Tan nát gia đình vì một cuộc điện thoại?
Không khó khăn lắm để tìm được đến nhà gia đình người chồng cũ của cô giáo T. ở thôn Tân Ấp 2. Nếu nhìn bề ngoài, không ai có thể nghĩ được rằng ẩn sâu trong ngôi nhà kia là những tiếng thở dài và những giọt nước mắt, cùng nỗi niềm không nói thành lời của hai vợ chồng già là ông Nguyễn Thanh T. và bà Lê Thị H.. Thấy có khách, ông T. lập cập bước ra nhưng khi biết là PV đến tìm hiểu về cuộc sống gia đình cùng hai đứa con của cô giáo T., ông cứ đứng ngẩn người, không nói câu gì. Phải đến khi một đồng chí công an viên của xã Minh Tân nhắc lại, ông T. mới hiểu ra. Pha ấm trà mời khách, rồi từ từ vê bi thuốc lào, ông T. nói chẳng thành lời: "Vợ chồng tôi già là một nhẽ, nhưng cứ nhìn thấy hai thằng cháu mà buồn quá. Không biết tương lai sau này của chúng sẽ ra sao?".
Cũng theo lời của ông bà thì trước khi vợ chồng cô giáo T. (chồng chị T. là anh Nguyễn Hồng C.-PV) ly hôn năm 2010, giữa họ xảy ra nhiều khúc mắc. Thấy con cái chuẩn bị kéo nhau ra tòa, ông bà đã nhiều lần khuyên nhủ, bởi vợ chồng sống với nhau dù có hết tình thì vẫn còn nghĩa. Hơn nữa, cha mẹ bỏ nhau, khổ nhất sẽ là hai đứa con nhỏ. Không những khuyên nhủ, ông bà còn mời cả họ hàng, người thân để ra sức phân tích những điều hay, lẽ phải cho con hiểu... Cũng theo thông tin từ những người thân trong gia đình này, để níu kéo cuộc sống vợ chồng, anh C. cũng nhiều lần nói với chị T. hãy suy nghĩ lại mà đến tòa rút lại đơn ly hôn. Nhưng đáp lại khẩn cầu đó, chị T. vẫn một mực đòi "chia tay". Không còn cách nào khác, anh C. đành phải ra giao ước với vợ như sau: Nếu ly hôn, anh C. sẽ nuôi cả hai đứa con dù anh không có nghề nghiệp ổn định.
Bà H. và ông T. bên cháu Nguyễn Thành Nhật Ng.
Họ quen nhau từ cuối năm 2002, lúc này chị T. đang là giáo viên dạy hợp đồng tại trường cấp 1, xã Minh Tân. Sang năm 2003 hai người tổ chức đám cưới và cũng trong năm đó họ có cậu con trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thành Nhật Ng.. Thời gian này, cuộc sống gia đình họ rất vui vẻ, hạnh phúc vì công việc làm ăn của anh C. rất thuận lợi. Năm 2009, hạnh phúc càng nhân lên gấp bội, khi chị T. sinh hạ thêm một cháu trai tên Nguyễn Thành Thiên L.. Cứ ngỡ mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, nào ngờ nó lại xoay theo chiều ngược lại. Những cuộc cãi vã của hai vợ chồng trẻ thường xuyên xảy ra khiến cho cuộc sống gia đình ngày càng trở nên ngột ngạt. Theo bà H.: "Một lần đang nửa đêm, có một người gọi điện vào số máy của cái T.. Thấy thế thằng C. mới vặn hỏi là ai thì T. nói là không có chuyện gì và xóa ngay số điện thoại vừa gọi đến. Cũng chính vì thế, mâu thuẫn vợ chồng lại càng đẩy lên đến đỉnh điểm".
Đại từng đến dọa gia đình chồng cũ cô giáo T.
Tuy nhiên, sau khi ly hôn, chuyện mâu thuẫn, cãi vã giữa hai người vẫn không dừng lại. Lúc này, họ cãi nhau không phải vì chuyện kinh tế hay trai gái ngoài luồng mà chính là chuyện chăm sóc hai đứa con chung. Vì những bất đồng đó mà không dưới hai lần, anh C. đã hành hung cô giáo T.. Theo người thân của anh C. cho biết thì để đáp trả hành động của chồng cũ, chị T. đã thuê người về tận nhà ông bà T. ở Tân Ấp 2 để dằn mặt. Bà H. còn nhớ rất rõ, cách thời điểm xảy ra vụ án khoảng 1 tháng, chị T. cùng hai người đàn ông, trong đó có Lê Thanh Đại đến nhà và gặp bà (lúc này anh C. không có mặt ở nhà).
Trong lần gặp gỡ này, bà H. đã nói rất nhiều và mong muốn chị T. sẽ suy nghĩ lại vì con. Nhưng đáp lại, hai người đàn ông kia tỏ ra rất hằm hè. Thậm chí, Đại còn nói với bà: "Tôi đợi thằng C. về để xin nó đôi chân". Chỉ đến khi bà H. nhờ người báo lên chính quyền địa phương, nhóm người du côn này mới bỏ đi. "Rất may hôm đó C. không có ở nhà, nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra", bà H. cho biết thêm. Sau vụ bị hai kẻ lạ đến nhà dọa nạt, lo sợ hai đứa cháu nội có thể bị bắt đưa đi nên ông bà T. nghĩ ra một cách là cưa chấn song cửa sổ làm chỗ thoát hiểm mỗi khi thấy "động".
Ngôi nhà nơi hai vợ chồng già đang phải oằn mình chăm lo cho các cháu.
Gắng gượng sống vì cháu
Quả thật, không phải khi đến nhà, chúng tôi mới biết được gia cảnh của đôi vợ chồng già mà trước đó tại UBND xã Minh Tân, ông Trần Văn Mạnh, Trưởng công an xã đã cung cấp cho PV rất nhiều thông tin. Theo đó, ông T. là bộ đội về hưu, mỗi tháng được 6,5 triệu đồng (trong đó có cả tiền hỗ trợ chất độc da cam). Với số tiền này, nếu chỉ có hai vợ chồng già, có lẽ họ đã sống một cách an nhàn nhưng vì phải nuôi thêm 4 miệng ăn nên cuộc sống lại trở nên khó khăn. Không chỉ có thế, người con cả của ông bà là chị D. (SN 1968) lại mắc bệnh tâm thần. Vì mẹ bị bệnh, không thể lo cho con nên ông bà H. cũng phải có nghĩa vụ cáng đáng nốt việc chăm sóc đứa cháu ngoại năm nay học lớp 12. Tất cả chi phí ăn uống, nuôi 3 cháu ăn học đều do ông bà đảm đương vì những người thân của họ không ai được khá giả.
Ở cái tuổi lưng đã còng, gối đã mỏi, mắt không còn tinh nhanh nhưng để đảm bảo cho 6 người ăn uống sinh hoạt hàng ngày, ông bà H. vẫn phải đánh vật với 5 sào ruộng. Sáng tinh mơ, bà H. phải thức giấc nấu cơm rồi gọi 3 đứa cháu dậy để đi học. Nếu như con của chị D. đã có thể tự lo cho mình thì hai cháu Ng. và L. (con vợ chồng cô giáo T.) vẫn phải lo đủ thứ. Từ vệ sinh cá nhân, ăn uống, đưa đi học... mọi thứ đều đến tay ông bà. Bà H. tâm sự: "Lo cho các cháu cũng mệt lắm. Nhưng vì hoàn cảnh nó thế nên đành phải gắng gượng mà sống thôi".
Khi chúng tôi hỏi về cuộc sống bây giờ của anh C., bà H. buồn rầu cho hay: "Từ khi ly hôn, nó để hai đứa con cho vợ chồng tôi nuôi, để vào mãi tận Đăk Lăk làm việc. Nhưng lương ba cọc ba đồng, vài tháng mới gửi được đôi, ba triệu về nhưng đâu có đủ. Hôm rồi nó gọi điện bảo: "Không biết Tết này có tiền mà về quê không nữa". Chị Lê Thị Hương, cháu ruột của bà H. cũng cho biết: "Trước đây do làm ăn thua lỗ nên gia đình đã phải bán một mảnh đất để trả nợ cho vợ chồng C.. Nhưng vì không đủ nên chú T. đã phải thế chấp cả sổ lương, đến thời điểm này vẫn còn nợ hơn 100 triệu đồng nữa. Nếu cứ thế này, không biết rồi sẽ sống thế nào, chắc chú dì ấy phải bán cả căn nhà này để trả nợ mất".
Vì khó khăn nên tiền học cho các cháu, ông bà cũng phải đóng dần dần. Mới đây, do mỗi lần ốm, sốt cháu Nguyễn Thành Thiên L. thường lên cơn co giật nên bà H. đã phải đưa đến bệnh viện đa khoa Thái Bình để khám. Tại đây, các bác sĩ kết luận, cháu L. mắc chứng bệnh thiếu máu tiểu cầu. Muốn bệnh của cháu thuyên giảm chỉ còn cách đến bệnh viện điều trị tích cực, cộng thêm ăn uống điều độ. Nhưng điều đó quả là khó bởi trong nhà ông bà không phải lúc nào cũng có tiền.
Nhưng điều khiến bà H. lo lắng nhất chính là hai đứa cháu đang rất thiếu thốn tình cảm từ cha mẹ chúng. Trước đây, khi chị T. chưa mất, thi thoảng chị có đến chơi với con. Nhưng giờ, bố đang làm ở xa, mẹ lại không còn nữa, hai cháu sẽ cảm thấy rất hụt hẫng, trống vắng.
Kể về cô con gái đầu của mình, bà H. không giấu được nước mắt: "Vừa học xong cấp 3 thì nó (chị D. - PV) phát bệnh. Nếu có tiền đưa chạy chữa chắc bệnh tình không đến nỗi như bây giờ. Nhưng ngặt một nỗi nhà nghèo quá nên chỉ một thời gian điều trị, gia đình đành phải đưa chị về nhà. Đầu năm 1991, chị D. bỗng nhiên "mất tích", mãi sau chúng tôi mới biết, nó bị bọn khốn nạn đưa sang Trung Quốc, bán cho người ta làm vợ. Đến năm 1997, tôi sang tìm, mới biết nó đã có với người đàn ông kia hai đứa con. Đứa lớn sinh năm 1992 và cháu bé sinh năm 1995. Phải khó khăn lắm, tôi mới đưa được D. và một đứa con của nó về quê". |
Đào Giang