Theo CNN, ông Tập Cận Bình đã có hơn 20 lần gặp người đồng cấp, ông Putin kể từ khi nắm quyền năm 2012. Tuy nhiên, sự hợp tác sâu rộng giữa hai nước dường như chưa được như mong đợi.
Cuộc gặp lần này diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức, được đánh giá là “sự kiện của năm”.
Theo các nhà quan sát, đây không phải là cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo của hai siêu cường kinh tế.
“Trung Quốc liên tục thúc đẩy sức mạnh quyền lực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Còn về phía Nga dù liên tục khẳng định ảnh hưởng chính trị, tuy nhiên, kinh tế Nga đang đi xuống”, ông Ian Bremmer, Chủ tịch tập đoàn Eurasia nhận định.
Hợp đồng có lợi cả đôi bên
Nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa Bắc Kinh và Moscow được bắt đầu từ năm 2014, khi Nga chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến vấn đề xung đột tại Ukraine. Nga cần đến Trung Quốc như một điểm tựa.
Năm 2014, sau nhiều năm đàm phán, Moscow và Bắc Kinh đã ký hợp đồng cung ứng khí đốt tự nhiên vào thị trường kinh tế mới nổi lớn nhất của thế giới trong thời hạn 30 năm, hợp đồng khoảng 400 tỷ USD.
Hợp đồng mang đến lợi ích cho cả hai bên. Trung Quốc cần nguyên liệu và không muốn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Đông.
Theo các nhà quan sát, đối với Nga, hợp đồng với Bắc Kinh không mang lại nhiều lợi nhuận. "Nga luôn thể hiện mong muốn xoay trục châu Á, nhưng phần lớn không đạt được kỳ vọng như Kremlin mong muốn”, ông Gustav Gressel, nhà phân tích tại Hội đồng đối ngoại châu Âu nhận định.
Trung Quốc không thể giúp Nga đẩy lùi các lo lắng về các lệnh trừng phạt từ phương Tây cũng như giá dầu sụt giảm. Quá trình hồi phục kinh tế Nga vẫn đang tiếp tục và Quỹ Tiền tệ quốc tế đang kỳ vọng nền kinh tế Nga có thể tăng trưởng khoảng 1.5% mỗi năm trong 3 năm tới.
Điều này so sánh với tăng trưởng trung bình khoảng 3.5% từ năm 2010 và 2012. Quan hệ thương mại giữa Nga,Trung Quốc đã thất bại trong những năm gần đây và mối quan hệ vẫn chưa được hồi phục.
Mở đường cho cuộc bầu cử Tổng thống Nga?
Nga thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc nhiều hơn bất cứ nước nào ngoài châu Âu. Dẫu vậy, Nga lại không xếp vào danh sách 10 đối tác thương mại đứng đầu của Trung Quốc.
“Nga không phải là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Trung Quốc bởi vì các rủi ro và thiếu tính minh bạch”, Andrew Kenningham, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty nghiên cứu Capital Economics chia sẻ.
Trung Quốc hiện đang trong quá trình thực hiện chính sách “Vành đai-con đường” nhằm thúc đẩy thương mại khắp châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, dường như Nga không có trong chính sách phát triển của Trung Quốc.
Mặt khác, điều đáng quan tâm là diễn biến sau cuộc gặp. “Đối với Tổng thống Putin, cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Tập Cận Bình có thể vẫn là một động lực về chính trị, mở đường cho thuận lợi trong bầu cử Tổng thống Nga 2018”, ông Gressel nhận định về cuộc gặp.
Xem thêm >> Chuyên gia Nga lo ngại về cuộc gặp của TT Trump với ông Putin
Đào Vũ