Sau khi Tổng thống Ecuador Rafael Correa chấp thuận đơn xin tị nạn của Julian Assange, người sáng lập trang web giải mật Wikileaks, Chính phủ Anh thề sẽ bắt ông ta ngay khi ông ta rời sứ quán Ecuador tại Luân Đôn.
Assangge (công dân Australia) trốn vào sứ quán Anh vào ngày 19.6, chỉ 5 ngày trước khi Tòa tối cao Anh bác bỏ đơn xin xem xét lại lệnh dẫn độ ông ta sang Thụy Điển và cho thời hạn 2 tuần, trước khi bắt lại ông ta (Assange bỏ trốn khỏi Thụy Điển khi đang được tại ngoại về tội cưỡng hiếp.
Năm 2010, hai cựu tình nguyện viên Wikileaks tố cáo Assange xâm hại tình dục họ, khi ông đến Stockholm đọc diễn văn. Tuy nhiên, Assange bác bỏ cáo buộc là có động cơ chính trị).
Như vậy, Assange có thể phải chấp nhận ăn ở nhiều tháng hay nhiều năm tại số 3 Hans Crescent thuộc quận Knightsbridge, cách khu vực bán hàng hiệu của thương xá Harrods khoảng 50 mét.
Assange, người thích đi đây đó để bới móc chuyện thâm cung bí sử của thiên hạ; thích tự do, dù là thứ tự do có thể gây hại cho người khác, nay phải tự giam mình trong một nhà tù với bản án tù không thời hạn là điều khó tưởng tượng đối với ông ta.
Hiện, người ta thấy thường xuyên có từ 20-30 cảnh sát Anh được bố trí canh chừng các lối ra của sứ quán để phòng ngừa con người lắm mưu mẹo này trốn thoát. Đó là chưa kể, Thủ tướng David Cameron đang xem xét viện dẫn Ecuador vi phạm luật Diplomatic and Consular Premises Act ban hành năm 1987 của Anh,qua đó đình chỉ quy chế đặc miễn của sứ quán và cho cảnh sát vào bắt Assange.
Ngày 19/8, khi xuất hiện lần đầu tiên từ sau ngày được Ecuador chấp thuận tị nạn, Assange tố cáo Mỹ đang chơi trò săn phù thủy (witch-hunt) và muốn Mỹ hãy ngưng ngay chiến dịch này.
Một số người ủng hộ Assage nhân danh tự do ngôn luận biểu tình bên ngoài sứ quán đòi trả tự do cho Assange, trong khi Chính phủ Ecuador cố lèo lái vụ Assange thành cuộc đối đầu giữa phương Tây và liên minh cánh tả Mỹ La Tinh. Hội nghị ngoại trưởng Hội các nước Nam Mỹ (Unasur) tuyên bố ủng hộ Ecuador, nhưng cũng kêu gọi đối thoại và hợp tác để tìm ra giải pháp chung.
Tổng thống Ecuador cho biết nếu Assange dàn xếp được với Thụy Điển để ông không bị dẫn độ sang nước thứ 3, thì ông có thể về Thụy Điển. Về phần mình, Thụy Điển vẫn giữ nguyên lệnh dẫn độ Assange về tội cưỡng hiếp, còn Mỹ muốn xử ông ta tại Mỹ về tội thu gom bất hợp pháp và tiết lộ các bí mật ngoại giao Mỹ gây tác hại cho nhiều Chính phủ và doanh nghiệp.
Một số nguồn tin đáng tin cậy cho biết khi trang web giải mật Wikileaks bắt đầu giải mật hàng trăm ngàn tài liệu nội bộ ngoại giao Mỹ chuyển theo những đường truyền cáp, các tài liệu này đã được giao cho nhà cung cấp dịch vụ Internet Bahnhof của Thụy Điển lưu trữ giúp. Lý do là vì Wikileaks không có khả năng bảo mật tài liệu của mình. Tất cả tài liệu được đưa vào hầm lưu trữ đặc biệt, với nhiều tính năng ưu việt. Điều đáng nói là do Chính quyền Thụy Điển cấm điều tra nguồn cung cấp thông tin, dù mật hay không mật, nên Thụy Điển trở thành mảnh đất lý tưởng để các cá nhân hay công ty tồn trữ những tài liệu gây tranh cãi mà không sợ ai đó buộc phải xuất trình. |
Lê Tây Sơn (Theo The Washington Post và Inside WikiLeaks' Bunker)