Chuyện lão nông U60 tìm con
Đó là câu chuyện về lão nông Hồ Xuân Nhâm tại xã Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) vì muốn giải cứu cô con gái bị lừa bán sang Trung Quốc đã tương kế tựu kế gả tiếp một cô con gái sang nước bạn để đem về cả "trâu lẫn nghé" gồm hai đứa cháu ngoại và cả gã con rể không hề mong đợi Lý Bình Thọ. Trong từng lời thoại, tôi nhận thấy một sự uất nghẹn xen lẫn sự tự hào vì cứ theo lời của ông Nhâm, ông chính là người đầu tiên tại Vĩnh Phúc và có lẽ duy nhất ở Việt Nam có kiểu giải cứu con gái bị lừa bán một cách lạ đời như vậy.
Lần đầu tiên vào xã Ngọc Thanh hỏi chuyện về gia đình ông Nhâm, người dân thôn Bắc Ái cứ tủm tỉm cười và chỉ: "Đấy cái ông lão người nhỏ thó, đội mũ của người Mông đang tu sửa ngôi chùa của thôn kia kìa. Vừa rồi, ông ấy đã làm xong giấy khai sinh cho hai đứa cháu ngoại từ Trung Quốc về. Nghe nói ông ấy còn đang xây nhà để cho anh con rể mãi Trung Quốc sang ở. Chuyện gả vợ dựng chồng cho con ông ấy từ lâu đã là một đề tài mà không ít người ở tận xa cũng hỏi thăm và tìm hiểu".
Đang lúi húi quét vôi ngôi chùa của thôn, thấy có khách hỏi thăm, ông Nhâm bỏ dở đống vôi ve, lật đật chạy về. Mặc dù đã được những người dân tả rõ hình dáng nhưng tôi cũng khá bất ngờ khi ông Nhâm chìa tay ra bắt với dáng vẻ hồ hởi. Thấy tôi cứ tủm tỉm cười, ông Nhâm luýnh quýnh tay vừa pha trà, mắt vừa nhìn dò hỏi không hiểu vị khách này đang cười gì mình?
Khi biết được ý định của tôi, ông cụ cười khà khà rồi bảo: "Chú cứ ngồi nước nôi cho đàng hoàng đã, chút nữa tôi gọi thằng rể nó vào hầu chuyện". Nói rồi lão rít một điếu thuốc lào rồi nhả ra khoan khoái. "Trong cái rủi có cái may chú ạ, sau vụ giải cứu con gái thành công, tôi được cả "trâu lẫn nghé" mới hay chứ. Được cái con rể tôi tính nó cũng thuần lại rất yêu thương vợ con. Mà nghĩ hoàn cảnh nó mồ côi cha mẹ tôi cũng thấy thương lắm, giờ không cho nó gặp vợ con của nó thì tội lắm". Những lời tâm sự chân chất, giản dị của lão Nhâm khiến tôi thấy lòng nhẹ nhõm.
Lý Bình Thọ và ông Hồ Xuân Nhâm tại Vĩnh Phúc.
Nhấp chén nước chè đặc quánh, ông Nhâm kể, do hoàn cảnh khó khăn, con gái ông, chị Hồ Thị Hằng (SN 1974) mới học hết lớp 4 đã phải nghỉ học để ở nhà giúp đỡ bố mẹ. Lớn lên, đủ tuổi lao động, Hằng xin vào làm cho nhà máy chè Kim Anh. Tuy nhiên, năm 2006 do cần tiền trang trải cho gia đình lại nhẹ dạ nghe theo những lời đường mật của người chị họ, Hằng đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Suốt một thời gian dài lang thang bên xứ người, Hằng phải chịu những đắng cay dằn vặt. Ở xứ người, Hằng không biết làm cách nào để liên lạc với gia đình. Khi ấy, ông Nhâm cũng đinh ninh là con gái sang Trung Quốc trồng chuối, tết sẽ về. Ông đâu biết rằng con gái mình đã bị chị họ lừa bán lấy một khoản tiền lớn.
Tết đến, không thấy con gái về, ông Nhâm cuống cuồng tìm cách liên hệ với cô cháu họ nhưng không được. Linh tính có chuyện chẳng lành đã xảy ra với con gái, qua nhiều mối quan hệ, ông ngã ngửa rằng con gái mình bị lừa bán cho người Trung Quốc làm vợ. Hơn 4 năm trời, ông Nhâm chạy vạy, bán cả trâu bò, ruộng vườn lấy tiền sang Trung Quốc tìm con. Vấn đề ở chỗ, ông chỉ biết con gái mình bị lừa bán chứ hoàn toàn không biết bị bán ở đâu?
Kể về quãng thời gian gần 4 năm tìm con bên xứ người, ông Nhâm òa lên khóc. Ông nói nếu không có một cú điện thoại bất ngờ thì có lẽ tôi sẽ mất con mãi mãi. Rất may cho ông trong một lần Hồ Thị Hằng đi làm tại Hà Khẩu đã quen được một người Việt Nam và nhờ người này gọi điện về nhà thông báo địa điểm mà Hằng đang trú ngụ. Lần theo cuộc điện thoại này, ông Nhâm đã tìm được tới nơi con gái đang ở và từ đây hành trình giải cứu con gái của ông mới chính thức bắt đầu.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ
Việc đầu tiên ông Nhâm làm là cho tiền gã con rể, gả tiếp một cô con gái khác sang Trung Quốc cho em họ của con rể để lấy lòng tin, đồng thời về Việt Nam báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của công an tỉnh Vĩnh Phúc về toàn bộ sự việc. Theo ông Nhâm, thời điểm ông báo cáo với các cơ quan chức năng ai cũng bất ngờ và khuyên ông nên cẩn thận nếu không sẽ mất cả chì lẫn chài. Tuy nhiên, ông quyết tâm và suy nghĩ mọi đường đi nước bước để kéo hai đứa cháu ngoại về Việt Nam ăn tết, sau đó kéo Hằng về sau. Chồng của Hằng, tất nhiên vì nhớ vợ thương con cũng phải theo về Việt Nam. Vụ án buôn người được làm sáng tỏ và con gái ông Nhâm được đoàn tụ với gia đình. Ông Trời dường như cũng thương ông nên sau này mọi tính toán của ông đều khá hoàn hảo. Công an đã bắt được kẻ buôn người, con gái và hai đứa cháu ngoại cũng được ông giải cứu an toàn. Hy hữu hơn là gã con rể cũng theo luôn ông về Việt Nam.
Lại nói về Hồ Thị Hằng, sau khi bị lừa bán, Hằng bị đưa tới nhiều điểm để đàn ông Trung Quốc xem mặt, Hằng được Lý Bình Thọ (hiện là chồng của Hằng) đồng ý mua với giá 3.000 NDT và phải theo Thọ về Mã Quan, Vân Nam (Trung Quốc) để sinh sống. "Ban đầu tôi cũng rất lo lắng và sợ hãi vì bị ép lấy chồng, bất đồng ngôn ngữ lại không biết nơi Thọ ở là đâu nên tôi cũng phải cắn răng chịu đựng. Nhưng cũng thật may bởi Thọ là một người đàn ông tốt, rất chiều tôi. Thời gian đầu, tôi căm ghét Thọ lắm nhưng sống một thời gian thấy Thọ tốt, chăm chỉ làm ăn nên tôi cũng thấy nguôi nguôi và dần có tình cảm với Thọ", chị Hằng vui vẻ kể lại chuyện cũ.
Khi tôi đang lắng nghe câu chuyện tình lạ lẫm của chị thì bất chợt ông Nhâm lên tiếng: "Hôm nay, tôi sẽ cho nhà báo một sự bất ngờ. Thằng Lý Bình Thọ cũng có mặt tại đây đấy, nó đang ở ngoài vườn trồng cây, dăm phút nữa nó sẽ vào".
Quả thực tôi cũng khá bất ngờ trong tình huống này, một lát sau Thọ vào, chào tôi bằng tiếng Việt Nam. Nhìn thoáng qua, chồng của chị Hằng là một gã lực điền chân chất, gã xin phép bố vợ được ngồi nói chuyện với tôi nhưng gọi vợ ngồi bên cạnh để tiện phiên dịch. Qua lời kể của Thọ thì gã mồ côi cha mẹ từ lúc gã lên 10 tuổi, gia đình cũng khó khăn cùng cực, ở Trung Quốc, những ai nghèo như Thọ thì khó mà lấy được vợ. Để lấy được Hằng, Thọ phải đi vay mượn anh em suốt mấy tháng trời.
"Anh về Việt Nam được một thời gian, có muốn trở lại Trung Quốc nữa hay không?".
Lý Bình Thọ: "Ở bên này vui lắm, được gần vợ gần con lại được bố vợ cho tiền để làm ăn, Thọ không muốn về nhưng vẫn phải về vì thời gian lưu trú đã hết rồi".
"Mấy tháng trời ở tại nhà bố vợ, Thọ làm gì để sinh sống?".
Lý Bình Thọ: "Ban đầu, tôi cũng có biết làm gì đâu, hồi ở bên Trung Quốc chỉ biết đi làm thuê, cả ngày vợ chồng kiếm được khoảng 200 ngàn đồng. Giờ sang đây được bố Nhâm dạy cho trồng cây ăn quả, dạy cho làm nghề thợ xây vui lắm. Thọ chỉ muốn ở lại bên này thôi!".
"Phải về Trung Quốc, chắc Thọ sẽ nhớ vợ con lắm nhỉ?".
Nhìn ông Nhâm và chị Hằng, Lý Bình Thọ cười nói: "Phải về nhớ con và nhớ vợ lắm, chúng lại đến tuổi đi học rồi nhưng cũng phần nào yên tâm vì có bố vợ chăm sóc các cháu rất tốt. Chuyến sang lần sau, bố vợ đã hứa cho tôi được học nghề trồng cây thanh long tôi vui lắm!".
Cuộc nói chuyện giữa tôi và Thọ bị ngắt quãng bởi tiếng trẻ nhỏ lao xao ở ngoài sân, Thọ chỉ tay và nói: "Các cháu đi học về rồi đấy bố nhỉ?", lão Nhâm gật đầu!. Hai đứa cháu ngoại Hồ Văn Minh (SN 2007) và Hồ Văn Công (SN 2008) tíu tít chạy vào nhà và sà vào lòng ông ngoại đòi kẹon
Phạm Dương