Giữa những hàng rào dày đặc dây thép gai, những rãnh miểng chai nằm khắp nơi, hàng trăm họng súng của quân thù chĩa ra, nhiều người coi nhà tù Tân Hiệp là một nơi “bất khả xâm phạm”. Tuy nhiên, nó đã bị khuất phục dưới sự mưu trí dũng cảm của 462 tù chính trị Cộng sản. Họ đã vượt qua “địa ngục trần gian” một cách thần kỳ để trở về với cách mạng. Cuộc giải thoát trên đã khiến quân địch vô cùng khiếp sợ.
Di tích còn lại của nơi xảy ra cuộc vượt ngục
“Địa ngục trần gian” trá hình
Ông Phạm Bá Châu, 78 tuổi, một tù chính trị từng bị giam cầm tại nhà tù Tân Hiệp (phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, Đồng Nai) kể lại: “Vào thời điểm tháng 7/1955, đế quốc Mỹ lập ra chính quyền bù nhìn, tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam. Bọn chúng ngoan cố cự tuyệt tổng tuyển cử cả nước, cử bọn tay sai ra sức đàn áp phong trào cách mạng. Chúng lập ra nhiều nhà tù tại tỉnh Biên Hòa, trong đó có nhà tù Tân Hiệp. Trong khoảng thời gian từ khi thành lập nhà tù cho đến thời điểm giải thoát các tù chính trị, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giam tại nhà lao Tân Hiệp 1.872 tù nhân. Trong số đó có 79 tù nhân nữ, phần đông số tù nhân này là chiến sĩ cách mạng”.
Chị Hồ Thị Lan, một hướng dẫn viên du lịch lịch sử tại tỉnh Đồng Nai cho biết, nhà tù Tân Hiệp là một trong sáu nhà tù lớn nhất của Mỹ-Ngụy ở miền Nam thời điểm bấy giờ. Nó được so sách ngang với nhà tù Côn Đảo. Đế quốc Mỹ quyết định chọn địa phận ấp Tân Hiệp, xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa, Đồng Nai làm nơi xây dựng nhà tù. “Địa ngục trần gian” có diện tích hơn 36.000m2. Phía đông nhà tù giáp cụm dân cư Tân Hiệp, phía tây giáp rạch Đồng Tràm, phía nam giáp đường xe lửa Bắc-Nam, phía bắc giáp Quốc lộ 1.
Theo chỉ dẫn của chị Lan, chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh tên Hải, một tù chính trị năm xưa từng bị giam hãm tại nhà tù Tân Hiệp. Gần cả đời dành trọn cho cách mạng, giờ đây trí tuệ của ông không còn minh mẫn như thời trai trẻ tham gia cách mạng.
Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi hỏi các dữ kiện lịch sử về nhà tù Tân Hiệp, mắt ông Hải như sáng rực lên. Ông Hải tâm sự: Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, lính Pháp tại Đông Dương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai và đến tháng 10/1945 chúng đề ra chiến lược tái chiếm lại Biên Hòa.
Trên cơ sở đồn binh nhỏ của Nhật, Pháp củng cố lại, mở rộng thêm và đưa một trung đội lính lê dương đến trấn giữ với nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường Quốc lộ 1 và cơ sở nhà thương điên Biên Hòa. Quy mô chiến tranh ngày càng phát triển, trại giam Hố Nai không đủ sức chứa hết tù nhân nên Pháp mở rộng đồn binh Tân Hiệp và biến nó thành trại giam tù binh chiến tranh của tỉnh Biên Hòa. Trại tù này tồn tại cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp tháng 7/1954.
Một nhân chứng sống của của nhà tù Tân Hiệp
Ông Huỳnh Văn Sơn, một đồng đội chiến đấu với ông Hải ở mặt trận TP. Biên Hòa tiết lộ, sau khi ký kết Hiệp định Giơnevơ, chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm cho quân ra sức càn quét, tiến hành bắt bớ, giam cầm số cán bộ chiến sĩ kháng chiến, đồng bào yêu nước… Vì vậy, giữa năm 1955, nhà tù Tân Hiệp được đế quốc Mỹ rót tiền cho chính quyền Ngô Đình Diệm cải tạo, mở rộng thành một nhà tù lớn ở miền Nam. Để che đậy bộ mặt phản động, tránh sự phản ứng tố cáo của Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế và dư luận tiến bộ trong và ngoài nước, Mỹ-Diệm đổi tên nhà tù Tân Hiệp thành cái tên mị dân là “Trung tâm huấn chính Biên Hòa”. Nhưng thực chất đây là “địa ngục trần gian” trá hình.
Cuộc vượt ngục thần kỳ
Bị giam cầm, tra tấn bằng mọi thủ đoạn, các tù chính trị ngày đêm nung nấu ý định vượt ngục trở về chiến đấu với đồng đội. Bà Phạm Thị Thu, 79 tuổi, một tù chính trị tại nhà tù Tân Hiệp, cho biết: Vào năm 1956, biết được ý định của bọn Mỹ – Ngụy, các tù chính trị bị giam cầm tại nhà tù Tân Hiệp đã bí mật liên lạc nhau hình thành các tổ chức Đảng tại nhà tù Tân Hiệp. Liền sau đó, các tù chính trị thành lập ngay Đảng ủy của nhà lao có năm đồng chí do Nguyễn Trọng Tâm làm Bí thư. Thời điểm nổ ra cuộc vượt ngục, nhà tù Tân Hiệp được coi là nơi bất khả xâm phạm. Nơi đây được củng cố, xây dựng hoàn chỉnh. Toàn khu vực được bao kín bằng hai lớp kẽm gai và một hệ thống chín tháp canh lớn. Mỗi tháp canh có hàng chục tên lính gác trang bị sung ống tối tân. Nơi đây thường xuyên có một tổ lính bảo an canh gác suốt ngày đêm.
Bà Thu cho biết thêm, ngày 2/12/1956, cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Tân Hiệp được các tù chính trị lên kế hoạch. Sau khi tiếng kẻng của tên lính gác, các tù chính trị đồng loạt xung phong đánh chiếm các mục tiêu quan trọng tại nhà tù. Gần 100 chiến sĩ tù cách mạng nhằm kho súng phía trước trại ào tới chiếm giữ. Bên cạnh đó, số tù chính trị khác chạy ra ngoài cổng như làn sóng lớn, xô đổ cả cổng sắt tỏa về các hướng tìm cơ sở cách mạng.
Danh sách 22 đồng chí hi sinh trong cuộc vượt ngục
Nhớ lại những ngày vượt ngục không thể quên, bà Phạm Thị Thu cho hay, trong những phút đầu, lực lượng xung kích của ta hoàn toàn làm chủ tình hình. Bị tấn công bất ngờ, địch trong nhà tù vô cùng hoảng hốt, chỉ lo bảo toàn tính mạng nên chưa có hành động chống trả. Theo chủ trương của lãnh đạo các tù chính trị ở nhà tù Tân Hiệp, quân ta không giết một tên lính nào nhằm hạn chế sự trả thù của chúng với những người còn lại. Hơn 15 phút sau, bọn địch trong nhà tù mới hoàn hồn, vội vã nổ súng truy đuổi. Súng trung liên ở các lô cốt bắn xối xả ra cổng nhà tù và hướng các tù nhân chính trị đang chạy. Dười làn đạn dày đặc của kẻ thù, nhiều đồng chí trúng đạn bị thương và hy sinh nằm rải rác trước cổng trại, ven bờ suối.
Ông Lê Văn Trọng, cựu chỉ huy bộ đội giải phóng khu vực TP. Biên Hòa trong những năm kháng chiến, kể lại bằng giọng buồn rầu, cuộc vượt ngục này địch đã bắn chết 22 đồng chí và bắn bị thương 6 đồng chí khác. Chúng ta thu được 53 súng, có 2 trung liên, đã giải thoát 462 tù nhân chính trị. Trong số các tù nhân chính trị, có người sau này đã trở thành Anh hùng LLVT nhân dân như bí thư Đảng ủy nhà tù Nguyễn Trọng Tâm, có người trở thành cán bộ lãnh đạo như ông Nguyễn Văn Thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa. Như vậy, ngày 2/12/1956 là thời điểm những người tù chính trị ở nhà tù Tân Hiệp đã nổi dậy vượt ngục trở về với cách mạng, với nhân dân. Cuộc vượt ngục Tân Hiệp là cuộc giải thoát kỳ diệu của những người tù Cộng sản kiên trung bất khuất, mưu trí. Họ trở về đồng đội và nhân dân để tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày thắng lợi.
Ý chí sắt đá của tù chính trị Việt Nam Theo nhiều nhân chứng sống kể lại cho chúng tôi, vào thời kỳ này hằng ngày những tên cai ngục dùng nhiều thủ đoạn vô cùng thâm độc và dã man để tra tấn về thể xác và tinh thần các tù chính trị nhằm moi các thông tin của quân đội ta. Tuy nhiên, dù có sử dụng hàng trăm dụng cụ tra tấn tù nhân vô cùng khủng khiếp nhưng vẫn không thể khuất phục được ý chí chiến đấu kiên cường của những chiến sĩ cách mạng. Để giáo dục truyền thống vẻ vang cho thế hệ hôm nay và thế hệ trẻ mai sau về cuộc vượt ngục thần kỳ của các tù chính trị tại nhà tù Tân Hiệp. Vào tháng 10/2009, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt diện tích xây dựng gần 5.200m2, kinh phí hơn 5 tỷ đồng để trùng tu tôn tạo nhà lao Tân Hiệp tại phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. |
Hải Nam