Cả đời ở nhà bè
Sáng sớm, chiếc thuyền du lịch rú còi inh ỏi báo hiệu cho chủ nhà nổi biết rằng có khách muốn tham quan. Bà chủ nhà tên Nguyễn Thị Sáu (SN 1965, quê Cần Thơ) đang ngủ bất giác bật dậy, chạy ra trước cửa nhà đón khách. Mặc dù khá mệt mỏi nhưng bà Sáu miệng vẫn phải cố tỏ ra tươi cười, niềm nở. Đã hơn tuần nay, hàng chục chiếc tàu du lịch ghé qua, nhưng bà chưa bán được mớ cá nào. Bà Sáu định đợi ngày nào đẹp trời sẽ cùng hai "nhân viên" thuê thuyền chở cá vào đảo bán rẻ. Tuy nhiên, nếu thuê người chở cá thì xác định tháng đấy không có lãi. Bởi vì tiền thuê tàu đã "ăn" gọn tiền lãi rồi.
Sau một phút phân vân, tôi tách đoàn, ở lại ngôi nhà của người đàn bà khốn khổ này. Căn nhà 15m2 được làm bằng những cây gỗ nhỏ ghép lại cứ lắc lư theo nhịp những cơn sóng, bên trên được lợp bằng những tấm tôn sắt thấp lè tè. Theo như lời bà chủ nhà, trong những đợt nắng đỉnh điểm, ngôi nhà này nóng đến mức dường như có thể đun sôi được cả nước. Tuy nhiên, đã hơn 20 năm nay, bà Sáu "thụ án" ở trên chiếc nhà nổi này. Hai năm trước, việc nhiều, bà về quê ở Cần Thơ gọi thêm hai đứa cháu ra đây chăn nuôi cá, phục vụ khách du lịch.
Bà Sáu kể: "20 năm trước, vì sa cơ lỡ vận nên vợ chồng tô phải xuống Phú Quốc mưu sinh. Rồi trong một chuyến ra khơi cách đây 10 năm, chồng tôi đã ở lại vĩnh viễn với biển cả. Từ đấy, tôi về đây sống một mình trên nhà nổi. Cuộc sống ở đây khổ cực lắm. Mùa hè thì nóng đến nỗi tóp cả người, còn mùa bão thì phải đánh cược mạng sống với "thủy thần".
Bà Sáu nói chuyện với PV trên nhà nổi
Những lần thoát khỏi bàn tay thủy thần
Mời tôi vào nhà mà đúng hơn là chiếc lều tạm bợ, rót nước mời khách, bà Sáu kể về những lần "chết hụt" trong vòng xoáy của bão: "Năm năm trước, khi đang chuẩn bị cơm chiều thì có một chiếc thuyền du lịch chạy đến. Họ nói rằng tối nay bão sẽ đổ bộ vào Phú Quốc nên yêu cầu tôi lên tàu về đảo. Ngày ấy, tôi chưa có đài nên chỉ đoán bão qua mây trời và sóng biển. Thấy biển vẫn lặng, trời xanh nên tôi nghĩ họ nhầm. Với lại còn bao nhiêu lồng cá, nếu vào bờ sẽ chẳng ai trông nom, tôi sợ kẻ xấu sẽ vào trộm cá. Thuyết phục mãi không được, chiếc tàu nhổ neo chạy vào bờ. Khoảng mấy tiếng sau, trời trở gió, những cơn sóng biển bỗng trở nên hung hãn. Lúc này, tôi mới tin là có bão thật".
Cũng theo lời bà Sáu, khi biết bão đến, bà hướng tầm mắt ra phía xa như cầu cứu từ những chuyến tàu đánh cá về bờ nhưng không còn điểm sáng nào trên biển nữa. Bởi những người này đã "đánh hơi" được bão về. Ở phía xa xa, chỉ còn ánh sáng mờ mờ từ ngọn hải đăng lúc ẩn lúc hiện. Định lấy chiếc thuyền nan để chèo vào bờ nhưng quãng đường quá xa, có lẽ chỉ đi đến nửa đường bà sẽ bị sóng đánh vỡ thuyền. Biết không thể thay đổi được tình thế, bà Sáu vào nhà nằm cố thủ. Trời mưa tầm tã, gió vần vũ, gào rú trên bầu trời. Những cơn sóng lớn thi nhau vỗ vào hông ngôi nhà. Bà Sáu nằm dưới sàn nhà nổi trên người ôm chiếc phao và chỉ biết nhắm mắt cầu nguyện.
Đôi mắt còn hoảng hốt như vẫn đang trong "tâm bão", bà Sáu kể lại: "Một lúc sau, gió đã cuốn phăng chiếc mái tôn của tôi xuống biển. Lúc này, những giọt mưa nặng trịch từ trên cao rơi xuống như ai đó đang cầm đá ném mình. Tôi lấy chiếc tấm ván gỗ dưới sàn nhà che lên mình và cứ thế nằm im nghe tiếng sóng. Chiếc bè lắc lư như muốn hất tất cả những thứ trên lưng nó xuống đáy biển. Rồi, “thủy thần” cũng dần bóc đi chiếc lều tạm bợ của tôi. Lúc này, tôi đành phải ôm chặt chiếc cột nhà để không bị rơi xuống nước".
Hai ngày trôi qua, bà Sáu sống với những cơn mưa và nước biển mà không có bất cứ hạt cơm cũng như giọt nước ngọt nào vào bụng. Bà vẫn bám chặt lấy chiếc cột nhà dù cơn đói, khát đang hành hạ. Khi mà bà đã dốc hết hơi sức cuối cùng, sắp về với biển thì từ xa, tiếng chiếc tàu cứu hộ tiến đến. Muốn kêu cứu nhưng sao cổ họng mà cứ nghẹn đặc lại, miệng ú ớ không nên lời. Lúc được đưa lên tàu, bà mới dám cảm tạ trời đất rằng mình vẫn còn sống sót.
Người Bắc vào phương Nam sinh sống, có lẽ điều mà họ đáng sợ nhất là cái nắng nóng. Ở trên đất liền, cái nóng oi ả mùa hè đã khiến người ta nhăn mặt, huống gì đến những cư dân nhà bè. Căn nhà chật hẹp, cao chưa được 2m chỉ kê đủ chiếc giường và một cái bàn nhỏ ăn cơm chẳng khác nào cái lò bát quái mỗi khi mùa hè đến. Nói chuyện với chúng tôi, Nguyễn Duy An (SN 1991, cháu họ bà Sáu) cười bảo: "Anh chưa đến đúng mùa nóng thôi, chứ những ngày này, chúng em cực lắm. Ở đây, điện chạy bằng ắc quy nên không dám dùng quạt. Buổi trưa, khi tàu đánh cá đi qua, chúng em vẫy họ lại để xin đá viên lớn, rồi sau đó cho vào túi vải bọc lại, cứ thế nằm ôm mà ngủ. Nhiều khi ôm đá ngủ quên, lạnh đến nỗi không cựa được người. Theo "luật nhà bè", mỗi người chỉ được ôm đá ngủ 30 phút rồi lại thay ca. Còn ban đêm, em và em trai mắc võng ra sát mặt nước để ngủ cho mát. Nhiều khi nằm mơ rơi xuống nước là chuyện bình thường. Hai năm em sống ở đây, đã quá quen với cái nóng ở "lò bát quái" này rồi".
Đã hơn 10 cái Tết trôi qua, bà Sáu chưa biết đến việc đón giao thừa cùng người thân. Mặc dù ở với chồng hơn chín năm nhưng hai vợ chồng bà không có được một mụn con. Chính vì thế, nếu muốn sum họp cùng người thân bà phải lặn lội về tận Cần Thơ. "Anh em thằng An còn trẻ, tôi cho chúng nó về quê ăn Tết với gia đình. Ở lại, tôi nhờ người mua bánh chưng, mua con gà trống làm lễ, cúng “thủy thần” ở ngoài này. Hơn nữa, Tết Nguyên đán nhưng người nước ngoài đi du lịch rất nhiều, tôi cũng muốn ở lại bán cá kiếm tiền", bà Sáu bộc bạch.
Ốm cả tuần nhưng không có thuốc Cũng theo An (cháu bà Sáu), sống ở đây khốn khó, thiếu thốn đủ bề. Nhiều khi ốm cả tuần trời mà không có thuốc uống. Hàng ngày, họ chỉ biết đến thế giới bên ngoài qua chiếc đài cũ kỹ đã rè tiếng. Mỗi năm, bà Sáu cho hai anh em vào đất liền mua quần áo hai lần. Giáp Tết, An và em trai được về quê, còn bà Sáu phải ở lại trông nhà bè. |
Vương Chân