Lễ viếng cố nghệ sĩ Anh Vũ bắt đầu từ 16h ngày (9/4) tại chùa Ấn Quang (quận 10, TP.HCM). Không khí tang thương bao trùm khu cử hành tang lễ khi người thân của cố nghệ sĩ thất thần nhìn linh cữu, bạn bè nghệ sĩ rưng rưng nước mắt đến chào tạm biệt người đồng nghiệp, người anh em thân thiết.
Sinh thời, nghệ sĩ hài Anh Vũ luôn được khán giả yêu mến, thế nên khi anh mất đi, rất nhiều người đã muốn đến tận nơi để nói lời vĩnh biệt người nghệ sĩ tài hoa. Thế nhưng, giữa khói nhang nghi ngút cùng dòng người thật tâm vào viếng, vẫn còn đó những người hiếu kỳ đến chỉ vì “tò mò”.
Cá biệt, còn có những người công khai cười nói, tạo dáng vui vẻ, cầm điện thoại livestream liên tục kêu gọi bình luận ngay trước đám tang của cố nghệ sĩ. Đó là chưa kể đến những đám đông vô tư cười đùa, chạy theo nghệ sĩ đến viếng để đòi chụp hình chung... khiến khung cảnh đám tang trở nên hỗn loạn.
Đau đớn, xót xa khi tới nhìn mặt người anh thân thiết lần cuối, nhưng phải chứng kiến những hành động vô ý thức, phản cảm như vậy, ca sĩ Pha Lê không giấu nổi sự phẫn nộ, bức xúc. “Khi đặt bút viết vào sổ tang, thương anh quá, tôi không kìm được nước mắt, nhưng từ xa tôi lại nghe văng vẳng âm thanh: “Vâng thưa các bạn, đây là ca sĩ Pha Lê đang khóc”. Những lời vô cảm đó khiến tôi thấy sợ hãi! Đến độ, dù rất thương quý anh vô vàn, nhưng tôi đành phải nén cảm xúc, không dám khóc vì họ sẽ nghĩ mình giả tạo, làm màu. Thậm chí, ngay sau khi tôi thắp hương xong, có người còn kêu tôi đứng cạnh quan tài, làm mặt buồn để họ chụp hình. Hành động vô nhân tính đó khiến tôi rất bức xúc và phẫn nộ”, ca sĩ Pha Lê bày tỏ.
Giọng nữ ca sĩ trầm xuống: “Thật sự, tôi thấy buồn lắm! Càng ngày đạo đức, văn hóa của một bộ phận càng đi xuống. Chính sự ồn ào, vô cảm của họ đã làm mất đi sự trang nghiêm, thành kính trong đám tang. Điều đó cũng làm cho những người tới viếng, nhất là các nghệ sĩ bị phân tán tư tưởng. Trong khi mọi người đến với tâm trạng đau buồn, thì hết người này tới người kia xin chụp ảnh, phỏng vấn. Tôi nghĩ, trong hoàn cảnh hỗn độn ấy, nếu mình khóc sẽ bị cho là giả tạọ, và không thể tập trung vào việc phúng viếng.
“Vì lẽ đó mà nhiều người thật tâm đến phúng viếng thì bị cho là làm màu, còn những người đến rơi vài giọt nước mắt, làm như thân quen lắm lại được chú ý. Đối với những con người vô cảm đó, họ dường như rất hả hê bởi càng bị chửi thì họ càng hot. Có thể nói hành động này như một trò lố vô văn hóa, mất nhân tính. Tôi cho rằng, về sau này ở đám tang nào cũng vậy, cần phải có biện pháp nào đó hoặc sự kiểm soát chặt chẽ, không phải ai muốn vào thì vào, hay làm gì thì làm”, Pha Lê chia sẻ thêm.
Trước hành động của những người vô ý thức “ăn theo” nỗi đau của người khác, nghệ sĩ Kiều Mai Lý đau lòng: "Có nhẫn tâm quá không? Nghệ sĩ mất nỗi đau chưa có gì có thể xóa đi thì họ đến tận nơi tổ chức tang lễ để livestream và quay clip đăng YouTube kiếm tiền".
Cùng chung tâm trạng, diễn viên Lan Ngọc bức xúc: “Khi thời đại 4.0 lên ngôi, khi mà người ta chẳng cần quan tâm đến nội dung, chỉ cần lượt view cao là họ có thể chễm chệ mỗi tháng nhận 400 - 500 triệu, thì đây, hệ quả của việc này là đây. Có tàn nhẫn quá không các bạn? Đồng tiền rót về tài khoản của các bạn mỗi tháng vì những chiêu trò như thế này các bạn ăn có ngon miệng không”.
Vì tang gia bối rối, gia đình cố nghệ sĩ Anh Vũ không thể lường trước được những hành động phản cảm trong đám tang, gây ra nhiều hỗn loạn, phiền phức và cả sự đau lòng. Theo lịch trình, lễ viếng cố nghệ sĩ Anh Vũ sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ 16h ngày 9/4 đến 12/4. Lễ động quan diễn ra vào sáng 12/4. Linh cữu cố nghệ sĩ được an táng tại nghĩa trang Phúc An Viên ở quận 9, TP.HCM.