Nhà tù khét tiếng "bó tay" trước cuộc vượt ngục tập thể
Hơn 500 tù nhân đã vượt ngục, trốn thoát khỏi nhà tù khét tiếng Abu Ghraib tại Iraq nhờ cuộc tấn công của đồng đảng nhóm khủng bố Al-Qaeda vào đây. Theo thông tin của chính quyền nơi đây, rất nhiều kẻ đánh bom liều chết đã lái xe chở bom đến cổng nhà tù Abu Ghraib ở ngoại ô thủ đô Baghdad và kích nổ. Đồng thời, 20 tay súng đã tấn công bảo vệ nhà tù bằng súng cối và súng phóng lựu. Chúng cũng chặn các nẻo đường phụ cận và tấn công các điểm kiểm soát và sau đó tấn công các căn cứ quân sự gần nhà tù. Nhiều tay súng Al-Qaeda đã tiến đến các vị trí gần đường chính và đụng độ với lực lượng an ninh tiếp viện được gửi tới từ Baghdad sau khi nhận được tin báo nhà tù bị tấn công. Trong lúc đó, nhiều tên đã liều lĩnh xông vào nhà tù, giải thoát tù nhân. Tiếp đó, những tay súng còn cho nổ bom, thậm chí đánh bom tự sát ngay tại nhà tù. Hàng ngàn binh lính được triển khai đến nhà tù nhằm ngăn chặn tình trạng tù nhân trốn thoát.
Hậu quả của cuộc tấn công là 10 cảnh sát và bốn binh lính đã bị thiệt mạng cùng hàng chục người khác bị thương trong các vụ đụng độ. Sự náo loạn và các cuộc xung đột chỉ kết thúc khi máy bay quân đội tới, giành lại quyền kiểm soát. Cho tới thời điểm đó, đã có hơn 500 tù nhân trốn thoát thành công. Abu Ghraib là nơi giam giữ và tra tấn những người chống đối dưới chế độ của cựu Tổng thống Saddam Hussein. Nơi này càng trở nên tai tiếng sau khi các bức ảnh cho thấy các tù nhân bị quân nhân Mỹ hành hạ xuất hiện hồi năm 2004. Có người cho rằng, vụ giải thoát tù nhân lần này có lẽ là một trong những phản ứng lớn nhất đối với chính quyền và giới chức nhà tù.
Lính gác bên trong nhà tù Abu Ghraib rất thưa thớt năm 2009.
Ông Hakim Al-Zamili - thành viên cấp cao Ủy ban Quốc phòng và An ninh tại Quốc hội, cho biết: "Số tù nhân trốn thoát đã lên tới con số 500 người. Hầu hết, chúng đều là thành viên cấp cao của nhóm khủng bố Al-Qaeda và bị kết án tử hình. Lực lượng an ninh bắt giữ được một số tù nhân, số còn lại vẫn tự do bên ngoài và đang bị truy nã". Theo Bộ trưởng Nội vụ Wissam al-Firaiji thì, những kẻ tấn công được trang bị vũ trang rất tốt. Ông phát biểu: "Chỉ riêng cuộc tập kích vào nhà tù Taji là do 9 kẻ đánh bom tự sát và ba xe bom do những kẻ tự sát cầm lái thực hiện. Những kẻ tấn công này đã nã hơn 100 quả đạn cối vào nhà tù và các nhân viên an ninh. Tuy nhiên, tình hình đã được kiểm soát". Trong khi đó, một quan chức an ninh giấu tên cáo buộc: "Rõ ràng đây là một vụ tấn công khủng bố do Al-Qaeda thực hiện nhằm giải thoát những tù nhân bị kết tội khủng bố".
Ai mới là người phải nhận trách nhiệm?
Các nhà cầm quyền cho rằng, đây chính là một cuộc nổi dậy của phái Sunni nhằm chống lại Chính phủ do phái Shiite nắm quyền. Theo đó, mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda chi nhánh Iraq thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và vùng Trung Cận Đông đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công vũ trang vào nhà tù Abu Ghraib và một nhà tù khác tại Iraq. Nhóm tấn công nhà tù đã đưa lên trang mạng của nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Levant như sau: "Lữ đoàn Thánh chiến, sau nhiều tháng chuẩn bị và lên kế hoạch, nhắm vào hai nhà tù lớn nhất của chính phủ Safavid là nhà tù trung tâm Baghdad (nhà tù Abu Ghraib) và Taji". Safavid là một triều đại Iran (1499-1736) đã thành lập Nhà nước Hồi giáo Shiite trong vùng và thường xuyên chống lại phái Hồi giáo Sunni. Thông cáo của nhóm Al-Qaeda này được đăng tải trên mạng internet nêu rõ, sau nhiều tháng chuẩn bị và lên kế hoạch, chúng đã thực hiện thành công vụ tấn công và giải thoát hàng trăm tù nhân. Các cuộc tấn công được thực hiện đúng một năm sau khi lãnh đạo chi nhánh Iraq của nhóm khủng bố Al-Qaeda, Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố tiến hành chiến dịch mang tên "Phá vỡ bức tường", tấn công hệ thống tư pháp của Iraq với ưu tiên hàng đầu là thả các tù nhân Hồi giáo trên khắp cả nước, tiếp đó là sát hại các thẩm phán, các nhà điều tra...
Nhóm khủng bố Al-Qaeda nhấn mạnh, vụ tấn công nhằm trả đũa cái mà chúng gọi là "tội ác" của Chính phủ Iraq do người Shiite nhằm vào những người thuộc dòng Sunni. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh trách nhiệm cho vụ việc lần này. Nhóm Al-Qaeda đứng ra thừa nhận hành động của chúng nhưng đối với người dân Iraq, dường như vẫn chưa đủ. Một chuyên gia an ninh phân tích, có thể đợt tấn công vào nhà tù quá lớn, giới chức nhà tù lực lượng an ninh Iraq không kịp "trở tay" nhưng phần lớn trách nhiệm thuộc về sự quản lý của nhà tù và sự bất mãn với giới cầm quyền. Iraq thường xuyên xảy ra các vụ vượt ngục, nổi loạn của tù nhân ở các nhà tù, chủ yếu do các nhóm đối lập và phiến quân nổi dậy gây ra. Thực tế này cho thấy phạm vi hoạt động của các phần tử khủng bố ở Iraq ngày càng rộng và tình hình an ninh ở nước này cũng ngày càng xấu đi.
Các cuộc tập kích khác
Nhiều cuộc tấn công nhỏ lẻ khác cũng liên tiếp diễn ra trên đất nước Iraq. Ở thành phố miền bắc Mosul, hai cuộc tấn công vào các lực lượng an ninh đã làm 33 người thiệt mạng. Theo một nguồn tin, một người đàn ông lái một chiếc xe chở đầy chất nổ đã đâm thẳng vào một đoàn xe quân sự. Cảnh sát làm việc tại hiện trường cho biết: "Một kẻ đánh bom liều chết đã chạy theo đoàn xe và khi đoàn xe dừng lại giữa đường, hắn đã cho nổ xe mình ở ngay phía sau". Trong vụ nổ bom này, ít nhất hai người qua đường cũng nằm trong số nạn nhân thiệt mạng, các quan chức cho biết.
Cuộc tấn công thứ hai nhằm vào một nhóm cảnh sát khiến vài người thiệt mạng, khi các chiến binh Thánh chiến nã súng vào đồn cảnh sát. Mosul nằm cách Baghdad 360km về phía Tây bắc và là một trong những điểm nóng chính ở Iraq. Đây là thủ phủ của tỉnh Nineveh nơi có đa số dân là người Hồi giáo dòng Sunni. Bởi vậy, Al-Qaeda xem đây là mảnh đất màu mỡ để tuyển mộ chiến binh, chống lại Chính phủ Iraq.
Bất ổn trong lòng Iraq Số liệu do Liên Hiệp Quốc đưa ra hồi đầu tháng 7 cho thấy, hơn 2.500 người đã thiệt mạng ở Iraq trong các cuộc tấn công bạo lực trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Cộng đồng Hồi giáo Sunni thiểu số ở nước này ngày càng cảm thấy bị chính phủ của Thủ tướng Nouri Maliki, vốn thuộc nhóm Hồi giáo Shiite, phân biệt đối xử. Các lực lượng của người Shiite đã tấn công những người phản đối Sunni trong khi các chiến binh có liên hệ với Al-Qaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq của họ đã thực hiện các cuộc đánh bom vào các cơ quan chính phủ và những nơi có đông người Shiite. |
An Mai(Theo BBC/Reuters)