SCMP đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp mặt đầu tiên vào tuần tới trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có nhiều hiềm khích thời gian qua.
Theo các chuyên gia, ông Tập sẽ phải sẽ phải cẩn trọng ứng phó trước những cử chỉ ngoại giao khó lường từ Tổng thống Trump nếu không muốn hình ảnh bản thân "lép vế" trên đất Mỹ.
Hồi năm 2015, ông Tập từng khéo léo vượt qua những khác biệt về văn hóa bằng cách uống bia với cựu thủ tướng Anh David Cameron, tuy nhiên chiến thuật này sẽ không phù hợp với Tổng thống Trump – một người không sử dụng đồ uống có cồn kể từ khi người anh trai của ông qua đời vì chứng nghiện rượu.
Leow Chee Seng, giáo sư về giao tiếp phi ngôn ngữ và hành vi tại học viện Hành vi Con người Malaysia so sánh, một cuộc gặp mặt thượng đỉnh với những khác biệt về văn hóa là một "bãi mìn ngoại giao" đối với các nhà lãnh đạo quốc gia.
Giáo sư Leow cho rằng, thay vì cố gắng vượt qua rào cản về văn hóa, ông Tập Cận Bình nên thể hiện bản sắc của đất nước mình thông qua việc dùng trà làm quà tặng.
Cùng với đó, chuyên gia này nhắc nhở nhà lãnh đạo Bắc Kinh nên tránh rơi vào các tình huống khó xử bằng cách hạn chế các hoạt động giao tiếp chung.
Trong lúc giới quan sát theo dõi chặt chẽ nhất cử nhất động của cả hai, chỉ một cử chỉ lúng túng có thể khiến vị thế của ông Tập trên đất Mỹ suy giảm trước chủ nhà.
Theo SCMP, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Trump được quan tâm không phải là về nội dung các chương trình nghị sự kinh tế, thương mại hay chính trị giữa hai nước.
Thay vào đó, giới truyền thông đang chờ đợi cách mà hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới thể hiện quyền lực trước mặt đối tác cũng như là đối thủ của mình như thế nào.
“Giới quan sát sẽ chú ý nhiều đến cách mà hai nhà lãnh đạo ứng xử với nhau trong cuộc họp chứ không phải bất kỳ thỏa thuận chính trị nào”, Qiao Mu, học giả từ Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh đánh giá.
Ở quê nhà, ông Tập Cận Bình nổi tiếng là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, gây ấn tượng sau chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” toàn diện. Sự quyết đoán trong cách làm việc đã giúp ông nâng cao hình ảnh và vị thế trong đời sống chính trị Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Trump lại không xây dựng được cho mình một hình tượng tốt đối với truyền thông, bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc với các nhà lãnh đạo thế giới.
Tuy nhiên nhà lãnh đạo Mỹ vẫn thể hiện được bản lĩnh cứng rắn và sẵn sàng thể hiện trước mọi đối thủ rằng bản thân mình mới là ông chủ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhận được sự tiếp đón trọng thị và cái bắt tay đầy nhiệt tình từ ông Trump, trong khi giới truyền thông vẫn một mực khẳng định ông chủ Nhà Trắng đã cố tình lờ đi lời đề nghị của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Giáo sư Leow cảnh báo ông Tập sẽ phải “rất chú ý” trước mọi cử chỉ của ông Trump để tránh những khoảnh khắc khó xử - điều có thể khiến nhà lãnh đạo Bắc Kinh lép vế trước chủ nhà nếu không đưa ra được một phản ứng hợp lý trước cái bắt tay khó lường từ người đồng cấp Mỹ.
“Cúi chào có thể là phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề này”, Leow đề xuất.
Ông Tập nên cười với khán giả có mặt ở đó thay vì cười với Tổng thống Trump sau khi cuộc thảo luận giữa cả hai kết thúc. Ngoài ra, giáo sư Leow lưu ý rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc nên giữ một khoảng cách nhất định đối với chủ nhà để thể hiện sự độc lập của mình.
"Khi cuộc họp kết thúc, ông ấy nên chủ động di chuyển về phía Trump thay vì để chủ nhà làm điều này. Việc di chuyển trước giúp Tập Cận Bình thể hiện rằng ông mới là người kiểm soát tình hình", Leow nói thêm.
Ai là nhà lãnh đạo Trung Quốc bản lĩnh nhất khi đi công du nước ngoài?
Theo SCMP, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường xây dựng một hình ảnh nghiêm túc khi ở quê nhà, nhưng đôi khi họ lại thể hiện sự lúng túng khi công du ở nước ngoài.
Theo giáo sư Qiao, trong số các nhân vật chính trị ở Bắc Kinh, Giang Trạch Dân là nhà lãnh đạo Trung Quốc có kiến thức sắc sảo và chuẩn bị chu toàn nhất trong mỗi chuyến công du ngoại giao.
Trong chuyến thăm Mỹ trong quá khứ, ông Giang từng khiến chủ nhà bất ngờ khi thể hiện bản thân là người am hiểu về nền chính trị và văn hoá của quốc gia này.
Nhà cựu lãnh đạo Bắc Kinh từng đọc lại một phần bản Diễn văn Gettysburg nổi tiếng của Abraham Lincoln khi gặp mặt cựu Tổng thống Bill Clinton. Trong khi đến Nhà Trắng, ông còn trích dẫn thơ của Longfellow và thơ ca Trung Quốc trước người đồng cấp.
Tuy nhiên, ngay cả những sắp xếp và kế hoạch ngoại giao tốt nhất mà Trung Quốc áp dụng để lấy lòng nước chủ nhà đôi khi cũng không được theo ý muốn.
Cách đây một năm, trong một đoạn phim vô tình nghi lại cuộc hội thoại giữa Nữ hoàng Anh Elizabeth với một chỉ huy cảnh sát London - người từng phụ trách an ninh cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Anh hồi năm 2015 - Nữ hoàng đã chê đoàn quan chức Trung Quốc là "rất thô lỗ".
Theo The Guardian, dường như các yêu cầu khó tính mà phái đoàn Trung Quốc đòi phía Anh phải đáp ứng trong công tác đón tiếp là lý do khiến người đứng đầu hoàng gia Anh không hài lòng.
Đọc thêm>>> Vì sao TT Trump đi ngược dòng cả thế giới về chống biến đổi khí hậu?
Quốc Vinh