Mùa hè ở Siberia (Nga) rất ngắn. Trong năm, tuyết rơi kéo dài đến tháng năm và thời tiết lạnh trở lại một lần nữa vào tháng chín. Băng tuyết bao phủ rừng Taiga nhưng cảnh vật nơi đây vẫn toát lên vẻ đẹp tuyệt vời, trái ngược với những lớp băng lạnh lẽo và sự tàn phá của nó. Những triền thông trải dài dường như vô tận, rồi những cánh rừng bạch dương nằm rải rác với những chú gấu ngủ đông và thi thoảng là những tiếng tru lên của những con sói đói.
Núi dốc đứng, những con sông mang nước đổ vào khắp hang cùng ngõ hẻm thông qua các thung lũng, phải có đến một trăm ngàn đầm lầy băng giá. Rừng này là cuối cùng và lớn nhất của rừng nguyên sơ hoang dã của Trái đất. Nó trải dài từ mũi xa nhất của vùng Bắc cực thuộc Nga về phía Nam như Mông Cổ và phía đông của Urals đến Thái Bình Dương. Năm triệu dặm vuông của hư vô, dân số của tất cả các thị trấn có lẽ chỉ khoảng vài nghìn người.
Karp và con gái.
Phát hiện bất ngờ của đoàn thám hiểm
Siberia là nơi có trữ lượng dầu lớn nhất của Nga và đương nhiên cả nguồn tài nguyên khoáng sản vô tận. Nó cũng là nơi thu hút nhiều nhà thám hiểm và khoa học Nga. Karp Lykov và Agafia, con gái của mình, đang mặc trên người những bộ quần áo mới được tặng bởi các nhà địa chất Liên Xô (cũ) không lâu sau khi gia đình của họ đã được phát hiện.
Câu chuyện bắt đầu ở vùng rừng miền Nam xa xôi, đó là mùa hè năm 1978. Một máy bay trực thăng gồm các nhà địa chất được gửi đi với sứ mệnh khai khoáng và thăm dò địa chất. Viên phi công phát hiện phía trước trên sườn núi, một khoảng trống, xung quanh lá thông phủ đầy khiến dải đất trông như một cái rãnh được tạo ra bởi một biến cố thiên nhiên nào đó.
Ở đây có sự tồn tại của sự sống, tuy nhiên mọi người đều rất e dè, bởi vùng đất này hầu như vẫn chưa được ai đặt chân đến vì thiên nhiên quá khắc nghiệt. Từ đây đến khu dân cư gần nhất cũng phải hơn 150 cây số và chính quyền Xô Viết (cũ) không hề có hồ sơ của bất cứ công dân nào đang sống ở khu vực này.
Như những kẻ xâm nhập xa lạ, đoàn người từ từ men theo một lối mòn nhỏ có vẻ dường như có sự sống của con người, cuối cùng ở đằng xa một nhà kho nhỏ chứa đầy bạch dương hiện ra mờ mờ, gần hơn chút nữa, họ có thể thấy vỏ cây bạch dương được tách ra như những lát cắt vỏ khoai tây.
Cách đó một quãng là một con suối nhỏ, kế đó là một căn nhà gỗ được làm khá khéo, trên nóc nhà nào là đủ loại vỏ, rễ rồi lá cây xếp chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp đen đúa, nếu như không có khung cửa sổ nhỏ xíu, chẳng ai nghĩ đây là nơi con người sinh sống. Khi cả đoàn người vẫn đang nhìn nhau chưa nói nên lời thì cánh cửa khẽ kêu cọt kẹt, thì hình ảnh một người đàn ông nhuốm màu thời gian hiện ra trong ánh sáng ảm đạm của khu rừng.
Như trong truyện cổ tích, với đôi chân trần, tấm áo vá chằng chịt, chiếc quần cũng chả khá khẩm gì hơn với cùng một chất liệu và cũng vá không biết bao nhiêu chỗ. Người đàn ông có bộ râu xồm xoàm, mọc tua tủa, trễ nải. Tóc thì rối bời một cách tự nhiên. Có lẽ người đàn ông hơi bất ngờ và có chút sợ hãi, để phá tan không khí e dè, Pismenskaya nhà thám hiểm nở một nụ cười và cất tiếng: "Chào bố, chúng con đến thăm bố đây !" Giọng "người Tuyết" nói chắc chắn và trầm: "Vâng, các bạn đã đi cả một chặng đường dài đến, vậy mời các bạn vào đây!".
Bên trong căn nhà là các đồ vật làm bằng tay, sàn nhà đầy vỏ khoai tây và vỏ cây thông lạc. Nhìn xung quanh trong ánh sáng lờ mờ, không khí phảng phất mùi ẩm mốc, tuy không được vệ sinh cho lắm nhưng ngạc nhiên thay, phải có đến 5 người cùng sống trong "cái hang nhỏ này". Sự im lặng đột nhiên bị phá vỡ bởi những tiếng nức nở và than khóc. Bóng của hai người phụ nữ xuất hiện, một người trong trạng thái kích động, miệng liên tục cầu nguyện: "Này là cho tội lỗi của chúng tôi, tội lỗi của chúng tôi"; còn người kia nép mình trong góc, từ từ lả xuống mặt đất.
Thanh trừng và trốn chạy
Chừng nửa tiếng sau, cánh cửa gỗ kêu cọt kẹt, người đàn ông lại hiện ra, đi sau ông có lẽ là hai cô con gái, tuy rằng không còn sự cuồng loạn nhưng nét sợ hãi vẫn hiện lên trên nét mặt pha chút tò mò của họ. Rất thận trọng, ba người ngồi xuống từ từ, họ từ chối cả mứt, trà, bánh ngọt lẫn bánh mỳ. Pismenskaya - hỏi nhẹ nhàng: "Các bạn đã từng ăn bánh mỳ chưa vậy?". Người đàn ông thì thầm: "Tôi đã từng ăn rồi nhưng chúng nó chưa hề được biết đến những thứ này".
Hai cô gái lẩm bẩm: "Chúng tôi không được phép". Mọi người hiểu rằng, các cô nói thứ ngôn ngữ bị bóp méo bởi cuộc sống bị cô lập hoàn toàn. Họ nói chuyện với nhau, từ ngữ phát ra đứt đoạn, khó nghe và giống những tiếng thì thầm hơn là tiếng nói chuyện.
Dần dần, qua nhiều lần nói chuyện ngắt quãng, toàn bộ câu chuyện của gia đình hiện ra. Tên của ông là Karp Lykov và ông là một cựu tín hữu-thành viên của một giáo phái chính thống cực đoan ở Nga, thờ cúng một phong cách riêng không thay đổi kể từ thế kỷ 17. Trong cuộc thanh trừng tôn giáo năm 1930, Lykov quyết định mang gia đình bé nhỏ của mình ẩn sâu vào rừng.
Năm 1940, họ chào đón thành viên mới của gia đình là Dmitry và Agafia năm 1943. Kể từ đó, tất cả thành viên trong gia đình không hề được tiếp xúc với một người nào khác. Mọi thứ mà những đứa con được biết là qua lời kể của cha mẹ. Cách giải trí duy nhất là mọi người sẽ kể lại những giấc mơ của mình thay cho những câu chuyện phiếm hàng ngày.
Hành trình cô lập với thế giới văn minh quả là nghiệt ngã với gia đình Karp Lykov. Họ neo thuyền theo dòng Abakan. Chuyến thăm tìm hiểu chính thức của Peskov (Giám đốc cuốn Biên niên sử Siberia) thì đúng như vậy. "Chúng tôi đã phải trải qua quãng đường hơn 250 cây số mà không hề nhìn thấy một bóng người.
Để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt như vậy, cả gia đình họ đều phải tự lực cánh sinh. Họ dần thay thế vật dụng mang đi bằng những đồ tự chế, vỏ bạch dương thay cho giày, quần áo vá nhằng nhịt cho đến khi không mặc được nữa thì được thay bằng vải gai. Bánh xe dệt vải tự chế là hệ thống làm nên toàn bộ quần áo cho cả nhà. Nó cứ theo gia đình Lykovs hết nơi này đến nơi khác. Vài chiếc ấm nước mang theo cuối cùng cũng không chống lại được quá trình oxy hóa muôn thuở, chúng trở nên rỉ sét, cuối cùng Lykov phải lót vỏ bạch dương ẩm mỗi khi nấu ăn. Việc này cũng chẳng tồn tại được lâu.
Thế là, mỗi lần nấu ăn là cả một quá trình gian khổ của gia đình "người Tuyết". Sau này món ăn chính của gia đình là chả khoai tây trộn lúa mạch đen kèm với hạt giống cây gai dầu. Ngoài những khó khăn để mưu sinh, rừng Taiga cũng đem lại vài lợi ích cho gia đình khốn khổ này, đến mùa họ có thể tích trữ quả việt quất, mâm xôi, củi thì bạt ngàn, hạt thông thì rơi đầy trên mái nhà...", vị giám đốc cuốn Biên niên sử kể lại.
Lạ lùng mầm sống từ một hạt lúa mạch
Cuộc sống đầy thiếu thốn như thế vậy mà gia đình Lykovs đã sống sót. Đến cuối những năm 1950, Dmitry cậu con trai lớn, đến tuổi trưởng thành và những cuộc đi săn dần kiếm được nguồn thức ăn cho gia đình. Không có súng, hoặc cung, họ chỉ còn cách đặt bẫy hoặc đuổi theo con mồi đến khi chúng kiệt sức. Ngay đến các vận động viên cừ khôi nhất cũng phải ngả mũ thán phục Dmitry trẻ tuổi, anh có độ bền sức khoẻ đáng kinh ngạc. Mùa đông anh cũng đi săn bằng chân trần. Đôi khi vài ngày, anh mới trở về nhà trong cái lạnh âm 40 độ giá buốt và mang trên vai con nai sừng tấm!
Tuy nhiên, các cuộc đi săn ít dần theo thời gian, thịt ít dần đi, chế độ ăn uống trở nên ngày càng đơn điệu trong khi động vật hoang dã thi thoảng lại phá cây trồng của họ. Trước đó, họ đã từng phải ăn lá, rễ cây, nấm, ngọn khoai tây và vỏ cây để sống qua ngày...
Cái đói là một nỗi sợ hãi cả về vật chất lẫn tinh thần trong gia đình "người Tuyết" này. Tháng 6 năm 1961, tuyết rơi một cách bất ngờ, giá rét mang đi tất cả mầm sống trong vườn nhà Lykovs. Mùa xuân, cả nhà phải ăn giày và vỏ cây. Bà mẹ Akulina tội nghiệp chấp nhận nhìn các con ăn và đó là năm bà chết vì đói. Phần còn lại của gia đình đã được cứu bởi những gì họ coi là một phép lạ: Một hạt mầm duy nhất của lúa mạch đen mọc trong miếng vá quần áo.
Cả nhà Lykovs cùng giữ gìn mầm sống này, khi lớn lên một chút họ mang ra ươm vào đất và bảo vệ nó khỏi sóc và chuột cả ngày lẫn đêm. Vào thời điểm thu hoạch, các cành lúa mạch đơn độc mang lại 18 hạt ngũ cốc và từ đây họ lại cặm cụi gây giống lại cây lúa mạch đen.
Lykovs sống trong ngôi nhà gỗ nhân tạo, chỉ có một cửa sổ nhỏ. Trong nhà có một lò sưởi nhỏ đốt bằng củi, khói bốc lên đã ám muội, đổi màu. Bốn nhà khoa học được cử đi thăm dò quặng sắt thầm thở phào khi bắt gặp cảnh tượng đó. Cả đoàn cắm trại cách đó khoảng 10 dặm, vào một ngày đẹp trời họ quyết định khám phá khi mà vẫn chưa gặp được chủ nhân thực sự. Galina Pismenskaya, dẫn đầu đoàn đến căn nhà gỗ hôm trước, đặt một gói quà phía ngoài cửa cho những người bạn tiềm năng, chưa biết mặt. Tuy nhiên, khi đến gần, bà vẫn cẩn thận kiểm tra lại khẩu súng lục giắt bên hông. |
Bảo Long