Ba lần tự vẫn không thành vì nỗi đau da cam
Có lẽ, hạnh phúc lớn nhất trong đời người phụ nữ là rạng rỡ trong ngày lễ vu quy về nhà chồng và sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Nhưng cuộc đời không ban cho bà có được niềm hạnh phúc ấy. 19 tuổi, bà theo chồng về trong một đám cưới không có lễ rước dâu, không có lời chúc phúc của bà con, họ hàng. Một năm sau, chồng bà bị bắt đi quân dịch ở tận Quảng Trị. 2 tháng sau, ông trở về với cây nạng gỗ và những mảnh bom đạn còn găm trong cơ thể.
Năm ấy, bà mang thai người con đầu lòng. Cuộc sống của hai vợ chồng khó khăn, vất vả, lại không nhận được tình yêu thương, sẻ chia từ gia đình chồng khiến bà đâm ra nghĩ quẩn, dùng thuốc trừ sâu để tìm đến cái chết. May thay, bà được hàng xóm phát hiện và mang vào bệnh viện cấp cứu. Sau đó, bà sinh được một người con gái đặt tên là Lâm Kim Liên, trong niềm hân hoan, chờ đón của hai vợ chồng. Vài tháng đầu, chị Liên vẫn phát triển như những đứa trẻ bình thường. Nhưng càng về sau, chị có dấu hiệu của một người não không phát triển, cả ngày không nói không cười, rồi cứ thế chị nằm một chỗ cho đến bây giờ. Chị cũng là người con sống bên bà lâu nhất trong 7 người con bị bại não của bà.
Bà Đào Thị Kiều
Lúc đó, hai vợ chồng bà không hề biết gì về nguyên nhân thực sự khiến chị Liên mắc bệnh như vậy. Hai vợ chồng bà cứ nghĩ chắc mình ăn ở không có đạo đức nên sinh ra người con bị tật nguyền. Nhưng cũng tự an ủi nhau rằng rồi mình sẽ sinh thêm những đứa con nữa, chúng sẽ khỏe mạnh, xinh xắn như bao đứa trẻ khác. Rồi người con thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5… lần lượt ra đời. Mỗi lần, tia hy vọng có một đứa con khỏe mạnh của ông bà lại vơi đi một ít. Nước mắt bà cũng theo đó mà lặng lẽ rơi cho những người con và số phận của mình. Lần thứ 2, bà có ý định tử tử lúc chồng đang ngủ, nhưng vừa đưa bát thuốc lên uống thì chồng bà tỉnh giấc và phát hiện kịp.
Chồng bà cũng vì thế mà quyết định ăn chay trường để cầu mong trời phật ban cho mình một đứa con khỏe mạnh. 7 người con tàn tật, cả ngày chỉ nằm một chỗ ú ớ không ra lời, thêm chồng bà đau ốm liên miên do những di chứng của chiến tranh để lại, một mình bà chèo chống nuôi cả gia đình. Bà ngược xuôi hết vác búa đi đập đá làm đường, lại lặn lội đi làm thuê làm mướn kiếm tiền mua gạo và thuốc thang cho gia đình. Bà kể rồi bà lại khóc. Những khó khăn và đau khổ ấy khiến bà đã có lúc lại muốn tìm sự giải thoát cho bằng một giấc ngủ mãi mãi. Một tối, chồng bà chuẩn bị đón xe đi xuống miền Tây để làm ăn. Trước khi chồng đi, bà nói bâng quơ với chồng: "Anh mất trước em thì thôi. Nếu anh mất sau thì anh đào cái huyệt giữa mái nhà tôn này chôn mấy mẹ con em. Cái nhà mà vợ chồng mình cực khổ lắm mới lợp tôn được để những khi trời mưa các con không bị nước mưa tạt vào".
Chồng đi rồi, bà ở nhà khóa cửa lại, hòa thuốc sâu vào một cái bát đủ cho mấy mẹ con uống. Nhưng chồng bà lỡ xe nên đứng ngồi không yên, hối hả về nhà đạp cửa vào thấy bà đang bưng bát thuốc kề miệng của chị Liên. Ông đã quỳ xuống mà van xin bà đừng làm vậy. Bà buông rơi bát thuốc, hai vợ chồng ôm lấy nhau mà khóc. Rồi họ an phận mà sống qua ngày, lần lượt tiễn những người con bất hạnh bỏ họ mà đi. Rồi trong họ lại bừng lên tia hy vọng, niềm tin vào điều kỳ diệu của cuộc sống khi cô con gái út Lâm Ngọc Nh. chào đời, lớn lên với hình hài bình thường và khỏe mạnh. Nhưng niềm vui ấy cũng không trọn vẹn.
Bà Kiều cùng người con gái bị nhiễm chất độc da cam tật nguyền còn sống (Lâm Kim Liên)
Những giọt nước mắt cuối đời
Khi chúng tôi đến, chỉ có mình bà ở nhà với người con gái đầu bị tàn tật duy nhất còn sống. Mang những tấm hình ngày Lâm Ngọc Nh. nhận bằng tốt nghiệp đại học ra, giọng bà hân hoan: "Em nó tốt nghiệp xuất sắc năm ngoái rồi, được nhà trường giữ lại làm việc luôn. Con bé là niềm tự hào và cũng là niềm an ủi lớn nhất của cuộc đời tôi. Nhưng rồi, đến tấm hình cô chụp với một người con trai, giọng bà chùng xuống: "Cậu này là bạn trai của con bé, có đi rượu rồi. Nhưng giờ thì hai đứa đã chia tay. Vì năm 2011 thì Ngọc Nh. được bệnh viện phát hiện ra những dấu hiệu cũng bị nhiễm chất độc da cam. Chỉ may mắn là em bị nhẹ hơn các anh chị của mình".
Chưa kịp chia sẻ niềm vui với bà, chúng tôi đã hụt hẫng khi nghe những lời tiếp theo của bà, đủ để chúng tôi hiểu nỗi đau khổ, tuyệt vọng đến tột cùng của một người mẹ khi biết tin về sức khỏe của con mình. Nhưng dường như ở một người đã đi qua quá nhiều bất hạnh, đắng cay như bà, cũng đã cạn cùng nước mắt để than khóc và oán trách số phận. Hoặc chăng là bà cũng còn được một chút an ủi, là Lâm Ngọc Nh. vẫn có thể tự lo cho bản thân mình. Công việc của em hiện tại vừa đủ tiền để mỗi tháng đều đặn lên bệnh viện Chợ Rẫy tái khám một lần.
Nhìn cô gái mảnh mai với nụ cười tươi như hoa ngày tốt nghiệp, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Trước ngày nhận bằng, Ngọc Nh. bị sốt liên miên, nhưng bà Kiều chỉ nghĩ rằng con lo học nhiều quá mà bị cảm. Ngày nhận bằng, em đi không vững đến nỗi bạn bè phải dìu lên bục. Ngay chiều hôm đó, em bị ngất xỉu phải đưa vào cấp cứu ở bệnh viện Đồng Nai. Tại đây, các bác sĩ phát hiện ra em có bướu ở cổ cần phải mổ. Do hoàn cảnh nhà neo đơn, khi đó, bà lại vừa bị đứt chân do đi làm đồng không cẩn thận phải khâu mấy chục mũi, nên Ngọc Nh. xin về nhà uống thuốc rồi quay lại bệnh viện sau.
Nhưng em uống thuốc rồi nằm bệnh viện Đồng Nai tới 2 tháng trời mà vẫn không hết sốt. Chuyển lên bệnh viện Ung Bướu TP.HCM thì phát hiện có một đoạn xương chắn ngang dây thần kinh cổ, nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân khiến em bị sốt liên miên. Về nhà, bà Kiều có ý định đưa em đi bệnh viện tiếp, nhưng sau những tháng ngày mệt mỏi, đau đớn vì hàng trăm xét nghiệm, Ngọc Nh. đã bật khóc nói với bà rằng: "Mẹ chở con đi nữa là con chết liền vì không chịu nổi những xét nghiệm nữa. Chắc phận số con với mẹ đến đây là hết". Bà chỉ biết ôm con mà khóc ròng.
Chia tay bà, chúng tôi chỉ biết cầu mong cho điều kỳ diệu của cuộc sống sẽ đến với bà thêm một lần nữa. Để Lâm Ngọc Nh. có đủ nghị lực để đi tiếp chặng đường dài phía trước, là chỗ dựa cho mẹ và chị của mình. Để nỗi đau da cam nơi gia đình bà được xoa dịu, dù chỉ là một chút thôi.
Hương Lam