Một đồng lương gánh trăm mối lo
Nói đến ngành công nghiệp của tỉnh Phú Thọ không thể không nhắc đến TP. Việt Trì - nơi tập trung hai khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) lớn nhất nhì của tỉnh. Điển hình là KCN Thụy Vân đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Trong cái lạnh của miền Bắc những ngày đầu năm 2013, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến thăm một số khu nhà trọ ở các thôn xung quanh KCN Thụy Vân. Chị Ngọc quê ở huyện Tam Nông làm việc cho một công ty may cho biết, do xóm trọ đông, lại ở một mình nên đêm đến là chị cửa đóng then cài chứ không dám ra ngoài vì sợ thanh niên nơi khác đến chơi trêu chọc, chưa kể một số đối tượng nắm rõ được thời điểm gần tết công nhân lĩnh lương, tiền thưởng để rình mò trộm cắp.
Đang nấu bữa tối ở phòng bên cạnh, chị Hà, một công nhân làm việc cho một nhà máy chế biến gỗ trong KCN cũng xen vào câu chuyện, chị chia sẻ: "Là công nhân nữ nên việc bị trêu đùa là chuyện thường, nhưng việc ấy không sợ bằng bị mất trộm hay bị công ty dọa sẽ cho nghỉ việc vì phải cắt giảm công nhân do làm ăn thua lỗ, thiếu nguyên liệu. Công ty thì nhiều lý do lắm, chúng tôi người làm thuê, họ cho làm đến bao giờ thì vui đến lúc đó thôi. Thậm chí, nghe đâu, do tình hình kinh tế khó khăn, chưa chắc năm nay công nhân công ty đã có tiền thưởng tết". Chị Hà đang hết sức phân vân với kế hoạch về quê ăn tết năm nay.
Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy tình trạng công nhân bị mất trộm thường xảy ra nhất vào những ngày cuối tháng và đầu tháng vì khi đó họ mới lĩnh lương. Đang cầm trên tay chiếc ví đếm tiền mua thức ăn thấy chúng tôi chị Dương vội quay ngoắt và giấu kín. Trò chuyện chúng tôi mới biết lúc đầu, chị Dương tưởng chúng tôi là... đám cướp giật! Chị cho biết, vào buổi chiều tối khi các chị em tan ca đi chợ là thời điểm bọn cướp giật tung hoành nhiều nhất, đã có nhiều trường hợp đi chợ mà chưa đến chợ đã mất tiền.
Rời KCN Thụy Vân, chúng tôi ngược quốc lộ 2 khoảng 20km số đến CCN Đồng Lạng, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ để tìm hiểu về cuộc sống của bà con nơi đây. Chỉ vào một ngõ nhỏ treo rất nhiều tấm biển cho thuê phòng trọ một người dân xã Phù Ninh cho biết, thời gian gần đây nhiều công nhân bị sa thải, hoặc không được trả lương nên đã nghỉ việc hết, phòng trọ trống đầy, hàng quán thì ế ẩm.
Cảnh tượng đìu hiu thê thảm trong các KCN những ngày tết gần kề.
Mục sở thị, cánh phóng viên tìm đến những hộ dân sinh sống xung quanh CCN thì tình cờ gặp bà Khuất Thị Vượng, khu 3, xã Phù Ninh, bà cho biết: "Tết đã gần kề mà tôi cùng 18 người nữa bị công ty cho thôi việc không biết làm gì để kiếm sống nữa, tôi làm việc cho họ 1 năm 3 tháng, có hợp đồng hẳn hoi nhưng khi nghỉ không được trả bảo hiểm. Công ty tôi làm việc là Công ty chế biến cao lanh, trước kia có hơn 40 người làm, giờ chỉ còn hơn chục".
Lê thê chờ tái định cư
Từ TP.Việt Trì qua cây cầu sắt lái xe đi tay lái ngược là đến địa phận phường Bạch Hạc - nơi có CCN Bạch Hạc đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khoảng 5 năm nay. Trong căn nhà dột nát xiêu vẹo chống đỡ tứ phương, bà Ngô Thị Dẫn cho biết: "Gia đình tôi sống trong ngôi nhà tạm bợ này đã mấy năm rồi, muốn chuyển đến nơi ở mới lắm chứ. Khổ nỗi nơi ở mới chỉ có đất, tiền đền bù đã nhận từ lâu và sử dụng vào mục đích sinh hoạt hàng ngày, giờ lấy đâu tiền xây nhà mới".
Trong câu chuyện với chúng tôi hầu hết toàn dân tổ 17, 18 phường Bạch Hạc đều chung một mong muốn là chính quyền địa phương bớt chút thời gian xuống nói chuyện với người dân để đi đến một thống nhất trong việc đền bù và tái định cư để phát triển CCN Bạch Hạc. Có như thế người dân mới an tâm làm ăn, phát triển kinh tế.
Lý giải về việc chuẩn bị khu tái định cư chậm tiến độ ông Hà Tất Lợi, Phó giám đốc công ty Phát triển Hạ tầng cho biết: "Vấn đề giải phóng mặt bằng hơi chậm dẫn đến bà con có ý kiến, nên năm 2011 sau khi họp các sở, ban, ngành đã hỗ trợ trượt giá 50% trị giá vật kiến trúc so với giá năm 2007, sau đó tổ chức chi trả cho bà con, nhưng bà con chưa thỏa đáng nên có người nhận, người không".
Về quỹ đất ở cho người dân tái định cư, ông Lợi cho hay: "Hạng mức đất ở thực tế theo luật quy định thì quỹ đất đền bù thấp, do quỹ đất không có. Còn nói mặt bằng thấp dẫn đến ngập úng, thì thực chất căn cứ vào quy hoạch chung của thành phố, vì khu trước, giai đoạn 1 đã có dân ở, nếu xây dựng khu mới mà cao hơn thì không được. Còn vấn đề ngập úng thì thực chất hơn chục năm nay chưa hề có ngập úng".
Được biết, khi tiến hành thu hồi đất có một số hộ dân có diện tích thu hồi khoảng 200 - 300m2, những hộ ở đất mượn (không có sổ đỏ), đất quỹ 2 của địa phương, khi bố trí tái định cư chia ra các lô đất khác nhau, nếu thu từ 200 - 300m được bố trí tái định cư 200mt, dưới 150 thì tái định cư 100m, nhưng hộ không có đất thì bố trí 80m, với những trường hợp ở mức trung bình thì cấp trung bình họ không nói gì, còn những hộ ở mức cao nhưng được cấp ít hơn thì họ không chấp nhận.
Tiền tỷ... đóng đông
Với hai KCN trọng điểm của tỉnh là Thụy Vân và Trung Hà thì có Thụy Vân cơ bản đã được lấp đầy diện tích đất. Còn tại KCN Trung Hà dù được sinh ra đã lâu nhưng đến nay chỉ có hai nhà máy hoạt động những vẫn chưa sử dụng hết số diện tích được hai nhà máy này đầu tư. Bên cạnh đó nhiều diện tích đã được san lấp mặt bằng rồi bỏ hoang.
Có thể nhìn thấy rõ sự lãng phí nhất là tại CCN Bạch Hạc, ngoài một số nhà máy được đầu tư và đi vào hoạt động thì tại thời điểm chúng tôi có mặt đầu tháng 1/2013 hàng chục ha đất đã được chủ đầu tư thuê để xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép hiện đã bỏ hoang 5 năm nay. Một số người có mặt tại bãi đất hoang hóa tự xưng là bảo vệ cho rằng: "Cả khu vực này, với nhiều hệ thống máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nhà ở đã được xây dựng xong phần móng cách nay 5 năm nhưng không hiểu vì lý do gì đơn vị thi công lại dừng lại".
Chính sự chậm trễ của nhà máy chế biến phôi thép này đã khiến nhà máy cán thép Sông Hồng cạnh đó phải sản xuất cầm chừng vì thiếu nguyên liệu. Thêm nữa là hàng chục ha đất bỏ hoang, máy móc thiết bị hư hỏng, móng nhà còn trơ lại khung thép mà theo những người bảo vệ nói thì đây là: "Trận địa hoang tàn sau trận chiến của Nguyễn Huệ ngày xưa để lại".
Đó là chưa kể việc một số doanh nghiệp lợi dụng vào chính sách thông thoáng và cả sự thiếu thận trọng của tỉnh Phú Thọ, nhà đầu tư đã tìm đến đầu tư ở các KCN, họ được miễn, giảm thuế hoặc chậm nộp thuế; được vay vốn ưu đãi, được hỗ trợ lãi suất vốn vay được trợ giúp miễn phí các thủ tục đầu tư; được miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc; được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn trong 3 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm tiếp theo).
Theo tìm hiểu của phóng viên, những nhà máy của một số doanh nghiệp xây dựng lên tại CCN Đồng Lạng chưa một ngày hoạt động đã bỏ hoang bởi thiết bị máy móc cũ kỹ, lạc hậu, hoặc thiếu nguyên liệu, các sản phẩm làm ra không còn phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, dẫn đến một số công ty nước ngoài đã bỏ về nước gây tổn thất lớn về kinh tế cho tỉnh Phú Thọ.
Chia sẻ với chúng tôi về sự lãng phí trông thấy này, ông Thiều Vinh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ nói: "Rút kinh nghiệm từ những năm trước, KCN Trung Hà không thu hồi cùng lúc mà lấp đầy đến đâu thì mới thu hồi đất đến đó. Khu Đồng Lạng kín nhưng hiệu quả sản xuất thấp. Ngày trước, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư và họ kêu gọi người bên họ vào, nhưng sau khi hoạt động không hiệu quả nên họ đã bỏ về nước...".
Trần Quyết - Cao Tuân