Cuộc vượt ngục hy hữu ở trại giam Chí Hòa

Cuộc vượt ngục hy hữu ở trại giam Chí Hòa

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Có một truyền thuyết khá ly kỳ về khám Chí Hòa (TP.HCM) mà đến nay người dân Sài Gòn vẫn truyền miệng lại. Đó là ở tòa nhà hình bát giác, nơi giam giữ phạm nhân rất nhiều lần bị sét đánh.

Bí ẩn bát trận đồ bát quái

Trại giam Chí Hòa (tên thường gọi là khám Chí Hòa) được thực dân Pháp xây từ năm 1943, với lối kiến trúc đặc biệt, do một kiến trúc sư người Nhật thiết kế và xây dựng theo hình ngũ hành bát quái.

Trại giam gồm ba tầng lầu có hình bát giác với 8 cạnh. Nó tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh dịch (cũng có người cho rằng, kiến trúc này dựa trên Bát trận đồ của Khổng Minh). Do vậy khám Chí Hòa vừa mang những đặc trưng cơ bản của kiến trúc Pháp, vừa mang nét huyền bí âm - dương, ngũ hành của phương Đông.

Pháp luật - Cuộc vượt ngục hy hữu ở trại giam Chí Hòa

"Cửa tử" trong trại giam.

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi cạnh của bát quát trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín ở phía ngoài. Khám chí Hòa chỉ có một cửa vào và người ta gọi đó là "cửa tử". Tiếp sau cánh cửa đó là hệ thống đường hầm. Nhiều người cho biết, nếu không có người hướng dẫn thì một người đi vào đó sẽ mất phương hướng giống như lọt vào một mê cung không thấy đường ra.

Chính giữa hình bát quái đồ là một sân rộng cũng hình bát giác chia thành 8 khu, với rất nhiều cây cối, bãi cỏ sạch sẽ và thoáng mát. Ngay tâm của hình bát quái có một đài bơm nước, với một đoạn là bể nước phình to. Ở giữa có hình một cây kiếm cắm thẳng xuống đất. Một số người dân cho biết, thanh kiếm này có tên là Tru Tiên Kiếm. Đây là thanh kiếm trấn những tên tội phạm xảo quyệt có ý đồ bỏ trốn.

Chính lối kiến trúc "bát trận đồ" kỳ diệu đó mà hầu hết các phạm nhân bị kết án nặng khi đã bước qua "cửa tử" coi như không có đường ra. Họ không thể nhận biết được đường ra chờ khi hết án tù, hoặc được phóng thích.

Theo các giai thoại còn truyền tụng đến ngày nay thì khi xây dựng xong khám Chí Hòa, chính quyền thời đó đã tế một cô gái đồng trinh để yểm trợ cho thế trận bát quái này (!?).

Ông Phạm Văn Dũng (ngụ số 216/137, Hòa Hưng, P.13, Q.10) nhớ lại: "Hồi đó, tôi mới lên 10 hay 11 tuổi thường cùng đám bạn vào khu vực trước cổng (khoảng trống giữa chốt 2 và 3) của khám để đá bóng. Lúc đó, khám này là nơi giam giữ những tay trộm, cướp, giang hồ... ".

Cuộc đào tẩu có một không hai

Có thể nói với cách kiến trúc của Chí Hòa, phạm nhân khi đã vào thì khó có thể vượt ngục. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những chiến sĩ cộng sản bị giam ở đây cũng đã nhiều lần bàn mưu tính kế tìm cách vượt ngục. Tuy nhiên, tất cả đều không thành công.

Vì thế, vụ vượt ngục do tử tù Phước "Tám Ngón" thực hiện được coi là cuộc đào tẩu duy nhất trong lịch sử trại giam Chí Hòa thời hiện đại. Sau này, khi điều tra vụ việc, mọi người đều nghĩ như chỉ có trong phim ảnh.

Phước "Tám Ngón" tên thật là Nguyễn Hữu Thành nhưng giang hồ thường gọi biệt danh trên bởi một bàn tay bị cụt mất hai ngón. Sinh năm 1971 trong một gia đình nghèo ở Dĩ An (Thuận An, tỉnh Sông Bé cũ (nay là Bình Dương), chưa thành niên, Phước bỏ nhà đi bụi, sống bằng cờ bạc, trộm cắp, cướp bóc.

Năm 1988, 17 tuổi, lần đầu tiên Phước phải bước vào nhà giam với bản án tù 36 tháng về tội trộm cắp. Sau đó, hắn lại tiếp tục bị Công an TP. HCM bắt rồi di lý cho Công an Vũng Tàu đưa đi cưỡng bức lao động. Không chịu cải tạo, Phước trốn trại rồi mua súng về lập băng cướp. Đây cũng là thời kỳ mà tên tuổi của Phước "Tám Ngón" nổi lên trong giới giang hồ như một ông trùm giết người máu lạnh.

Đầu năm 1991, tại khu vực Thủy điện Trị An, Đồng Nai, băng cướp của Phước "Tám Ngón" gây ra nhiều vụ đình đám. Chúng dùng súng uy hiếp để cướp xe máy của một người đi đường. Khi bị nạn nhân chống cự, chúng đã rút súng bắn trọng thương. Tiếp đó, chỉ trong vòng nửa tháng, bọn chúng liên tiếp gây ra hai vụ cướp, một vụ trộm và bắn chết một nạn nhân tại Thủ Đức.

Ngày 24/6/1994, Phước "Tám Ngón" bị TAND TP. HCM tuyên án tử hình về các tội giết người, cướp tài sản công dân và sau đó gây ra vụ vượt ngục như trong phim đêm 26/3/1995 tại trại giam Chí Hòa. Sau khi đã bẻ gãy đôi chiếc cùm chân, Phước nghĩ ra kế để tránh sự phát hiện của quản giáo.

Lúc này chiếc hộp quẹt gas mà hắn xin được từ lâu mới phát huy tác dụng. Phước lấy vải khéo léo quấn xung quanh vết cưa rồi bên ngoài ngụy trang trang bằng một lớp vải. Sau đó, hắn dùng hộp quẹt gas tỉ mẩn đốt nhựa chảy phủ kín lên trên.

Trước đó, do có âm mưu trốn trại nên Phước "Tám Ngón" luôn luôn dòm ngó mọi thứ bên trong phòng giam để tìm cơ hội. Trong một lần đi vệ sinh, Phước phát hiện thấy vách tường nhà vệ sinh bị mục. Âm mưu khoét tường để đào thoát hình thành từ đó. Năm ngày sau khi cưa xong cùm, đêm 26/3/1995 là thời điểm Phước chọn để trốn khỏi xà lim. Phần vì trời tối thuận lợi, phần vì đây là quãng thời gian các phạm nhân đều đã đi ngủ, trại vắng vẻ.

Khoảng 21h, Phước bắt đầu tháo cùm chui vào nhà vệ sinh. Tại đây, hắn dùng chiếc dùi sắt tự chế tạo được từ một khoen sắt tròn trong nhà vệ sinh, để khoét vách tường, chỗ mà Phước nhìn thấy bị mục từ trước thành một lỗ hổng vừa đủ lọt người qua. Số xi măng và cát vụn khoét từ tường ra, Phước trút vào lỗ cầu vệ sinh rồi đổ nước cho trôi đi.

Còn số gạch thì Phước bê vào trong chỗ ngủ, sắp xếp thành một hình trông giống như hình người đang nằm. Sau đó, hắn lấy mền phủ kín lên trên hình nộm đó để ngụy trang, đề phòng trường hợp quản giáo bất ngờ đi kiểm tra đêm, nhìn thấy thế vẫn tưởng là phạm nhân đang nằm ngủ.

Khoét tường xong, Phước bắt đầu khom người luồn qua lỗ hổng để chui ra phía cầu thang lầu bên ngoài buồng giam số 15 rồi leo xuống cầu thang tường thì giật thót mình khi nghe thấy tiếng bước chân tuần tra đêm của cán bộ quản giáo. Hoảng hốt, sợ bị phát hiện, Phước bèn vội vã leo ngược trở lên rồi cứ thế đi trên nóc nhà để sang khu khác.

Tại đây, Phước dùng quần áo và khăn nối lại thành một sợi dây rồi cột một đầu vào kèo nhà còn đầu kia thả để theo dây mà đu xuống. Nhưng, đang đu thì dây đứt nên Phước bị té sấp xuống mặt đất, bất tỉnh. Chừng hơn một tiếng sau hắn mới tỉnh lại, biết mình vẫn còn đang ở trong khu giam, Phước cố nén đau vùng dậy vội vàng lết đến cây cột điện ở gần đó.

Giữa sự sống và cái chết, giữa hoảng sợ và đau đớn, như một thứ bản năng, con người bỗng trở nên có sức mạnh ghê gớm. Thế nên, mặc dù cả chân lẫn cột sống đều bị chấn thương nhưng Phước vẫn trèo lên được cột điện khá cao để rồi từ đó leo qua hàng rào tụt xuống đất. Đây là địa phận khu tập thể của gia đình cán bộ quản giáo nằm kề trại.

Hắn lết vào trong sân, thấy có một bộ đồ cảnh sát đang phơi, một chiếc xe đạp và một đôi dép. Chỉ trong chớp mắt, hắn nghĩ ra cách ngụy trang. Phước vớ lấy bộ đồ cảnh sát mặc vào người, xỏ dép, dắt xe đạp rồi cố bình tĩnh, nén đau đường hoàng dắt xe ra cổng chính của trại Chí Hòa.

Qua phòng trực cổng trại, Phước vào xin cảnh sát trực cổng được ra ngoài uống cà phê. Thấy người mặc quân phục đàng hoàng lại dắt xe đạp đi ra từ khu gia đình cán bộ, nên cảnh sát trực trại ngỡ đó là anh em cán bộ, chiến sĩ trong trại. Vì vậy, anh đã mở cổng cho Phước dắt xe ra ngoài.

Vậy là sáng sớm 27/3/1995, Phước "tám ngón" - tử tù nguy hiểm đã đào thoát được ra khỏi trại Chí Hòa. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau Phước “tám ngón” đã bị bắt và tuyên án tử hình.

Mai Phong - Phong Vũ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.