Anh Dũng bảo: “Ở đây, tôi như được sinh ra lần thứ hai. Sống hạnh phúc và có ý nghĩa hơn”.
Giang hồ cộm cán bật khóc trước cửa phật
Tìm về thôn Phú Hào, xã Nam Thái (Nam Trực, Nam Định) gặp anh Nguyễn Thế Dũng, người dân nơi đây chẳng ai lạ gì về con người này.
Khác với vẻ bề ngoài “sương gió” của một gã “bất cần đời”, anh Dũng nhẹ nhàng mời tôi vào nhà với cử chỉ thân thiện. Sau những lời giới thiệu, anh Dũng vui vẻ kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình. Anh mở đầu câu chuyện với câu nói: “Cuộc đời tôi có lẽ đã chấm dứt từ lâu nếu như tôi không được gặp bố nuôi và con gái thứ ba của ông”. Thấy tôi tò mò về câu nói đó, anh Dũng như hiểu được, anh cười và kể cho tôi về quá khứ của mình.
Nguyễn Thế Dũng.
Nguyễn Thế Dũng sinh năm 1969. Khi mới vào học cấp 2, anh đã nổi tiếng là học sinh cá biệt và đến giữa năm lớp 9, bỏ đi bụi đời với đám thanh niên lêu lổng. Anh Dũng đi khắp nơi, sống kiểu “màn trời chiếu đất” và là mối lo của gia đình.
Mãi đến năm 1985, khi anh có giấy gọi nhập ngũ, gia đình thở phào. Xuất ngũ, vẫn “ngựa quen đường cũ”, anh không thể nào chí thú làm ăn, thường tụ tập, quậy phá, chích hút, coi nhà mình như nhà trọ.
Cách đây 20 năm, ở đất Hải Phòng những cái tên anh chị như Dung Hà, Cu Nên, Lâm “Gà”… nổi lên với những chiến tích kinh hoàng thì Dũng “Hồng Bàng” (tức Nguyễn Thế Dũng) cũng có “lãnh địa” riêng cho mình, khởi nghiệp trong giới giang hồ bằng nghề buôn sắt vụn. Với người dân đất cảng thời bấy giờ, nghề buôn bán sắt vụn đang là một lĩnh vực làm ăn “béo bở”, vì thế luôn có sự cạnh tranh gay gắt từ các thế lực ngầm.
Sau nhiều vụ kết bè kết phái đánh lẫn nhau, Dũng đã khẳng định “số má” của mình ở đất Cảng, cùng với đàn em lập lãnh địa riêng và sẵn sàng gây chiến với bất cứ ai mà họ co là “ngứa mắt”. Dũng “Hồng Bàng” ngày đó trở thành một nỗi kinh hoàng ở khu vực này. Thật chẳng may, anh em Dũng lún quá sâu vào nghiện hút nên công việc làm ăn ngày càng sa sút, mối làm ăn ở Trung Quốc cũng sập. Dũng cũng cố buôn vài chuyến với ý định gỡ lại để làm ăn lớn, nhưng bị cơ quan chức năng phát hiện. Gã đổ bể, trắng tay.
Sau đó, anh được gia đình xin vào làm cho một công ty nhà nước. Nhưng do đồng lương công chức eo hẹp không đủ để hàng ngày phục vụ “nàng tiên nâu”. Anh đã nghĩ ra cách làm khống các hóa đơn, chứng từ để lấy tiền hút chích. Nhưng rồi sự việc nhanh chóng bị phát hiện. Đây là lần đầu tiên anh sợ khám và cũng là lần duy nhất anh nhớ mình đi tù.
Những quãng thời gian sau đó, việc “vào tù ra tội” với anh thường xuyên như cơm bữa. “Tôi chỉ nhớ lần cuối cùng mình vào tù là năm 1995. Đó là lần mà tôi đang ngấm ngầm chuẩn bị cho âm mưu giành giật lãnh địa ở quận Lê Chân sau khi Dung Hà, Cu Nên bị bắt. Sau đó hai năm tôi được thả”, anh nói. Lần này ra tù, anh biết người em thứ 3 của mình đã qua đời sau một trận sốc thuốc. Người thân ở Hải Phòng thì chẳng còn ai, sợ bị trả thù, anh Dũng chỉ biết đưa hài cốt của em mình về quê ngoại.
Ngày Dũng về làng, người dân Phú Hào ai cũng sợ hãi, xa lánh: một người xăm trổ đầy mình, gặp ai “nóng mắt” là lại vác dao đuổi đánh khắp làng. “Thời mới về, Dũng chẳng khác nào Chí Phèo của làng Phú Hào cả”, ông Kiên (bố nuôi của Dũng) nói, “Tôi đã gặp anh em Dũng khi còn giàu có về quê, cũng hay biết những hành động buôn bán và phạm pháp của họ. Rồi cũng tận mắt chứng kiến họ bị ném trả về miền quê này trong sự tiều tụy. Khi thấy Dũng co quạnh, không thể bấu víu vào đâu được nữa, thì tôi quyết định cứu cậu ấy”.
Ông Kiên, vốn là người coi chùa Đông Linh, thôn Phú Hào. Sau một lần say thuốc ở gần chùa, Dũng lân la tới cổng, ông Kiên đã gọi vào tâm sự. Ông biết Dũng có ý định quay lại Hải Phòng, quậy lần cuối rồi chết: “Con có còn gì đâu bố, con đánh mất tất cả rồi, chả còn gì. Giờ con chỉ muốn chết thôi. Chết đi cho đỡ nhục”. Nói xong, Dũng ôm mặt khóc. Lúc đó, ông Kiên hiểu Dũng đang rất yếu đuối.
Gần Đức Phật, ông Kiên thấm câu “cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp” nên muốn ra tay cứu vớt. Ông Kiên vỗ vai bảo Dũng: “Đừng quay trở lại đó nữa, cũng đừng đi tìm cái chết, cứ ở lại đây với bác, nơi cửa Phật, bác cai nghiện cho. Con sẽ tỉnh ngộ và trở lại làm người”. Dũng như khụy hẳn xuống, ôm lấy bàn tay ông Kiên rồi lại khóc. Sau buổi đó, Dũng nghe lời, chuyển vào chùa ở cùng ông Kiên.
Hạnh phúc gia đình đánh thức lương tri
Thời gian đầu chuyển về sống cùng ông Kiên, anh thường lên chùa “tụng kinh gõ mõ” nhưng cơn nghiện vẫn đeo bám, hành hạ anh. Mỗi lần lên cơn nghiện, anh Dũng giống như “con thú bất kham”, có khi đánh ông Kiên đến chảy máu. Đúng trong thời gian đó, người con gái thứ ba của ông là Nguyễn Thị Hằng làm công nhân may ở miền Nam trở về thăm gia đình.
Biết được bố mình vừa nhận thêm một người con “từ trên trời rơi xuống” lại là gã giang hồ khét tiếng, chị Hằng giận lắm. Thời gian đầu, mỗi lần ra chùa gặp bố, chị coi như không nhìn thấy anh Dũng. Nhưng rồi trong những lần anh Dũng lên cơn nghiện, vật vã trong đau đớn, rồi cảnh bố mình khó nhọc trước sự vùng vẫy của “gã đồ tể”, chị phải lao vào “giúp bố một tay” cắt đứt cơn nghiện cho anh Dũng.
Những cơn nghiện của anh rồi cũng dần qua, trước sự cảm hóa của ông Kiên và bàn tay của người con gái nết na thùy mị Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thế Dũng như một con người khác. Anh hiền lành, vui tính, dễ gần. Không mặc cảm với quá khứ của mình, Dũng chủ động tiếp xúc, làm quen với những người tới chùa cúng lễ để xóa đi những ác cảm của họ về mình. Dần dần thiện chí của anh cũng được mọi người tiếp nhận.
Còn với chị Hằng, sau những lần thấy anh Dũng vật vã, đau đớn để giành lấy “cái thiện”, trong lòng chị trào lên sự thương cảm cho số phận của anh. Trong gia đình, chị là người thân thiết, thường xuyên tiếp xúc với anh, chị hiểu: trong sâu thẳm con người ấy là một điều gì đó “đáng thương” khiến cho mình động lòng trắc ẩn.
Sau 3 tháng về thăm gia đình, một ngày vào tháng 10/2005, chị phải lên đường vào Nam tiếp tục công việc. “Tối hôm ấy, tôi và Hằng đã ngồi cả đêm tâm sự với nhau. Trong thâm tâm tôi đã thầm yêu trộm nhớ Hằng rồi, nhưng không dám thổ lộ vì sợ thất bại. Có ai nghĩ một người con gái xinh đẹp, được bao người theo đuổi lại đống ý lấy một kẻ cộm cán như mình. Nhưng trong tâm trạng lưu luyến, dâng trào cảm xúc của buổi chia tay, tôi đã đánh liều nói thật lòng mình cho Hằng biết.
Thật bất ngờ, Hằng không dè bỉu tôi mà trái lại, cô ấy chỉ nhìn tôi không nói lời nào”, anh Dũng im lặng một lúc rồi nói tiếp: “Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh đôi mắt ấy nhìn tôi, tôi nhìn thấy trong đôi mắt ấy sự lưỡng lự giữa đi hay ở. Càng nhìn vào đôi mắt ấy, tôi càng có thêm bạo dạn, rồi tôi đánh liều cầm tay cô ấy, đưa lòng mình và nói: "Ở lại với anh nhé”.
Đám cưới của hai người diễn ra 2 tháng sau đó. Với người dân trong vùng, đám cưới của đôi vợ chồng Hằng - Dũng cũng thật đặc biệt khi họ hàng nhà trai cũng là họ nhà gái, bố mẹ chồng cũng là bố mẹ vợ. Không có thủ tục phát biểu của đôi bên gia đình.
Đám cưới xong, anh chị bắt tay ngay vào công việc. Cả hai cùng chăm lo, vun vén cho mái ấm gia đình hanh phúc của mình. Chị Hằng đi làm may trong xã, anh Dũng đi phụ hồ theo những công trình gần nhà. Anh Dũng chia sẻ: “Vốn là người sinh ra trong thành phố, từ bé chẳng phải động tay, động chân vào việc gì cả, nên mới đầu làm những công việc chân tay thấy ngượng nghịu và vất vả nhưng sau dần rồi cũng quen”. Hiện tại anh chị mở một cửa hàng ăn trên Hà Nội.
Sau 7 năm chung sống, hai anh chị đã có với nhau đứa con trai 7 tuổi. Anh bảo: “Không có gì vui bằng những buổi tối đi làm về được ăn cơm cùng vợ con và chơi đùa cùng với con của mình. Nhìn thấy cháu cười là tôi quên đi mọi mệt mỏi và có thêm động lực để tiếp tục cố gắng hơn”.
Khi được hỏi: “Anh có muốn đưa vợ con quay về Hải Phòng không?”, anh Dũng trả lời: “Đây mới chính là quê hương đích thực của tôi. Dũng ở Hải Phòng đã chết, ở miền đất này, tôi được sinh ra thêm một lần nữa. Lột xác làm người. Tôi và vợ con sẽ ở đây đến khi nào nhắm mắt xuôi tay”.
Đông Tẩu