Trốn thoát và săn lùng
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, cán bộ phòng Văn hóa huyện Tiên Yên đã cung cấp cho chúng tôi những nguồn tư liệu hết sức quý giá về Khe Tù và giới thiệu những nhân chứng sống để giúp chúng tôi "dựng lại" một thời khói lửa ở Khe Tù. Chị Thủy cho hay: "Sau khi bị bắt, ép lao động kiệt sức và bị tra tấn dã man, những tù binh ở Khe Tù đã liên kết lại với nhau nhằm tìm cách thoát khỏi "địa ngục". Họ thành lập Chi bộ Đảng ở nhà tù để hoạt động bí mật. Tất cả việc liên hệ, trao đổi, bàn bạc với nhau đều được thực hiện bằng mật danh và ám hiệu. Họ bí mật tuyên truyền, giác ngộ những tù nhân khác tham gia cách mạng, lôi kéo những tên từng là chỉ điểm cho thực dân Pháp theo cách mạng. Bên cạnh đó, Chi bộ Đảng nhà tù đã tìm cách đấu tranh, đòi cải thiện chế độ ăn, đòi quyền được bớt lao động cực nhọc với những tù binh ốm đau, bệnh tật.
Bốt canh của thực dân Pháp.
Những chiến sỹ cách mạng trong Chi bộ đã bí mật tổ chức cho đồng chí của mình vượt ngục. Họ đã chuẩn bị rất chu đáo, nghiên cứu rất kỹ địa hình và tận dụng triệt để những sơ hở của cai tù để tìm cách trốn tù. Thời cơ đến đó là lúc địch hớ hênh, cho vài tên lính áp giải mỗi xe tải, trong khi đó, mỗi xe chở 25 tù nhân đi lao động ở bốt Phố cách nhà tù khoảng 8km. Chi bộ nhà tù đã lập kế hoạch "sổ lồng" cho đồng chí của mình. Tài liệu ghi lại, hôm đó, trời nhá nhem tối, xe chở tù binh lao động khổ sai trên đường về trại. Đến đoạn đường cong, xe đi chậm, hai đảng viên thuộc Chi bộ Đảng nhà tù đã chỉ đạo khi thấy xe đi ở giữa, ra ám hiệu cho các đồng chí ở hai xe đi trước và sau. Lợi dụng lúc lính canh sơ hở, cả nhóm đã nhanh chóng khống chế và cướp súng của cai tù. Cả đoàn tù binh ồ ạt nhảy xuống xe và nhanh chóng lẩn trốn vào rừng sâu theo con đường đã được thông báo trước. Trong cuộc vượt ngục đó, 50 chiến sỹ vượt ngục thành công, 23 chiến sỹ trốn nhưng bị thực dân Pháp huy động quân lùng bắt trở lại.
Tiếp theo sự kiện đó, những tù binh ở Khe Tù tiếp tục tổ chức các kế hoạch vượt tù. Khi những viên cai ngục cảnh giác với hình thức này thì Chi bộ Đảng nhà tù lại sáng tạo ra hình thức vượt ngục khác cho đồng chí của mình. Đó là cách chui vào thùng phân, thùng rác đến các kế hoạch đào hầm sát bờ sông Tiên Yên rồi bơi qua sông, ra khỏi Khe Tù. Chúng biết các đảng viên luôn tìm cách trốn tù nên siết lại hoạt động canh gác, tuần tra. Vì thế, những lần sau, mỗi lần, giúp được 2-3 đồng chí trốn khỏi ngục đã là thành công. Nếu không thành công, đồng chí của chúng ta phải chịu những đòn tra tấn dã man của cai tù, thậm chí họ bị xử chém luôn.
Vị trí kho xăng của Pháp bị đốt cháy.
Âm mưu thâm độc
Trước tình hình tù binh trốn ngục nhiều, chúng lo sợ những tù binh trốn trại sẽ tiếp tục hoạt động bí mật trong lòng dân, thực dân Pháp đã lập ra cái gọi là "Xứ Nùng tự trị" tại Tiên Yên và các vùng dân tộc ít người. Chúng đặt giá, thưởng gạo, muối, vải cho mỗi "cái tai" của Việt Minh để khuyến khích thổ phỉ, phản động giết cán bộ ta. Đây là một âm mưu rất thâm độc. Ngoài ra, thực dân Pháp củng cố hệ thống đồn bốt dọc đường số 4 bằng việc dựng hệ thống hậu cần, mở rộng cảng Mũi Chùa, Bến Châu, xây dựng kho xăng Khe Tù để thuận tiện cho việc đổ quân, tiếp viện vũ khí, nhiên liệu cho chiến trường.
Trong thời kỳ này, đội du kích do đồng chí Lê Bảy (Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Tiên Yên) phụ trách đã phối hợp với các tù binh trốn trại, tích cực hoạt động, bổ sung lực lượng và tổ chức các trận đánh bằng hình thức bí mật trên địa bàn địch kiểm soát. Đội đã bắt từng tên chỉ điểm, phá hoại cách mạng bằng trùm bao tải, cho lên rừng xử. Đội du kích đã gây cho địch rất nhiều thiệt hại. Tài liệu về Khe Tù còn lưu giữ tại phòng Văn hóa huyện Tiên Yên thì có một nhân vật đã góp phần tích cực làm thay đổi cục diện tại nhà tù này. Đó là một người Pháp (không rõ tên tuổi) đã nhận ra cuộc chiến tranh phi nghĩa của người Pháp ở Việt Nam, đứng về phía quân Việt Minh. Bởi người lính này đã được chứng kiến hàng đoàn tù binh rách rưới, ốm yếu lao động khổ sai, xây đồn bốt, bốc vác xi măng. Hình ảnh đó đã giúp người này thức tỉnh và nhận làm việc cho cách mạng.
Tháng 5/1959, đồng chí Lê Bảy, Lê Thông và Đình Thẩm trực tiếp tổ chức trận đánh vào kho xăng Khe Tù. Kho xăng Khe Tù được coi là dạ dày nhiên liệu cho liên khu biên giới của địch theo trục đường số 4 từ Móng Cái đến Bắc Cạn. Kho xăng nằm trong hệ thống tổng kho lớn của Pháp (gồm sân bay, bệnh viện, bến cảng...), có trách nhiệm cung cấp nhiên liệu, vũ khí, quân trang, quân dụng cho các cứ điểm ở khu vực Đông Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng. Khu kho bãi này được bảo vệ và canh phòng cẩn mật. Quân ta rất khó khăn mới đục thủng "cái dạ dày nhiên liệu" này. Sở dĩ, ta có thể tấn công được kho xăng cũng nhờ nhân vật không rõ tên tuổi, người Pháp giúp sức. Giữa đêm, một quả bom hẹn giờ đã được giao cho người làm lính trong đội tuần tra canh gác các xà lan chở hàng của địch. Khi anh ta đang cùng tốp lính đứng chờ "bốc hàng" bên bờ sông giáp với kho xăng thì bí mật gài thuốc nổ vào kho xăng.
Vụ nổ kho xăng và quả mìn hẹn giờ
Giữa lúc cả thị trấn đang chìm ngập trong giấc ngủ thì một tiếng nổ làm rung chuyển cả thị trấn Tiên Yên. Cùng lúc đó một biển lửa bốc cháy, phun trào như núi lửa làm sáng rực cả Khe Tù. Kho xăng địch đã bị đốt. Vụ cháy khiến cho hai xà lan chìm ngay tại chỗ, kéo theo toàn bộ số lính Pháp ngủ trên đó. Xăng dầu trên chiếc xà lan bị nổ tung khiến cho những chiếc xà lan biến thành ngọn lửa khổng lồ, những thùng xăng dầu xếp trên bãi chứa ngoài trời và trong các kho cũng bị bén lửa nổ tung. Toàn bộ hệ thống hàng rào dây thép gai bao quanh khu kho bãi cũng bị phá hủy.
Khi tiếng còi báo động vang lên, cả Khe Tù rối loạn, lính Pháp được phân bổ khắp các ngõ ngách để tìm thủ phạm. Súng đạn nổ inh ỏi, tiếng hò hét náo loạn. Xăng dầu, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm đang vận chuyển đến cũng bị ảnh hưởng của vụ cháy, ứ đầy trên các xà lan. Súng địch trên các tháp canh được "xả" đạn để thị uy. Các thùng xăng và những kiện hàng nổi lềnh bềnh trên mặt nước đã bị các chiến sỹ ta dùng súng bắn chìm hàng loạt. Địch hốt hoảng nhưng không có phương cách nào cứu chữa. Chúng tuyệt vọng, đành khoanh tay đợi sáng. Số xà lan chở hàng đang tới gần, thấy vậy đã nhanh chóng tháo chạy ra xa, không dám bén mảng tới. Người dân thị trấn Tiên Yên, nơi bị o ép, kiềm chế trong bao nhiêu năm đã tận mắt chứng kiến một trận đánh ngoạn mục chưa từng thấy. Lòng người hả hê, đâu đâu cũng thấy thấy người dân kể chuyện kho xăng của Pháp bị đốt. Hình ảnh những chiến sỹ hoạt động bí mật, đốt cháy kho xăng đã được người dân miêu tả như những vị anh hùng.
Trong trận đánh này, người lính Pháp yêu hoà bình, ghét chiến tranh phi nghĩa đã hy sinh. Trận đánh kho xăng đã làm tê liệt hệ thống hậu cần vững chắc của Pháp một thời gian.
Nhiều nhân chứng đã đi vào cõi thiên cổ Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, cán bộ văn hóa huyện Tiên Yên cho biết: Chúng tôi gặp phải nhiều khó khăn để tìm lại nguồn sử liệu về chứng tích Khe Tù. Một số sử sách cũng ghi không đủ chi tiết, những nhân chứng sống là tù binh ở Khe Tù cũng đã dần đi vào cõi thiên cổ. Địa danh ấy đã được Trung Đoàn 42 (thuộc đoàn Kinh tế Quốc phòng 237) quản lý. |
Hoàng Thế Tào