Sau 9 ngày kể từ thời điểm qua đời tại đất khách, 10h30 sáng 9/4 linh cữu cố nghệ sĩ Anh Vũ đã về với quê hương trong sự tiếc thương của người thân, đồng nghiệp và bạn bè, khán giả. Nhưng thật đáng buồn, ngoài những sự xót xa, tiếc thương với người đã khuất thì cũng xuất hiện không ít những người đến chỉ để cười đùa, để livestream lên mạng xã hội.
Hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của người dùng mạng, đa phần đều cho rằng đây là hành động vô ý thức, cười đùa trên nỗi đau mất mát của người khác, đây cũng là hình ảnh vô cùng phản cảm.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng văn hóa ứng xử của một bộ phận khán giả đang có vấn đề.
Để có đánh giá rõ hơn về văn hoá ứng xử, đặc biệt là văn hoá ứng xử nơi công cộng, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi trực tiếp với PGS.TS Lê Quý Đức, viện Văn hóa và Phát triển, học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Đề cập đến vấn đề trong đám tang nghệ sĩ Anh Vũ, hình ảnh phản cảm của một bộ phận người dân hiếu kỳ, cười đùa, xin chụp ảnh cùng thần tượng và livestream khiến cộng đồng mạng bức xúc. Dưới góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng: “Những trường hợp này quả thực rất đáng báo động. Người ta lợi dụng đám đông và đặc biệt là các đám tang của người có danh tiếng để chụp ảnh với những người nổi tiếng khác và đăng tải thông tin lên mạng. Hiện nay, với sự phát triển của thông tin đại chúng thì những việc này giống như trận bão của sự vô ý thức, hay trận bão vô thức. Họ chỉ cần đăng được một cái gì đó lên trên mạng internet là được chứ không cần nghĩ xem việc đó là đúng hay sai, nên hay không nên”.
Từ đánh giá trên, PGS.TS Lê Quý Đức đưa ra lời khuyên: “Hiện nay, cứ đến một chỗ nào đó thì mọi người cũng phải chụp ảnh, ngày nào cũng phải khoe con hay mua cái túi xách đắt tiền cũng phải khoe ngay lên MXH. Nó như một căn bệnh xã hội, căn bệnh của sự vô thức mà ai cũng đang mắc phải từ những người “nhiều chữ nghĩa” đến những người chưa hiểu rõ về các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện tượng này có tái diễn hay không phụ thuộc vào nhận thức của xã hội, của con người. Nếu như chúng ta biết nhận định thế nào là dở, là đúng, cái gì đáng hay không đáng thì cơn bão MXH, cơn bão vô thức sẽ không còn ảnh hưởng đến chúng ta quá nhiều”.
Trước đó, cũng từng xuất hiện những hình ảnh cười đùa phản cảm trước một sự việc đau lòng nào đó, và khi được chia sẻ trên mạng, ai nấy đều bức xúc. Vì vậy, nhiều người bày tỏ mong muốn rằng khi thực hiện chụp ảnh thì cũng nên tìm hiểu, quan sát bối cảnh, sự việc. Tránh gây phản cảm, ức chế đến người nhìn.
Phạm Hằng