Thương vụ "tỷ đô"
Central Group mua lại Big C, Thaibev nhìn trúng Sabeco là các thương vụ tiêu biểu phản ánh xu hướng M&A là tập trung vào các ngành bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản,…
Vietnam Plus cho biết, tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (chủ hệ thống Big C) chính thức đổi tên thương hiệu Big C thành GO! và Tops Market kể từ ngày 1/3 trên 3 siêu thị Big C tại Tp.HCM gồm Big C An Phú, Big C Thảo Điền, Big C Âu Cơ..
Chuỗi siêu thị Tops Market được thiết kế theo tiêu chí: Thực phẩm hữu cơ tươi sống đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chú trọng đến dịch vụ khách hàng.
Trước đó, từ tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021, 5 đại siêu thị Big C được tiến hành đổi tên thương hiệu thành Đại siêu thị GO!, gồm đại siêu thị GO! Dĩ An; GO! Nha Trang; GO! Cần Thơ; GO! Hạ Long và đại siêu thị GO! Vĩnh Phúc.
Các đại siêu thị này hoạt động theo các tiêu chí: Đa dạng chủng loại sản phẩm, không gian mua sắm hiện đại, nâng cấp về chỗ đậu xe, chỗ ngồi nghỉ chân và các gian hàng tích hợp trong trung tâm thương mại; cơ sở vật chất được nâng cấp (như xe đẩy, giỏ hàng, túi xách,…).
Dự kiến 4 siêu thị Big C tại Hà Nội gồm The Garden, Hà Đông, Nguyễn Xiển và Lê Trọng Tấn cũng hoàn tất việc chuyển đổi tên trong quý 3 năm nay.
Vậy là sau 22 năm có mặt tại Việt Nam, thương hiệu Big C vốn khá quen thuộc với người tiêu dùng dần chính thức "mất dấu" ở Việt Nam.
Đây là sự thay đổi có tính toán từ trước, bởi vào tháng 4/2016, Tập đoàn Central của gia đình tỷ phú Thái Chirathivat đã mua lại chuỗi Big C Việt Nam có 35 siêu thị trên cả nước với tổng giá trị giao dịch lên tới 1,14 tỷ USD.
Central Group là một tập đoàn đa ngành chuyên về bán lẻ có trụ sở tại Thái Lan. Tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Chirathivat, gia tộc được Forbes xếp hạng giàu thứ 2 tại Thái Lan năm 2018 với khối tài sản 21,2 tỷ USD. Tổng giám đốc hiện tại của Central Group là ông Tos Chirathivat, cháu trai của nhà sáng lập tập đoàn.
Năm 2016, Big C Việt Nam có 43 siêu thị và 30 trung tâm mua sắm. Doanh thu năm 2015 là 586 triệu euro.
Ông chủ lớn, cuộc chơi lớn
Thông tin từ Zing.vn cho biết, sau khi sở hữu Big C, Central Group công bố kế hoạch đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam, nâng gấp đôi số siêu thị, trung tâm thương mại trong vòng 5 năm từ 2016 đến 2021.
Cam kết "giá rẻ mỗi ngày" giúp Big C Việt Nam thu hút người tiêu dùng, nhưng cũng khiến chuỗi siêu thị này khó chiều lòng những khách hàng khó tính.
Theo Vietnammoi, trong vòng 1 năm đầu tiên về tay người Thái, một số doanh nghiệp trong hệ thống Big C Việt Nam ghi nhận doanh thu tụt giảm tuy nhiên mọi thứ khởi sắc vào giai đoạn 2018 - 2019, tình hình kinh doanh của Big C có dấu hiệu khởi sắc hơn.
Báo cáo tài chính năm 2019 của Central Retail (đơn vị chủ quản Big C Việt Nam) cho thấy chuỗi này mang về gần 20.454 tỷ đồng cho công ty mẹ, tăng 10% so với năm 2018, tăng trưởng doanh số trên mỗi siêu thị đạt 14%.
Đến hết năm 2019, Big C chiếm 3,5% thị phần và là chuỗi siêu thị, đại siêu thị lớn thứ 2 tại Việt Nam. Tỷ lệ gia tăng thị phần trong vòng 1 năm đạt 0,4% được coi là hiệu quả khi so sánh với Co.opMart hay VinMart chỉ tăng trưởng 0,2%.
Trong quý I/2020, chuỗi Big C ghi nhận tăng 0,7% thị phần so với cùng kỳ 2019, chiếm 3,8% tổng doanh thu toàn thị trường.
Mặc dù, dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ “mất hướng” nhưng Big C vẫn là một trong các nhà bán lẻ lớn đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất về lượng người mua sắm và mức chi tiêu trong mỗi lần mua. Hệ thống Big C ghi nhận trung bình 70.000-90.000 lượt khách mỗi ngày, sau đó tăng lên 140.000-150.000 lượt trong thời gian giãn cách.
Đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần thẳng thắn nhìn nhận lại thực lực của mình và phải tự cố gắng cả về chất lượng, giá thành cũng như làm chủ kênh phân phối.
Không riêng gì với Big C, nhiều thương hiệu lâu dài của Việt Nam bị doanh nghiệp Thái Lan mua lại, liệu các cuộc "hôn phối" trị giá hàng tỷ đô này có đi đến kết cục "trải hoa"?
Nguyên Anh (Tổng hợp)