúng ta đang nói về một cuộc gặp riêng rẽ khác, thì tới nay vẫn chưa có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho một cuộc gặp như thế”, ông Peskov nói.
Nhưng theo lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Herbert McMaster, ông Trump dự định sẽ gặp “nhiều nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ nhà của G20, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin”.
Khi được hỏi về chương trình nghị sự cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Gary Cohn nói: “Không có chương trình cụ thể nào. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào những gì mà hai vị Tổng thống trao đổi”.
Vị này cũng nói thêm rằng, Hội nghị G20 còn ít ngày nữa mới diễn ra nên hai phía vẫn đang chốt kế hoạch cuối cùng.
Khi được hỏi về định dạng cho cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin, các quan chức Nhà Trắng khẳng định: “Hội nghị G20 là nơi tất cả các nhà lãnh đạo thế giới gặp gỡ. Chúng ta sẽ có các cuộc gặp bên lề, hoặc song phương. Nhưng do được tổ chức trong khuôn khổ G20 nên thời lượng các cuộc gặp sẽ không kéo dài”.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Herbert McMaster, Tổng thống Trump đã yêu cầu các quan chức Nhà Trắng chuẩn bị 3 nội dung để gặp gỡ ông chủ Điện Kremlin.
Thứ nhất là: “Đối phó với những hành vi gây bất ổn của Nga, xác định xem đó là những mối đe dọa không gian mạng hay là những mưu đồ mang động cơ chính trị đối với châu Âu và các quốc gia Balkan”.
“Thứ hai là cách kiềm chế Moscow, bởi không có ai muốn điều tồi tệ xảy ra khi hai cường quốc lớn đối đầu trong một cuộc chiến tranh. Và xác định xem cần phải làm gì để hạn chế xung đột xảy ra”, ông McMaster nói.
Cuối cùng là tạo điều kiện cho các hợp tác giữa hai bên diễn ra thuận lợi. “Phải xác định rõ những lĩnh vực nào chúng ta có thể hợp tác với Nga mà cả hai bên đều có lợi”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nói.
Theo ông McMaster, còn có rất nhiều vấn đề khác nhau mà hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ có thể sẽ bàn thảo trong cuộc gặp, bao gồm chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên, vấn đề Ukraine, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và đặc biệt là xung đột quân sự ở Syria.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm bởi họ là những người đứng đầu hai cường quốc đã trải qua nhiều thăng trầm và “duyên nợ” trong quá khứ.
Đặc biệt, cuộc gặp càng đáng chú ý hơn khi nó diễn ra vào thời điểm mà quan hệ giữa Washington và Moscow được đánh giá là tệ nhất trong lịch sử vài chục năm qua và sắp chạm ranh giới của một cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản mới.
Thêm vào đó, từ khi tham gia tranh cử Tổng thống tới nay, ông Donald Trump luôn dành những lời khen ngợi và bày tỏ sự ngưỡng mộ với người đàn ông quyền lực của nước Nga, nên cuộc gặp càng kích thích trí tò mò của giới quan sát đối với lần gặp mặt đầu tiên giữa họ.
Chưa hết, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn liên tục phải đối mặt với những cáo buộc nhận được sự trợ giúp từ Moscow để đắc cử hồi cuối năm ngoái. Cho tới nay, các cuộc điều tra về cáo buộc nêu trên vẫn chưa hoàn thành, mọi việc vẫn chưa ngã ngũ nhưng chính điều đó khiến người ta càng mong chờ hơn vào cuộc gặp gỡ giữa hai người đàn ông quyền lực nhất Trái đất này.
Ông McMaster cho hay, hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Trump có đề cập tới nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ hay không, nhưng ông khẳng định rằng mối quan hệ giữa Nhà Trắng với Điện Kremlin là hoàn toàn bình thường.
“Mối quan hệ giữa chúng tôi với Nga không khác biệt so với bất cứ nước nào. Xét về những sự tương tác của chúng tôi, đó hoàn toàn là những điều chúng tôi quan tâm. Chúng tôi không chỉ nhìn thấy vấn đề ở mối quan hệ này mà còn thấy trong đó cả những cơ hội nữa”, ông McMaster nhấn mạnh.
Xem thêm >> Thủ lĩnh được xác nhận đã chết, ngày tàn của IS cận kề
Danh Tuyên