Là điểm dừng chân cuối cùng trên tuyến đường sắt xuyên Siberia, Vladivostok nằm ở vùng viễn đông xa xôi của nước Nga, nơi giao với Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù cách xa Thủ đô Moscow, Vladivostok vẫn là một thành phố có tầm quan trọng chiến lược với sự hiện diện của Hạm đội Thái Bình Dương Nga.
Đặc biệt, ở đây có không ít người Triều Tiên đến lao động…
Đối với người Triều Tiên, miền viễn đông của nước Nga là cửa sổ bước ra thế giới bên ngoài, vượt qua sự cô lập chặt chẽ đến từ phương Tây.
Nơi đây cũng mang đến cho họ cơ hội làm việc và đem về nguồn tài chính cho gia đình và quốc gia.
"Những người lao động này rất cần cù và tử tế", một trang web quảng cáo về dịch vụ cung cấp công nhân Triều Tiên mô tả.
"Họ sẽ không bao giờ chểnh mảng công việc hay trốn tránh nhiệm vụ của mình". Mặc dù vấp phải những trở ngại về rào cản ngôn ngữ, người lao động Triều Tiên ở Vladivostok rất được ưa chuộng, do có tay nghề tốt trong khi mức lương chi trả lại khá hợp lý.
Chia sẻ với CNN, một lao động Triều Tiên giấu tên cho biết, họ thường làm việc theo hợp đồng 5 năm ở Vladivostok, sau đó sẽ được luân chuyển về nước và những người khác sẽ đến thay thế.
Công nhân ở đây sẽ phải trả một khoản phí hàng tháng cho bên môi giới đã đưa họ đến Nga và tìm giúp công việc phù hợp.
Một người đàn ông đã sống ở Vladivostok gần bốn năm qua nói với CNN, ông làm việc tất cả các ngày trong tuần và dành phần lớn thời gian tại nơi làm việc hoặc ở trong ký túc xá hai tầng cùng hàng chục công nhân khác.
"Họ trả lương cho chúng tôi khá ổn", ông tâm sự rằng khoản tiền đó đủ để gửi về cho vợ và hai con trai.
Nhưng nhiều người khác lại ít may mắn hơn.
Một đốc công người Nga nói với CNN, công nhân Triều Tiên thường phải làm việc, ăn, ngủ ngay tại công trường xây dựng và họ phải tiêu tốn chi phí khá nhiều nên chỉ để ra được khoảng 5.000 Rúp, tương đương với 90USD/tháng để đem về cho gia đình.
Người lao động cũng không thể trở về thăm Triều Tiên trong hợp đồng kéo dài 5 năm, đồng nghĩa với việc họ sẽ không được nhìn thấy những người thân yêu trong thời gian dài.
"Phụ nữ không được phép đến và làm việc ở đây", một công nhân nói. "Tôi không biết tại sao nhưng quy định là thế".
Theo lệnh trừng phạt mới được Mỹ đề xuất lên Liên Hợp Quốc (LHQ) hồi đầu tuần này, người lao động Triều Tiên sẽ gặp nhiều rào cản khi làm việc ở nước ngoài, kể từ bây giờ.
Theo đó, người dân Triều Tiên đang làm việc trên toàn thế giới có thể hoàn thành nốt hợp đồng của họ, nhưng mọi hoạt động tuyển dụng mới, hoặc gia hạn hợp đồng kể từ khi biện pháp trừng phạt mới đi vào hiệu lực sẽ là bất hợp pháp.
Tuyên bố của LHQ khẳng định, chế tài mới sẽ khiến Bình Nhưỡng thiệt hại khoảng nửa tỷ đô la mỗi năm khi nó ảnh hưởng đến 100.000 lao động Triều Tiên đang làm ra lợi nhuận trên khắp thế giới.
Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã chỉ trích Mỹ đẩy mạnh áp lực lên Triều Tiên, Moscow sau đó vẫn đồng thuận với lệnh trừng phạt của LHQ, khi đại sứ Vassily Nebenzia nói sau cuộc bỏ phiếu rằng Nga "không chấp nhận Triều Tiên là một nhà nước hạt nhân".
Dẫu vậy, ở Vladivostok, người ta vẫn hy vọng Tổng thống Putin sẽ tăng cường các biện pháp đối thoại nhằm ngăn chặn tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng xấu đi.
Vladimir Baranov, chủ sở hữu một tuyến phà qua lại giữa Triều Tiên và các thành phố của Nga đã chỉ trích gay gắt những tuyên bố của Mỹ trong bế tắc Triều Tiên hiện nay.
"Tốt nhất là đừng nói đến chuyện chiến tranh", Baranov nói, đồng thời cảnh báo, bất kỳ cuộc xung đột nào trong khu vực có thể dễ dàng leo thang và khiến mọi thứ vượt tầm kiểm soát.
Dịch vụ phà của doanh nhân này bắt đầu hoạt động từ hồi tháng Năm và đã có 14 chuyến đi giữa Vladivostok và Triều Tiên cho đến nay.
Tuy nhiên, tuyến đường đang bị đình chỉ do những bất đồng của Baranov với các công ty tư nhân khác.
Người đàn ông này tiết lộ muốn giúp cải thiện quan hệ chính trị với Triều Tiên bằng dịch vụ phà của mình và thông qua "ngoại giao nhân dân".
"Dẫu không mang cho tôi lợi nhuận hàng triệu đô la, nó sẽ mang lại điều tốt đẹp và sự thoải mái cho một số người", Baranov nói. "Hợp tác kinh tế là một phần quan trọng . Đây là con đường dẫn tới hòa bình".
Hoạt động kinh doanh của người Nga và những người lao động Triều Tiên ngày một xấu đi giống như mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Một con tàu lớn chở khách du lịch Mỹ tới Bình Nhưỡng đã bị hủy lịch trình sau khi Washington ra lệnh cấm công dân của mình đến thăm Triều Tiên.
Bên cạnh chuyến phà của Baranov và thỉnh thoảng là các chuyến bay của hãng hàng không Air Koryo, liên kết còn lại giữa Nga và Triều Tiên chỉ là một chuyến tàu không thường xuyên chạy từ Bình Nhưỡng đến thị trấn Khasan, cách thành phố Vladivostok về phía Nam 120km, sát sông Tumen gần biên giới với Triều Tiên.
Hành khách thưa thớt trên chuyến tàu là những người lao động đến từ quốc gia hạt nhân mới nổi ở châu Á. Với người lao động Triều Tiên, đó là cánh cửa mang họ đến với thế giới bên ngoài, là cơ hội để kiếm về đồng tiền ít ỏi cho gia đình.