Ngày ông nhập ngũ, bà tiễn ông đi, tuy mới chỉ là ăn hỏi nhưng tình nghĩa như vợ chồng. Những ngày ông ở chiến trường, tuy cũng không có thư từ gì nhưng bà vẫn vững tin chờ đợi. Từ năm 1973 trở đi, bà hoàn toàn bặt tin ông. Thậm chí có thông báo về địa phương rằng ông đã hi sinh nhưng bà vẫn không tin. Bằng linh cảm của mình, bà tin ông sẽ trở về. Để lấp đi nỗi nhớ, người phụ nữ làng biển lao vào hoạt động công tác.
Buồng biệt giam ở nhà tù Côn Đảo
Sau 1 năm dân công hỏa tuyến bên Lào, bà được Đảng ủy, ủy ban giữ lại giao công tác ở địa phương, rồi được cử đi học tiếp ở Hà Nội. Đứng trước lựa chọn đi và ở, bà kiên quyết: "Ở bên Lào trèo đèo lội suối tôi vẫn đi được thì ở đây, dù có phải gánh đất cũng là đi đường bằng, không có gì là tôi không làm được". Bà học từ năm 1970 đến 1973 thì quay về địa phương. Là người phụ nữ có nhan sắc, thấy bà cứ vò võ một mình bất kể sự theo đuổi của nhiều người, ai cũng thấy xót xa. Nhiều khi, nhìn thấy bạn bè gia đình con cái, bà lại thấy tủi phận nhưng cứ mỗi lần có suy nghĩ ngược lại, bà đều gạt phắt đi: "Cứ như có ai đó nhắc nhở trong đầu tôi là anh ấy còn sống và phải chờ đợi".
Ngày ông trở về, bà cũng không hề biết. Đến khi có người bạn gái chạy vào báo: "Mày có một anh bộ đội nào đẹp trai lắm tìm kia kìa", bà vẫn không biết là ai, thậm chí còn lo sợ về những cái đuôi kiên trì. Nhìn thấy ông đẩy cửa bước vào, cảm xúc mới vỡ òa. Kể cho tôi nghe lại chuyện của mình, bà vẫn còn thẹn thùng: "Thậm chí không biết sau đó thế nào nữa…".
Nghe bà kể đến đây, ông tiếp lời: "Ngày ấy bác cũng không tin là bà ấy chờ đợi nên trong thời gian đi an dưỡng sau khi được trao trả, gặp một người phụ nữ trong làng, người ấy bảo là bà ấy đã đi lấy chồng rồi, bác cũng chẳng dám trách gì. Về sau người ấy chăm sóc tận tình, lúc nào cũng túc trực ở bên, lửa gần rơm nên phát sinh tình cảm. Trước khi quyết định đi đến hôn nhân, bác muốn về nhà để xin ý kiến gia đình. Biết tin bà ấy vẫn chờ mình, thực lòng không biết ứng xử làm sao cả…".
Đến lúc này, người phụ nữ chờ chồng suốt bao nhiêu năm lại quyết định nhường chồng. Bà biết quyết định này sẽ đẩy mình vào sự bất hạnh. Phụ nữ đã quá tuổi 30, công chờ đợi suốt bao nhiêu năm, lại đã có dạm hỏi coi như người nhà người ta nữa thì còn trông chờ gì vào một hạnh phúc khác. Nghĩ vậy nhưng bà vẫn không thay đổi. Về sau, ông vẫn một mực trở về với bà, thêm phần động viên của Đảng bộ, thu xếp ổn thỏa với người phụ nữ kia và cuối cùng họ làm đám cưới.
Lấy nhau xong, hai vợ chồng đều trở thành cán bộ địa phương, đồng lương ba cọc ba đồng, họ cùng nhau xây dựng một mái nhà tranh hai trái tim vàng. Khó khăn không kể xiết nhưng đã kinh qua bao nhiêu thử thách, không một khó khăn nào có thể khiến họ gục ngã.
Giờ đây, suốt mấy chục năm làm vợ chồng, gia tài của họ vẫn chỉ một mái nhà nhỏ đơn sơ nhưng ấm cúng. Các con đã trưởng thành và ra ở riêng, hai vợ chồng lại chăm sóc lẫn nhau. Ông đi làm công tác hội cựu chiến binh, bà chợ búa, đồng áng, tình cảm ngày càng nồng ấm và bền chặt
Trầm Ngải