Sự thiếu hụt chip bán dẫn đang diễn ra trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến các nhà sản xuất ô tô so với dự báo ban đầu của các chuyên gia vào tháng 5 do Covid-19 tiếp tục làm gián đoạn việc sản xuất chip.
Một báo cáo mới được công bố hôm 23/9 của Công ty tư vấn AlixPartners cho biết, cuộc khủng hoảng chip sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu mất 210 tỷ USD doanh thu trong năm nay. Con số này gần như gấp đôi ước tính mà Công ty tư vấn này công bố hồi tháng 5, là 110 tỷ USD.
Về sản lượng, AlixPartners dự báo các nhà sản xuất ô tô sẽ giảm sản lượng 7,7 triệu chiếc trong năm nay. Mức dự báo hồi tháng 5 là 3,9 triệu chiếc.
“Tất nhiên, mọi người đều hy vọng rằng cuộc khủng hoảng chip sẽ dịu đi ngay, nhưng những sự kiện đáng tiếc như các đợt phong tỏa liên quan tới Covid-19 ở Malaysia và các vấn đề liên tục xảy ra ở những nơi khác trên thế giới đã làm tình hình trầm trọng hơn”, Mark Wakefield, đồng lãnh đạo toàn cầu phụ trách mảng ô tô và công nghiệp tại AlixPartners ở Southfield, cho biết.
Kể từ đầu năm nay, General Motors, Ford và Stellantis từng phải tạm dừng sản xuất, ngừng hoạt động nhà máy hoặc sản xuất những chiếc xe chỉ thiếu các bộ phận chip và chờ cho đến khi có đủ các chi tiết còn thiếu thì mới hoàn thiện xe và vận chuyển chúng đến các phòng trưng bày.
Trong khi đó, các đại lý đều khan hàng khi tồn kho ở mức quá thấp, còn khách hàng phải chờ đợi lâu và trả giá cao hơn để mua một chiếc xe mới.
Dan Hearsch, Giám đốc điều hành phụ trách mảng ô tô và công nghiệp của AlixPartners, cho biết gần như bất kỳ sự thiếu hụt hoặc gián đoạn sản xuất nào ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới đều ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô. Tác động của thiếu chip được "khuếch đại" bởi những sự thiếu hụt khác.
Wakefield nói thêm: “Thiếu chip chỉ là một trong vô số sự gián đoạn bất thường mà ngành công nghiệp ô tô đang phải đối mặt. Ngành này đang thiếu tất cả mọi thứ, từ nhựa và thép cho đến lao động”.
Vì đâu nên nỗi?
Chip được sử dụng trong nhiều bộ phận của xe hơi.
Xét trên nhiều khía cạnh, có lẽ chính các nhà sản xuất ô tô đã tự làm khó mình ngay từ lúc đầu.
Hồi tháng 3/2020, khi đại dịch bắt đầu hoành hành khắp toàn cầu, các nhà sản xuất ô tô, nhà cung cấp và đại lý ô tô phải đóng cửa. Nền kinh tế suy thoái.
Rút kinh nghiệm từ những cuộc suy thoái trước đây, các nhà sản xuất ô tô đã nhanh chóng hủy đơn đặt hàng với các hãng sản xuất chip do lo ngại rằng doanh số bán ô tô sẽ sụt giảm, Michelle Krebs, chuyên viên phân tích quản trị tại AutoTrader, cho biết.
Doanh số bán xe ô tô mới ban đầu giảm mạnh, nhưng nhanh chóng tăng trở lại do nhu cầu bị dồn nén và các ưu đãi tài chính 0%. Ngoài ra, các đại lý đã tìm ra cách bán xe trực tuyến, cung cấp dịch vụ nhận và giao xe tận nhà.
Vì vậy, khi các hoạt động kinh tế được khôi phục, nhu cầu về xe mới tăng mạnh hơn dự kiến đã vượt sản lượng mà các hãng có thể đáp ứng.
"Các nhà sản xuất ô tô đã liên hệ với các nhà sản xuất chip của họ và đặt hàng lại", Krebs cho biết.
Nhưng vào thời điểm đó, các nhà sản xuất chip dường như đã tìm được đầu ra mới. Chip đã được sử dụng trong các sản phẩm khác ngoài ô tô như điện thoại, máy tính, máy chơi game…
Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch hoành hành, ngày càng có nhiều người làm việc tại nhà và trẻ em học trực tuyến ở nhà, dẫn tới nhu cầu về các thiết bị điện tử cá nhân sử dụng chip cũng tăng lên, Wakefield của AlixPartners cho biết.
Một điểm đáng lưu ý nữa là ngành sản xuất chip toàn cầu được độc quyền bởi một số đơn vị nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Joe McCabe, Giám đốc điều hành của AutoForecast Solutions LLC, cho biết.
Khi sự cố xảy ra, các cơ sở sản xuất đồng loạt ngừng hoạt động. Đến khi các cơ sở này có thể khôi phục hoạt động, trong khi tồn kho không còn, thì việc xảy ra tình trạng thiếu hụt là điều dễ hiểu.
"Điều này đã tạo ra một nút thắt cổ chai đáng kể trong tất cả các quy trình sản xuất”, McCabe nhận định.
Tình trạng thiếu hụt chip còn phức tạp hơn sau vụ hỏa hoạn hồi tháng 3 tại một nhà máy thuộc sở hữu của nhà sản xuất chip Renesas Electronics ở Nhật Bản. Thiệt hại là rất lớn, và dự kiến phải mất ít nhất 100 ngày thì hoạt động sản xuất tại nhà máy bị cháy mới bình thường trở lại.
Rất may là nhà sản xuất chip Nhật Bản đã khởi động lại việc sản xuất chip tại nhà máy bị cháy đó chỉ một tháng sau khi sự cố xảy ra, trong bối cảnh thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19.
Như vậy, có thể thấy các vấn đề sẽ gia tăng một khi động đất, lũ lụt hay hỏa hoạn xảy ra tại nhiều địa điểm sản xuất chip khác nhau trên thế giới, và tình hình sẽ càng tồi tệ hơn khi đại dịch tái bùng phát ở châu Á, nơi tập trung phần lớn ngành sản xuất chip.
Những hãng ô tô bị ảnh hưởng nặng nhất
Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng thiếu chip. Và trang Insider Monkey đã chỉ ra những hãng ô tô phải đối mặt với sự sụt giảm tồi tệ nhất do thiếu chip.
Cụ thể, đứng đầu danh sách là General Motors của Mỹ. Doanh số của công ty trong tháng 8 năm nay đã giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, GM tiết lộ trong tháng này. Đầu năm nay, công ty cho biết họ dự kiến số lãi thu được sẽ giảm 1,5 tỷ USD trong năm nay do cuộc khủng hoảng chip. Gần đây, GM đã cảnh báo rằng quý III sẽ là khoảng thời gian đầy thách thức đối với hãng. Nhà sản xuất ô tô Mỹ cho biết, họ sẽ sản xuất ít hơn 200.000 xe trong nửa cuối năm, so với nửa đầu năm. GM trước đó ước tính sẽ sản xuất ít hơn 100.000 xe trong nửa cuối năm.
Đứng thứ hai danh sách của Insider Monkey là hãng xe điện của Mỹ Tesla, Inc. Trong cuộc họp trực tuyến công bố thu nhập quý II, CEO Tesla Elon Muskcho biết, công ty đã tạm dừng sản xuất xe điện tại nhà máy ở Thượng Hải do thiếu chip. Ngoài ra, công ty đang tìm kiếm nguồn chip từ các nhà cung cấp khác để duy trì việc sản xuất và bán xe điện.
Ở vị trí thứ ba là Ford Motor, một trong Big Three của ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Hồi tháng 4, vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng thiếu chip, Chủ tịch Ford Jim Farley nhận định, sự phục hồi hoàn toàn của nguồn cung chip ô tô sẽ kéo dài đến quý IV của năm tài chính này, và thậm chí có thể kéo dài sang năm 2022. Ông cho biết thêm rằng việc phục hồi sản lượng ngành trong nửa cuối năm nay là một thách thức.
NIO Inc., một công ty xe điện Trung Quốc, xếp thứ tư trong danh sách. Hồi đầu tháng 9, công ty đã công bố số lượng giao hàng của tháng 8. Hãng báo cáo số lượng giao hàng là 5.880 xe trong tháng 8, giảm so với 7.931 xe trong tháng 7. Nio cho biết "sự không chắc chắn và biến động của nguồn cung chất bán dẫn" là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của công ty.
Ở vị trí thứ năm là một công ty sản xuất và bán các loại ô tô khác nhau có trụ sở chính tại Hà Lan: Stellantis N.V.
Tình trạng thiếu chip có thể kéo dài đến năm 2023
Glenn O'Donnell, Phó chủ tịch, Giám đốc nghiên cứu của Công ty cố vấn Forrester, cho biết tình trạng thiếu hụt có thể kéo dài đến năm 2023. Trong một blog, O'Donnell nói, "Bởi vì nhu cầu sẽ vẫn cao và nguồn cung sẽ vẫn bị hạn chế, chúng tôi hy vọng sự thiếu hụt này sẽ chỉ kéo dài đến hết năm 2022 và cùng lắm là đến năm 2023".
Các chuyên gia khác cho rằng, sự thiếu hụt này sẽ kéo dài 15-18 tháng.
Lãnh đạo các nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới như Ford, Daimler và Volkswagen đều cho biết họ không có ý tưởng cụ thể về thời điểm tình trạng thiếu chip sẽ được giải quyết. Tình hình trở nên phức tạp khi nhu cầu tiêu thụ ô tô cao, nhưng việc sản xuất bị đình trệ đang khiến các nhà sản xuất ô tô bị thiệt hại lớn.
Các nhà sản xuất ô tô ở Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip toàn cầu. Hầu hết trong số họ dự kiến sẽ bị lỗ lớn trong mùa lễ hội sắp tới do sự đình trệ sản xuất gây ra bởi tình trạng thiếu chip.
Hôm 21/9, Chủ tịch GM Mark Reuss cho biết nguồn cung chip có thể sẽ ổn định ở mức thấp hơn bình thường.
Phát biểu tại Hội nghị Chính sách Mackinac năm 2021 trên Đảo Mackinac, Reuss cho biết cầu tiếp tục vượt cung, đặc biệt là khi ngày càng nhiều nhà sản xuất ô tô tìm cách sử dụng chip cho những chiếc xe điện tương lai.
Do đó, điều này có thể đẩy lùi mốc thời gian để “bình thường hóa” việc cung cấp chip, ông nhận định.
Minh Đức