Nghĩa trang là... nhà
Lúc chúng tôi đến nghĩa trang Văn Điển là 16h, vì không phải ngày tuần nên không có nhiều người thắp hương ở những ngôi mộ trong nghĩa trang. Chỉ có những người bảo vệ đang cần mẫn làm cỏ, dọn dẹp quanh những ngôi mộ cũ. Gọi là cũ vì từ tháng 7/2010, nghĩa trang Văn Điển đã ngừng nhận hung táng người mất mà chuyển sang dịch vụ hỏa táng ở đài hóa thân bên cạnh. Tuy nhiên, số lượng mộ cũ ở nghĩa trang vẫn còn nhiều nên đội bảo vệ đã thay nhau làm việc để chăm lo cho những ngôi mộ ở đây luôn đầy đủ hương khói.
Anh Trần Văn Minh làm việc ở nghĩa trang Văn Điển
Đội bảo vệ, chăm sóc nghĩa trang Văn Điển có hơn 10 người, ngày đêm vẫn chăm sóc những ngôi mộ khi người thân của họ bận việc, không thường xuyên ra ngoại ô nhang khói được. Anh Trần Văn Minh (đội bảo vệ nghĩa trang Văn Điển) cho biết, hai năm trước, đội "chăm sóc đặc biệt" này lên tới 50 người, hàng ngày nhận hợp đồng từ các gia đình có người mất để tiến hành an táng, cải táng. Hồi ấy, công việc nhiều, gần 50 con người làm vẫn không xuể, nhiều người đã coi nghĩa trang là nhà, thường xuyên ở lại đây qua đêm để trông coi, giúp nhiều gia đình làm dịch vụ cải táng ngay trong đêm. Hiện nay, công việc ít đi, do những ngôi mộ cũ đã cải táng gần hết, một số người đã chuyển đổi công việc hoặc mưu sinh bằng việc khác, hiện có 14 người đang làm bảo vệ, và chăm sóc cho... người chết nơi đây.
Lẫn khuất trong hàng nghìn ngôi mộ, được chia ra làm hai khu vực nơi đây là những công nhân đang làm cỏ, sửa sang những ngôi mộ cũ, mỗi ngày họ phải đi tuần cả khu vực nay một lần, ba ngày phải dọn cỏ, sửa lại bình hoa cho từng ngôi mộ nên khối lượng công việc khá nhiều. Đang dọn dẹp cho một ngôi mộ, anh Lê Văn Quang cho chúng tôi biết: "Tôi làm việc tại nghĩa trang này đã được 20 năm, mọi người cứ nghĩ làm việc bên người chết là sợ, chứ chúng tôi quen rồi, hàng ngày phải đi tuần, trò chuyện bên những ngôi mộ, tối thì ngủ lại đội để trông coi, nếu gia đình nào cải táng nhờ dịch vụ thì chúng tôi làm luôn…".
Anh Quang cho biết thêm, từ ngày dừng việc chôn cất người mất ở nghĩa trang thì ở đây không thêm mộ mới, những ngôi mộ đủ ba năm trở lên sẽ được người nhà tiến hành cải táng, vì thế số lượng mộ ở đây cũng thu hẹp dần. Hàng ngày, nếu anh em trong đội không chia nhau ra trông nom thì không hết việc.
Anh Trần Lê Tú (Phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Vì còn phần mộ của mẹ ở dưới này nên tôi thường xuyên xuống đây để thăm. Từ ngày nghĩa trang không nhận hung táng nữa thì số lượng mộ thô giảm đi, vì cứ "đến hẹn" đủ ba năm là gia đình cải táng mộ. Tôi thấy rằng, đội bảo vệ "đặc biệt" ở đây làm việc cũng vất vả, có lẽ sau này ở đây chuyển thành công viên nghĩa trang thì họ sẽ rất "nhớ" những công việc đã gắn bó cả đời họ...".
Cả nhà cùng làm việc ở nghĩa trang
Nghĩa trang Văn Điển cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km về phía Nam, sau này ở đây sẽ được xây dựng thành công việc nghĩa trang - toàn công viên sẽ được phân thành nhiều khu khác nhau, gồm khu mộ cao cấp, khu để tro, đài hóa thân, khu hành chính, khu vườn hoa, cây xanh... cùng với đó là một tháp lưu tro cao 5 tầng và bãi đỗ xe rộng trên 5.000m2... Nhìn người công nhân, bảo vệ tỉ mẩn lau từng lọ hoa, khung ảnh trên từng ngôi mộ, chúng tôi mới hiểu rằng, nghề nào, công việc nào cũng cần sự tận tâm, và sự tận tâm của những người làm việc ở đây đã tạo cho khuôn viên sự sạch sẽ, tin cậy cho bất cứ ai vào thăm những phần mộ của những người đã khuất.
Chị Nguyễn Thị Vân, làm việc trong nghĩa trang cho chúng tôi biết: "Ban đầu làm việc ở đây tôi cũng thấy "rờn rợn", vì là phụ nữ nên tôi chỉ làm việc ban ngày, tối được các anh em trong đội bảo vệ "ưu tiên" cho về nhà. Công việc của tôi là hàng ngày đến dọn cỏ, quét các ngôi mộ cho sạch, cắm hương, hoa vào những ngày tuần, ngày lễ... Những ngày đầu làm ở đây, tôi sợ đến mức không ngủ không dám nhắm mắt, vì cứ định ngủ thì những hình ảnh về đám tang lúc sáng lại hiện ra trước mắt. nhưng lâu dần thành quen, tôi nghiệm ra rằng, "làm việc" với người chết cũng có nhiều thú vị...".
Bác Lê Văn Tư, một người đã gắn bó với công việc này 21 năm cho biết: "Nghề này cũng như các nghề khác thôi, làm nhiều rồi cũng vượt qua được những sợ hãi. Điều làm chúng tôi vững tâm, kiên trì với nghề là làm được cái gì đó có ý nghĩa với người quá cố. Nghĩa trang ngừng chôn cất, nhưng những phần việc từ những ngôi mộ cũ vẫn còn. Ngày nào còn làm ở đây, chúng tôi sẽ tận tâm ngày ấy, vì "nghĩa tử là nghĩa tận".
Bác Tư cho biết, nhiều gia đình ở đây rất đặc biệt, đó là cả vợ chồng, con cái đều làm việc tại nghĩa trang, có gia đình, cả hai bố con đều làm việc tại đây rồi con lấy vợ, bên nhà vợ cũng xin vào làm việc nơi đây. Hiện nay, mọi người đã xin chuyển công việc ở đài hóa thân Văn Điển bên cạnh nên đội đã giảm số lượng người đi nhiều.
Trời đã về chiều, lác đác có những người đi thăm mộ của người thân đã lên xe trở về thành phố, nhưng những người được phân công trong đội bảo vệ vẫn cần mẫn dọn cỏ bên những ngôi mộ. Ngoài sự tận tâm với nghề, họ còn có trách nhiệm để những người đã khuất khỏi "chạnh lòng" nên có những ngôi mộ mà con cháu đi xa tận miền Nam hay nước ngoài, được những người ở đây chú ý hơn...
Tạo phúc cho đời… Chị Vân tâm sự với chúng tôi: "Người sống có bao nhiêu chuyện thì bên những ngôi mộ này cũng có bấy nhiêu chuyện để bàn, như chuyện về con cháu thương nhớ người đã khuất, ngày nào cũng xuống đây thăm mộ, chuyện cải táng xong thì đưa người thân đi đâu... Có làm nghề mới biết được rằng, bảo vệ các ngôi mộ cũng là cái duyên nghiệp mà chúng tôi tự nguyện theo để tạo phúc cho đời...". |
Bảo Quyên - Phạm Thiệu