Ngày 13/10 vừa qua, đất nước Chile đã kỷ niệm 1 năm chiến dịch giải cứu thành công 33 thợ mỏ bị vùi sâu dưới lòng đất 69 ngày. Cuộc giải cứu này được xem là vô tiền khoán hậu trong lịch sử của ngành khai khoáng và có lẽ là trong lịch sử Chile trong vòng một trăm năm qua. Ở thời điểm đó, người ta đã hết lời ca tụng những con người tham gia sứ mệnh đặc biệt này và tất nhiên, những điều tốt đẹp nhất vẫn dành cho 33 người thợ mỏ. Tuy nhiên, sau 1 năm, những người từng được coi là anh hùng của đất nước vẫn phải sống trong cảnh thất nghiệp và tinh thần bị rổi loạn.
Lời hứa của chính phủ bị lãng quên
Đúng 1 năm về trước, sáng ngày 13/10, cả thế giới đã phải nín thở theo dõi những bước cuối cùng trong chiến dịch giải cứu 33 thợ mỏ tại Chile. Khi người thợ mỏ cuối cùng được kéo lên từ độ sâu 700m, cả đất nước Chilê nói riêng và người dân trên thế giới nói chung đều hạnh phúc đến ứa trào nước mắt. “Từ tận cuối đường hầm tăm tối ở độ sâu 700 mét trong lòng đất, ánh sáng đã rọi chiếu xuống nơi đó và mang về sự tái sinh mầu nhiệm. Đó chỉ có thể là thứ ánh sáng của lương tri, của bản năng sinh tồn nơi con người mà không gì khuất phục. 33 thợ mỏ của chúng ta là những anh hùng”- Tổng thống Chilê Sebastian Pinera đã nói như vậy trong ngày chào mừng 33 con người đã từ cõi chết trở về.
Victor Zamora- một thợ mỏ đang thất nghiệp |
Một năm sau sự cố sập hầm mỏ, thay vì được giúp đỡ như những nạn nhân, họ bị coi là những người nổi tiếng. Họ được sắp đặt để gặp Tổng thống Chile Sebastian Pinera và được mời dự các lễ kỷ niệm hay khai trương nhà bảo tàng.
Nhiều người trong số 33 thợ mỏ hi vọng vào khoản tiền lương hưu trọn đời 430 USD/tháng mà Tổng thống Pinera nói chính phủ sẵn lòng chi trả, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Khoản hỗ trợ duy nhất họ nhận được là khoản tiền trị giá 10.950 USD do Leonardo Farkas, một chủ hầm mỏ người Chile tặng. Ông này đã tổ chức một bữa tiệc xa hoa khoản đãi các thợ mỏ và tặng mỗi người một chiếc xe máy. Tuy nhiên đa phần phần thưởng này cũng đã bị chủ nhân bán đi nhằm trang trải những khó khăn về kinh tế.
Khi số tiền lương hưu trọn đời chưa được chính phủ Chile trao trả như đúng lời hứa, một số thành viên trong 33 người thợ mỏ đã quyết định khởi kiện, tuy nhiên họ đã vấp phải những lời chỉ trích nặng nề. “Chúng tôi đã được chính phủ hứa và đảm bảo về những quyền lợi, tuy nhiên chúng tôi phải kiện vì mọi người đều có quyền khởi kiện khi các sự việc đã không được thực hiện một cách đúng đắn. Nhưng đối với những người mà đã chịu ơn chính phủ như chúng tôi thì việc làm đó được gọi là vô ơn.”- Luis Urzua người có vai trò cực kì quan trọng trong việc duy trì đoàn kết khi cả nhóm lâm nạn nói.
Theo tờ thời báo New York Times, sau 1 năm trở thành những người anh hùng bất đắc dĩ, 15 trong số 33 người đang thất nghiệp, 7 người thường xuyên đi diễn thuyết, 3 người hái trái và rau dọc các con đường để kiếm sống, 2 người có tiệm bán rau, 4 người làm việc cho các mỏ đồng và vàng, hai người còn lại không có việc làm do bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tâm lý và được nhận một phần tiền lương từ chi trả y tế của chính phủ.
“Chúng tôi đã bị bỏ rơi”
Ngày 13/10 năm nay, để đánh dấu 1 năm ngày giải cứu thành công 33 thợ mỏ, những người này đã có buổi gặp mặt tổng thống Chile và xem lại những hình ảnh vẻ vang của họ 1 năm trước. Không những thế, để kỷ niệm 1 năm cả thế giới phải ngưỡng mộ những con người đã viết nên bản sử thi oai hùng trăm năm có một này, tại bảo tàng thủ đô Santiago, người ta đã cho đúc 1 bức tượng bằng đồng về người thợ mỏ. “Bức tượng đó cao 1m2 và được điêu khắc rất tinh xảo. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bề ngoài hào nhoáng mà thôi”- Edison Pena, một người trong số 33 thợ mỏ nói.
Thợ mỏ Jimmy Sanchez |
Trong buổi gặp mặt này, Edison Pena nói rằng, sau 1 năm hỗ trợ của chính phủ và những tập đoàn lớn như đã hứa hẹn trước đây dường như không được thực hiện. “Thế giới cũng không còn quan tâm tới chúng tôi nữa, vì thế mọi khỏi hỗ trợ để 33 người thợ mỏ hòa nhập với cuộc sống sau chuỗi ngày dài đằng đẵng sống dưới lòng đất cũng đã ít dần đi. Các bạn không biết rằng, gần ½ trong số 33 người đang phải chịu cảnh thất nghiệp. Cũng có người hàng ngày vẫn đang phải điều trị các chứng bệnh tâm thần do vụ sập hầm lò đó”- Edison Pena nói.
Jimmy Sanchez- 20 tuổi, một trong những người thợ mỏ trẻ nhất đã trở thành “nhà diễn thuyết” khi anh được mời đi khá nhiều nơi trên thế giới để nói về 69 ngày chống trọi với tử thần dưới lòng đất lạnh. Tuy nhiên, 1 năm sau, không còn đi chu du thiên hạ để nói và lấy tiền nữa, giờ đây Jimmy Sanchez cùng với 8 người thợ mỏ khác phải tự bỏ tiền túi để điều trị các chứng bệnh liên quan tới thần kinh. Theo Jimmy Sanchez cho biết, hàng tháng anh phải đáp xe lên thủ đô Santiago 2 lần để điều trị “hậu chấn thương” trong vòng 11 tiếng đồng hồ. “Chúng tôi thường xuyên bị gặp ác mộng và mất ngủ. Hiện tại chúng tôi đều phải sử dụng thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm. Bác sỹ đã khuyên chúng tôi không nên quay trở lại công việc cũ nữa”- Jimmy Sanchez cho biết.
Omar Reygadas, 56 tuổi, nói mặc dù ông diễn thuyết về ý nghĩa của tinh thần đồng đội, sức mạnh và lòng tin, nhưng “những cơn ác mộng luôn đến với tôi mỗi đêm. Tôi cố gắng đọc sách, làm mình mệt mỏi để có thể chìm vào giấc ngủ”.
Theo các bác sỹ điều trị cho Jimmy Sanchez và 8 người thợ mỏ khác cùng điều trị thì việc điều trị hậu chấn thương đã tiến hành ngay sau khi những người này được kéo lên khỏi mặt đất. “Bị buộc phải sinh hoạt trong một hầm tối, sâu dưới lòng đất trong một thời gian lâu kỷ lục đã tác động đến tinh thần của một số nạn nhân. Sau vụ tai nạn hy hữu trên, đã có người phát triển các triệu chứng rối loạn tâm lý hậu chấn thương, một phản ứng tâm lý nghiêm trọng xảy ra sau một kinh nghiệm hãi hùng, hoặc là bị đe dọa đến mạng sống, hoặc là sau khi bị chấn thương mạnh. Những người này có thể gặp nhiều khó khăn trong tiến trình tái hội nhập vào cuộc sống bình thường trước kia. Trong các tương quan với những người thân, có người sẽ bị căng thẳng tinh thần cao độ”- Một bác sỹ điều trị cho biết.
Trong khi đó, vì không muốn quay lại công việc của một người thợ mỏ do lo lắng về tính mạng, hai người thợ mỏ có tên là Victor Zamora và Dario Segovia sau tháng ngày vô vọng chờ đợi sự hỗ trợ từ chính phủ đã quyết định mở tiệm bán táo và rau ngoài chợ. Trong ngày kỷ niệm 1 năm cuộc giải cứu thành công, anh Dario Segovia nói: “Trước đây, người ta đối xử với chúng tôi như những vị anh hùng, nhưng giờ đây vị anh hùng này đang phải đứng sau quầy hàng để bán rau. Thật mỉa mai. Chúng tôi đã bị bỏ rơi”.
Khởi kiện đòi 27 triệu USD
Sau khi vụ giải cứu thành công 1 năm về trước, nhiều người cho rằng, 33 người thợ mỏ sẽ giàu lên nhờ vào khoản tiền bồi thường của chính phủ và sự ủng hộ từ nhiều nguồn tài chính khác. Trên thực tế, hầu hết thợ mỏ Chile vẫn chưa nhận được gì.
Thợ mỏ Edison Pena |
Edison Pena, một trong 33 thợ mỏ thoát chết cho biết: “Tôi đã không đi du lịch, vì sợ phải tốn thêm tiền, mặc dù biết là mọi chi phí đều được trợ cấp. Nhiều khi tôi nghĩ, nếu chúng tôi vẫn mắc kẹt dưới hầm mỏ, biết đâu sau cây thánh giá bia mộ, hình ảnh chúng tôi còn được coi trọng hơn bây giờ”.
Ngày 16 /7 vừa qua, 33 thợ mỏ đã nộp đơn kiện đòi chủ mỏ đã phá sản bồi thường 10 triệu USD, đồng thời đòi chính quyền trả 17 triệu USD vì không thực hiện đúng quy định về an toàn lao động. Tuy nhiên, đến nay, họ vẫn chưa được bồi thường.Trong đơn, các thợ mỏ nói rằng họ quyết định kiện không chỉ vì tiền, cũng không phải là họ muốn giáng một đòn chí tử vào chính quyền Tổng thống Sabestian Pinera vốn rất tận tâm trong đợt giải cứu họ, mà chỉ mong muốn đặt ra tiền lệ để ngăn chặn những tai nạn tương tự sẽ tái diễn.
Được biết, số tiền mà mỗi thợ mỏ đòi bồi thường lên tới 541.000 USD. Một số thợ mỏ nói họ không biết cụ thể về số tiền đòi bồi thường mãi đến khi truyền thông đăng tin. Dẫu vậy, một thợ mỏ có tên là Omar Reygadas nói rằng nhờ vụ kiện mà phần lớn thợ mỏ có thể thoát khỏi những tin đồn, "rằng chúng tôi có rất nhiều tiền". “Nhiều người nghĩ rằng họ tung hô chúng tôi trên ti vi điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều tiền. Với thợ mỏ, cách trở thành triệu phú là xuống hầm, tìm thấy mỏ vàng và đào nó lên”- Anh này nói.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều về việc làm của những người thợ mỏ này. Nhiều người được hỏi cho rằng các thợ mỏ nên biết ơn vì được cứu sống chứ không nên đòi hỏi gì hơn. Một bà nội trợ nói về các thợi mỏ như say: “Họ là những người vô ơn sau khi chính phủ đã bỏ tiền cho cuộc giải cứu” Được biết, để giải cứu 33 thợ mỏ này. Chính phủ Chilê khi đó đã chỉ ước khoảng 20 triệu USD.
Cũng trong tháng 7 vừa qua, một nhà sản xuất phim đến từ Holywood đã đánh tiếng về việc chuyển tải câu chuyện 69 ngày đêm sống dưới lòng đất của 33 thợ mỏ Chilê thành tác phẩm điện ảnh. Dự tính, bộ phim sẽ được khởi quay vào đầu năm 2012, nhưng vẫn chưa rõ hãng phim nào thực hiện, cũng như ngân sách của toàn bộ tác phẩm điện ảnh này. “Có thể đó cũng chỉ là một lời hứa”- Thợ mỏ Omar Reygadas mỉa mai.
Hải Hiền (Theo Xinhua)