Bệnh tật hoành hành
Bà Trần Thị Thu Hằng (58 tuổi, ngụ phường An Phú, quận 2, TP.HCM) cho biết, trước đây, bà mua nhà có giấy tờ đầy đủ, có giấy phép xây dựng, cũng như giấy hoàn công và hàng năm đều đóng thuế nhà đất. Tuy nhiên, từ mấy năm trước, khi khu đô thị Thủ Thiêm hình thành, xây dựng và phát triển nhanh chóng, những hộ dân nơi đây bị ảnh hưởng rất nhiều.
Đó là những hộ trong diện giải tỏa, nhưng do bồi thường chưa thỏa đáng, họ nhất quyết không chuyển đi, mà ở lại bám trụ đòi quyền lợi chính đáng. Còn nhiều gia đình nằm ngoài diện quy hoạch, nhưng không hiểu sao, không được xây dựng, sửa chữa.
Đáng nói, họ nhất quyết bắt di dời chỗ ở. Nhưng người dân vẫn chấp nhận sống tạm bợ trong căn nhà dột nát để bám trụ đất của mình. Nhiều lần chính quyền cưỡng chế, nhưng người dân không chịu đi.
Bà Hằng chia sẻ: “Nhà xuống cấp trầm trọng, người dân cơ cực vì đường sá thấp trũng, ngập nước nhất là mưa to, kết hợp triều cường thì mỗi gia đình đều phải chống chọi với nạn ngập sâu. Thực sự gia đình chúng tôi cũng như những hộ dân ở đây phải sống dở chết dở. Người dân sống tạm bợ, điều kiện sống thiếu thốn, dẫn tới bệnh tật triền miên”.
”Như gia đình tôi chẳng hạn, chồng thì bị ung thư thanh quản, nhập viện triền miên. Hồi trước, ông ấy còn nói chuyện được, còn thời gian gần đây, bác sĩ nói phải cắt dây thanh quản. Hiện, ông không thể nói được, sự sống đang mong manh từng ngày. Nhìn tôi hình dáng mập mạp thế này, nhưng thực ra cũng đang bị 2 bệnh ung thư hành hạ, chưa biết sống chết thế nào”, bà Hằng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thế Vinh (82 tuổi, ngụ phường Bình An, quận 2) khẳng định: “Ngôi nhà của chúng tôi chỉ 35m², mua năm 2000 với giá 100 triệu đồng. Nhà tôi mua có giá trị pháp lý đầy đủ như sổ đỏ, giấy tờ hợp đồng mua bán rõ ràng… Tuy nhiên, năm 2014, có việc đền bù giá 84 triệu đồng và buộc gia đình chúng tôi phải di dời chỗ ở. Từ đó đến nay, chúng tôi không di dời, mà cố bám lại ngôi nhà cũ của mình để sống”.
Theo ông Vinh, hơn 10 năm qua, gia đình ông cũng như những hộ dân nơi đây phải vay mượn tiền ngân hàng để tiến hành các thủ tục thưa kiện tới các tòa án, chính quyền các cấp. Thậm chí nhiều năm qua người dân cũng ra tận Trung ương để khiếu kiện. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có kết quả. Tất cả nguyên nhân khiếu kiện, chỉ vì chưa được giải quyết thỏa đáng quyền lợi.
Cơ quan chức năng không cung cấp bản đồ quy hoạch
Ông Vinh nói thêm: “Chúng tôi tới sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM để được giải thích rõ về việc những hộ nằm ngoài quy hoạch vì sao lại phải di dời. Và nếu thế, thì sở phải cho người dân xem bản đồ quy hoạch cụ thể, để họ nắm chủ trương của Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ”.
”Tuy nhiên, nhiều năm nhưng sở Quy hoạch Kiến trúc chưa cung cấp cho chúng tôi tấm bản đồ quy hoạch của khu đô thị Thủ Thiêm để xem tình trạng đất, nhà ở của mình có trong quy hoạch hay không. Từ việc không rõ ràng đó nên không ai chịu di dời”, ông Vinh nói.
Bà Lê Thị The, ngụ khu phố 1, phường Bình An cho biết, bà cũng như những người dân nơi đây đã nhiều lần khiếu nại về vấn đề đất đai của mình. Bà The và người dân đều thống nhất yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết đúng pháp luật, đúng người, đúng tội để trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân Thủ Thiêm.
Nhất là những hộ gia đình có đất nằm ngoài khu quy hoạch, nếu thu hồi trái pháp luật phải nhanh chóng xử lý để người dân bớt khổ. Còn những hộ dân thuộc diện nằm trong ranh giới quy hoạch cần phải đền bù tài sản vật chất và tinh thần thỏa đáng cho dân, giải quyết càng sớm càng tốt.