Freeman bị đưa khỏi Sài Gòn trong Chiến dịch Không vận Trẻ mồi côi hồi năm 1975 cùng hơn 3.000 em bé khác và được gửi làm con nuôi một gia đình ở Mỹ. Dù khi đó mới 7 tuổi nhưng ký ức về người mẹ và quê hương Việt Nam vẫn luôn ám ảnh anh.
Freeman đã đăng tải những thông tin cá nhân và tất cả những chi tiết anh nhớ được về mẹ và gia đình lên internet. Qua những hồi âm trao đổi lại, từng mảnh ghép trong quá khứ được anh xâu chuỗi lại.
Anh Freeman
Freeman bắt chuyến bay đầu tiên trở về Việt Nam tìm đến địa chỉ ngôi nhà đúng như những thông tin anh nhận được.
Anh kể lại: Người phụ nữ có mái tóc bạc trắng và đôi mắt buồn trũng sâu mà tôi nhìn thấy đầu tiên, đó chính là mẹ tôi. Dù mẹ đã già đi cùng năm tháng, nhưng trong ký ức của tôi, những đường nét trên khuôn mặt mẹ vẫn in đậm và đôi mắt của mẹ, dù có trũng sâu vì phải khóc rất nhiều, thì đến nay tôi vẫn nhận ra. Và với linh cảm của một người mẹ, bà cũng đã nhận ra tôi là đứa con đứt ruột bà phải rời bỏ năm xưa.
Freeman cho biết cảm giác của anh khi gặp lại mẹ: "Cảm giác cứ như là tôi chưa bao giờ rời xa mẹ cả. Ngay lập tức tôi trở lại thành cậu bé bảy tuổi và ở trong vòng tay mẹ.
Mẹ của Johnathan Freeman
Freeman muốn mời mẹ sang Mỹ sống nhưng bà đã từ chối. "Bà thấy thoải mái ở Việt Nam. Bà có nhà thờ nơi bà đi lễ hàng ngày, có những nơi bà hay đi dạo bộ và mọi người mà bà gặp hàng ngày”, Freeman chia sẻ.
Cuộc hội ngộ xúc động này đã được đài truyền hình Fox ghi lại và chiếu trên toàn nước Mỹ vào ngày 1/10.
P.V