Năm 2012, Nguyễn Thị N. (thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh) – cô gái SN 1989, bị thiểu năng - từng bị “người tình” là Đoàn Văn. H (Việt Yên, Bắc Giang) lừa bán sang Trung Quốc.
Sau đó, N. tiếp tục bị nhóm đối tượng này gả bán cho một người đàn ông Trung Quốc để làm “vợ”.
Cuộc sống “vợ - chồng” của N. nơi xứ người kéo dài 6 tháng và được gia đình “giải cứu” rồi chuộc về Việt Nam. Khi đó, cái thai trong bụng N. đã được 2 tháng tuổi.
Nhận được thông báo của N. về cái thai trong bụng, chồng của N. bên Trung Quốc cũng rất vui mừng.
Ba năm sau ngày đứa trẻ ra đời, chúng tôi trở lại mảnh đất thị trấn Chờ thì hay tin, đó là một bé trai đã chào đời khỏe mạnh và hiện tại đang học lớp mẫu giáo gần nhà. Vì bé sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nên gia đình đặt cũng rất ý nghĩa: Việt.
“Cũng có người bảo sao không đặt tên nó là Việt Trung vì mang hai dòng máu nhưng tôi chỉ cười.
Hiện tại, Việt mang họ mẹ và được cả gia đình tôi yêu thương, chăm sóc hết mực. Mới 3 tuổi nhưng cháu rất lanh lợi, đi học về biết hát cho bà, cho mẹ nghe”, bà Toàn (mẹ ruột của N.) tâm sự.
Trong sự xót xa của một người mẹ đã ở cái tuổi ngoài 50, hằng ngày chứng kiến sự khờ khạo của đứa con gái út, chúng tôi thấy cả niềm vui khi xen lẫn ở đó là tiếng cười của đứa cháu nhỏ.
Bà Toàn bảo rằng, “con rể” của bà cũng đã từng về Việt Nam 20 ngày thăm “vợ” và con. Tuy nhiên, bà không đồng ý để con gái bà thêm một lần nữa đi sang xứ người.
“Gia đình nó đều là người tốt, bản thân nó cũng hiền lành. Họ cũng muốn đưa N. và Việt sang Trung Quốc nhưng chúng tôi không đồng ý”, bà Toàn chia sẻ.
Ngồi bên cạnh bà Toàn lúc này là cô con gái dại khờ ngày nào. Thấy mẹ nói chuyện với chúng tôi, N. chỉ cười.
- N. có nhớ chồng không? – tôi hỏi.
- Em có!
- N. có muốn quay về Trung Quốc với chồng không?
Sau câu hỏi này, N. chỉ im lăng rồi cúi đầu nhìn sang mẹ. Trong tâm khảm của người phụ nữ ấy vẫn mưu cầu về một hạnh phúc gia đình tròn đầy, bên người chồng đã từng “đầu ấp tay gối” với mình.
Trước câu hỏi ấy của chúng tôi, bà Toàn vội gạt đi: “Không đi đâu hết, ở nhà với mẹ, mẹ nuôi phải không N.?”.
Nói rồi, bà Toàn lại kể với chúng tôi câu chuyện đã thêm lần N. tự ý bỏ đi bắt xe với ý định quay lại Trung Quốc đoàn tụ cùng chồng. Khi đó bé Việt còn đang bú sữa mẹ.
Và giữa tình yêu thương của gia đình, N. vẫn sống đúng với thiên chức của một người mẹ, chăm lo, yêu thương con.
Vì con gái không được nhanh nhẹn như chúng bạn cùng trang lứa nên bà Toàn để con ở nhà phụ bà công việc gia đình và cắt lá, gói bánh tẻ...
“Chồng tôi đau yếu suốt, chỉ ngồi một chỗ. Tôi từ sau ngày bị gẫy chân cũng không làm được nhiều việc nặng nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhưng bù lại, lúc nào gia đình tôi cũng được sum vầy”, đó là tâm sự của một người mẹ, người bà luôn hết lòng yêu thương con cháu.
Quá khứ với những tháng ngày đầy lo toan, mỏi mệt đi hết nơi này nơi khác để tìm đứa con bị lừa bán sang Trung Quốc, quá khứ với những lúc bà Toàn tưởng như mình kiệt sức khi hay tin con bị lừa bán đi như thế... đã lùi xa. Giờ với bà, mỗi khi được ngắm đứa cháu ngoại nói, cười, hát, múa cho mình nghe, bà chỉ có hai từ luôn thường trực trong mình, đó là “hạnh phúc”.
Nguyễn Huệ