Những "đại gia tương lai" ấy chỉ dám chi mỗi ngày 7.000 đồng tiền ăn, mấy chục người sống tụ tập với nhau trong căn nhà trọ tồi tàn, chỉ dám mua loại mỳ tôm rẻ tiền nhất...
Ăn mỳ tôm hát mộng làm giàu
Từ thông tin bạn đọc Lê Thị T. (người vừa có cuộc "giải cứu" con gái) cung cấp, chúng tôi tìm đến đường Hàn Lâm (thôn Phương Độ - phường Hồng Châu - TP. Hưng Yên). Không khó để tìm đến vì ở thành phố Hưng Yên hầu như ai cũng biết đến "trung tâm đa cấp" này. Thế nhưng không giống như những đội nhóm bán hàng đa cấp ở nơi khác, chúng tôi khá vất vả để tiếp cận được với những thành viên đang tham gia hệ thống bán hàng đa cấp ở đây. Hỏi ra mới biết, sau vụ "giải cứu" con gái lần trước của chị T., những nhà trọ ở đây "thiết quân luật" bằng việc nâng cao cảnh giác với người lạ.
Con phố Hàn Lâm dài chưa tới 1km nhưng có những lúc lên tới 500 người bán hàng đa cấp thuê trọ. (Ảnh An Du)
Chị T. cho chúng tôi số điện thoại của H., (SN 1988, quê ở Tương Dương - Nghệ An) là một trong những người lớn tuổi nhất trong dãy trọ. Qua vài tin nhắn trao đổi, làm quen H. đã đồng ý gặp chúng tôi với điều kiện rủ thêm bạn cùng đi.
Khi gặp H., tôi mời H. và My bạn của H. đi ăn trưa. Trên đường đi, H. bật mí: "Hôm nay em phải về sớm đấy nhé, vì chỉ xin anh nhóm trưởng đi được 2 tiếng thôi". Tôi hỏi "nhóm trưởng của em chắc khó tính và cũng lớn tuổi rồi nhỉ".
Lúc này H. mới bắt đầu thao thao về "thần tượng" của mình, vị nhóm trưởng kia ít hơn cô 2 tuổi nhưng vì là "lãnh đạo" nên mới gọi bằng anh. "Anh ấy là một người rất thành công, bình thường anh ấy dễ tính, nhưng hôm nọ có một cô đến đây đón con gái về, không cho làm ở đây nữa nên nhóm trưởng quản lý chặt hơn, khắt khe hơn trong việc giờ giấc tự do của từng người", H. kể.
H. cho biết thêm hiện tại cô đang là học viên, đang được đào tạo, sau 6 tháng nữa thì mới được ký hợp đồng với công ty TNHH TM Lô Hội (có địa chỉ ở đường Giang Văn Minh - Ba Đình - Hà Nội) khi đó lương của cô sẽ rất cao. Tôi hỏi "cao bao nhiêu?", H. nhanh nhảu đáp "trên chục".
Sau câu chuyện ban đầu, H. cởi mở và thân quen hơn, cô tâm sự "trước em làm kế toán ở xã, nhưng được 2 năm thì thất nghiệp. Tháng 8 vừa rồi có chị họ cùng quê rủ ra đây làm kinh doanh, đang thất nghiệp nên đi luôn. Được hơn 10 triệu tiền tích cóp sau 2 năm đi làm thì nộp 8,5 triệu vào công ty để mua sản phẩm. Số tiền còn lại chi tiêu dè xẻn từ đó đến giờ". H. cho biết thêm, nhà trọ cô ở có 4 phòng nam 2 phòng nữ, tổng cộng gần 40 người. Đa số sinh năm 1994 - 1995, hầu hết đều là người dân tộc Thái, Mường ở miền tây Nghệ An.
Riêng H. lớn tuổi nhất nên được mọi người phong là "mẹ" của cả phòng. Hàng tháng, mỗi người góp 600.000 đồng bao gồm tiền trọ và tiền ăn. Tính ra, mỗi người mỗi ngày chỉ được ăn 2 bữa với tổng số tiền không tới 7.000 đồng. Nói tiếng Kinh còn chưa sõi, H. thỏ thẻ: "Nói thật với anh, 3 tháng nay em chưa được ăn bữa cơm nào có thịt, chỉ toàn rau muống với đậu phụ. Giờ nhìn thấy hai món ấy em chỉ buồn nôn. 3 tháng em sụt mất 4kg".
H. bảo 3 tháng rồi không biết đến miếng thịt. (Ảnh Hà Khê)
Sự thật trần trụi
Sống bầy đàn, em nhắn tin gạ tình chị H. cho biết, không biết những xóm trọ khác như thế nào, nhưng nhà trọ của cô có 4 cặp đôi yêu nhau, họ tình tứ lắm, tất cả đều cùng quê ở Nghệ An. H. bảo "em phải thành công đã thì mới tính đến chuyện yêu đương, thế mà vẫn có mấy nhóc sinh năm 92 - 93 đêm đêm nhắn tin gạ tình em đấy". |
Ăn cơm xong, tôi ngỏ ý muốn H. dẫn về phòng trọ chơi cho biết, nhưng H. chần chừ một lúc rồi từ chối khéo: "Phòng em đông người và bừa bộn lắm, anh vào không tiện đâu". Nhìn đồng hồ H. mới sực nhớ đã hết giờ "giới nghiêm" nên nhờ tôi chở về. Nhìn từ bên ngoài, nhà trọ H. ở rất nhếch nhác, tồi tàn, bát đũa, nồi niêu vứt chỏng chơ ngay lối vào. Phía cuối dãy, chỉ có một nhà vệ sinh và nhà tắm bé tẹo, hôi thối. Không hiểu, với gần 40 con người, họ sẽ sống, sinh hoạt và làm giàu như thế nào trong ngôi nhà ấy?
Đợi dáng nhỏ liêu xiêu của H. đi khuất vào xóm trọ, chúng tôi vào uống nước ở cửa hàng tạp hoá số 30 (Hàn Lâm), đối diện với nhà trọ của H. Bà chủ quán cho biết thêm một số thông tin khá thú vị, những "sinh viên đa cấp" (cách bà chủ quán nói đến những người bán hàng đa cấp ở đây - PV), tiết kiệm lắm, từ nhóm trưởng đến thành viên chỉ dám ăn bánh mỳ 3.000 đồng, mỳ tôm thì không dám mua loại Hảo Hảo 4.000 đồng mà chỉ mua mỳ Kokomi giá 3.000 đồng thôi".
Dứt lời, một cô bé trông mặt khá xinh nhưng đi chân đất vào mua hàng "bà bán cho cháu 2 gói mỳ Kokomi ạ", thấy cô bé đã cầm hai gói mỳ trên tay nhưng vẫn liếc nhìn mấy quả trứng gà bên cạnh, chủ quán vội bảo "cháu mua thêm gì nữa không". Lưỡng lự vài giây, cô bé lắc đầu rồi mang hai gói mỳ về. Chủ quán quay sang tôi mỉm cười "cậu thấy tôi nói đúng chưa".
Liên quan đến tình hình đội nhóm bán hàng đa cấp tạm trú tại địa bàn, ông Trần Văn Hào, trưởng thôn Phương Độ (Hồng Châu - Hưng Yên) cho biết, khoảng đầu năm nay, rất nhiều thanh niên ở Nghệ An kéo nhau về đây thuê trọ. Lúc cao điểm nhất lên tới 500 người, chiếm 1/3 dân số của thôn Phương Độ.
"Tự dưng tập trung đông người như vậy thì không tránh khỏi những lộn xộn, chúng tôi phối hợp với công an tiến hành kiểm tra hành chính liên tục, nếu có những sai phạm thì xử lý ngay lập tức. Thời gian gần đây, chúng tôi quản lý chặt hơn nên số người bán hàng đa cấp trọ ở đây giảm xuống còn khoảng 250 người", ông Hào cho biết.
Hà Khê - An Du