Căn nhà của chị Nguyễn Thị Dung, 35 tuổi, có chiều rộng 1,2 m, dài 2 m, nằm lọt thỏm trong hẻm 360 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3.
Đây là quận nội thành của TP HCM với rất nhiều cao ốc mọc lên. Chị Dung đã gắn bó với nơi này hơn 20 năm. |
Chị Dung (áo xanh) cùng các con và lỉnh kỉnh vật dụng trong không gian chật hẹp. Ngoài 4 mẹ con, bố mẹ chị cũng sống cùng. "Đây là căn nhà do ông bà để lại, tôi sinh ra và lớn lên tại đây đến khi lập gia đình và có 6 đứa con. Nay những đứa trẻ càng lớn thì nhà thêm chật, tôi phải gửi 3 đứa bên nhà cô em", chị cho hay. |
Góc nhỏ căn nhà là nơi thờ cúng ông bà, xung quanh đều tận dụng kê giá đỡ để treo đồ. Chị Dung bảo thường chỉ sắm thứ gì mỏng nhẹ treo được, còn mùng mền và nhiều đồ đạc khác thì tiện đâu để đó. |
Phần gác nhỏ - được ủy ban phường hỗ trợ sửa chữa cho đỡ dột - là nơi chứa đồ đạc và là chỗ ngủ của mẹ con chị. Ban ngày, chị đi làm thuê còn các con đi học nên cũng không đến nỗi, nhưng tối đến, chị phải sắp xếp chỗ ngủ cho tụi nhỏ. Thường đứa nhỏ sẽ nằm xen kẽ với đứa lớn để tận dụng diện tích, còn chị không thể duỗi thẳng chân. |
Đồ đạc không thể chứa hết trong nhà nên chị đem ra ngoài hẻm để. Theo quyết định 135 năm 2007 của UBND TP HCM, vị trí mặt tiền, lô đất có diện tích dưới 15 m2, chiều rộng nhỏ hơn 3 m, thì chỉ được cải tạo theo hiện trạng cũ, không xây mới. |
Bé Bảo Ngọc, 5 tuổi con gái út của chị Dung khi không đi học cũng biết phụ giúp mẹ vào bếp. Chỗ nấu ăn là con đường hẻm dân đi lại qua trước cửa nhà. |
Không gian bếp dã chiến trước căn nhà nhỏ. "Trong nhà không có chỗ để nấu nướng nên tôi phải tận dụng, hôm nào mưa gió thì ăn mì tôm", chị nói. |
Nhà nhỏ thiếu sáng nên bé Thế Trung con trai chị tận dụng không gian trước cửa để đọc sách cũng là cách tiết kiệm điện. |
Những đứa trẻ này đều ước mơ sẽ có nhà to hơn để được ngủ thoải mái. |
Theo Nhật Anh (Vnexpress)