Cắt duyên âm 6 lần chưa lấy được vợ
Vào các ngày rằm, mùng một hàng tháng, lượng người lên chùa cầu may, cầu sức khỏe, tiền bạc rất đông, trong đó có rất nhiều quý ông, quý cậu. Tại các chùa nổi tiếng ở Hà Nội như chùa Quán Sứ (Ba Đình), Phủ Tây Hồ (Tây Hồ), hay chùa Hà (Cầu Giấy)… vào những ngày tuần, ngày sóc, người đến lễ đông, chèn tất cả các lối đi, đến nỗi hoa quả lễ để hẳn ra ngoài hành lang. Thậm chí, ở Phủ Tây Hồ có cả những quý ông mang bộ hình nhân thế mạng hình nữ đặt giữa sân để… cắt duyên âm.
Việc chùa chiền xưa nay thường chỉ dành cho phụ nữ nên hình ảnh một đàn ông vào khấn vái xin duyên là điều khá lạ lẫm với nhiều người. Một người bạn của tôi có "thâm niên" đi chùa gần 10 năm cho biết: "Đàn ông đã không đi chùa thì thôi, mà đã đi thì khấn "dẻo" lắm, ít bà theo kịp. Hôm rằm, vừa chen vào được bàn thờ Mẫu ở Phủ Tây Hồ, chưa kịp đặt lễ thì bị tiếng khấn to như quát nhau của một người đàn ông trạc tuổi 45 làm tôi giật mình. Anh ta vừa vái vừa khấn to đến nỗi ai cũng phải ngoái nhìn. Dường như mọi người không thể tập trung vào bài lễ của mình, vì anh ta khấn cầu duyên rất to".
Nhiều người cho rằng, đàn ông ít bị áp lực về tuổi tác, được chủ động khi "cưa cẩm" nên khó và có thể không "ế vợ". Nhưng đúng là có trong tình cảnh ấy, mới biết được cái sự "ế" ngược đời này nó bi hài như thế nào. Vừa sắp lễ hoa quả, anh Trần Việt Hùng (Công ty Máy phát Điện Miko, đường Giải Phóng, Hà Nội) cho biết: "Chưa lấy được vợ nên đi đâu cũng bị hỏi thăm, sốt hết cả ruột em ạ. Mẹ anh thường xuyên gọi điện từ quê ra giục lấy vợ, còn bảo muốn lúc chết được nhìn thấy mặt cháu nội.
Anh cũng quen một vài người con gái nhưng không hiểu sao chuyện tình cảm chẳng đi đến đâu, mặc dù mình rất có thiện chí. Chẳng bù cho một bạn anh, có vợ rồi mà vẫn có hai, ba cô sinh viên "say như điếu đổ"…
Đàn ông cũng chuẩn bị lễ rất chu đáo
Còn anh Bùi Ngọc Lâm (ngõ 6, phố Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi sinh năm 1974, học xong cấp ba sang Nga du học và làm việc, tính nhút nhát nên không chủ động lắm trong việc bắt quen với bạn gái. Một vài lần, tôi có rủ bạn gái đi chơi nhưng đến lúc gặp, chẳng biết nói gì, mặt cứ đỏ bừng lên nên các cô ấy… sợ bị làm sao ấy. Bên đấy, tôi lại không sống ở khu người Việt và mải làm ăn nên cũng không sốt ruột chuyện vợ con. Tôi về nước năm 2009, đi làm ở một công ty máy tính, được mọi người giới thiệu cho hai cô nhưng không hiểu sao cũng chưa đâu vào đâu. Mẹ tôi tưởng tôi có người "âm" theo nên đưa tôi đi "cắt" hết phủ này, đền nọ, đến lần thứ 6 rồi mà vẫn chưa lấy được vợ. Năm nay chắc lại không hoàn thành kế hoạch rồi…".
Có lẽ, do cuối năm, lại trùng vào với mùa cưới nên nhiều đàn ông mới giật mình về tuổi tác của mình. Nhìn vào tấm thiệp cưới mà bạn bè đưa cho, họ mới khát khao một mái ấm gia đình nhưng làm đủ mọi cách, vẫn chưa có cô gái nào thực sự cảm thấy yêu thương mình nên họ đành nhờ sự linh nghiệm nơi cửa Phật. Quan sát kỹ, chúng tôi thấy, nhiều người đàn ông đi lễ rất thành tâm và chu đáo, họ chọn hoa, quả, xôi oản rất cẩn thận và trình bày mâm lễ đẹp mắt. Có người còn bật mí rằng, gần một năm nay, ngày tuần nào, cũng sửa lễ tại chùa Hà - nơi được cho là linh thiêng nhất về cầu duyên ở Hà Nội để mong đường tình cảm trôi chảy. Một số quý ông đi một mình, khi nhìn thấy người quen đành giả bộ quay đi, nhưng cũng có một số người rủ cả 3-4 người "cùng ế" như mình đi, để "có bạn có thuyền".
Cầu duyên mất cả... iPhone 5
Anh Hồ Quang Huy, đồng nghiệp của Trần Việt Hùng tếu táo: "Ở công ty, anh và Hùng là hai người già nhất mà chưa có gia đình, toàn bị các em mới vào gọi là chú, nhiều lúc phát ngại. Cậu em trai tôi có con 5 tuổi rồi. Đúng là muộn vợ đi đâu cũng như tội "đồ ấy", ai cũng hỏi là "bao giờ cho bác ăn cỗ đây". Có người nói do tôi cao số, phải đi cầu duyên mới gặp được một nửa. Tôi rủ luôn mấy anh bạn còn "ế" đi cùng, chẳng biết đi cầu rồi có ra ngô khoai gì không".
Tại cổng chùa Quán Sứ (Hà Nội), một người đàn ông vừa lúi húi mua hoa, vừa điện thoại về nhà cho mẹ xem cần thêm những gì cho khóa lễ. Bỏ điện thoại xuống, anh hỏi bác bán hoa: "Bác ơi, bác bán chỉ hồng không ạ?". Được người bán hoa chỉ ra Hàng Bồ, anh ta cuống cuồng quay xe đi mua. Người bán hoa chép miệng: "Con cầu tự đấy cháu ạ, nhưng mà tồ lắm. Tháng nào cũng hai lần vào chùa cầu duyên cùng mẹ, hôm nay chắc mẹ bận nên đi một mình. Anh này, cần thêm chỉ để tượng trưng cho dây tơ hồng se duyên, mãi vẫn chưa lấy được vợ mà trông cũng đẹp trai...".
Tại các cổng chùa, nhiều dịch vụ mọc lên để phục vụ nhu cầu của người đi lễ như đổi tiền lẻ, tiền vàng, hoa quả, rút quẻ, hàng trứng, hàng muối… Nói chung là đủ kiểu, có nhiều quý ông sau khi lễ và khấn xong đợi hương tàn để phát lộc, ra ngoài cổng chùa ngồi rút quẻ xem tháng này việc tình duyên của mình có tiến triển gì không, khiến cho không khí quanh chùa, phủ lúc nào cũng nhộn nhịp. Chính vì thế, nhiều dịch vụ xung quanh đây được dịp tăng giá. Chẳng hạn, tại Phủ Tây Hồ, giá gửi xe một lần là 20.000 đồng…
Đã bước sang thời điểm cuối năm, nhiều quý ông có suy nghĩ là mong sao từ nay đến hết năm có bạn gái thôi cũng được, cưới tính sau cho bố mẹ yên tâm. Nhưng, một người đàn ông tên Quang bảo tôi: "Nếu quẻ linh nghiệm, thì yêu tháng này, tháng sau cưới luôn, tết càng vui. Đúng là nói ra mọi người không tin, chứ sao mọi người lấy vợ lấy chồng dễ dàng đến thế, còn mình thì chật vật như bị quả báo ấy".
Anh Tuyên (ngõ 12, phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Cuối năm nay, tôi chỉ đi cầu duyên, hy vọng 1-2 năm tới sẽ gặp được con gái yêu mình, mình yêu để có thể tính chuyện trăm năm. Giờ già rồi, nói đến chuyện "tán gái" là sợ lắm, thấy ai được, điều kiện hợp là cưới thôi. Nếu gặp, cưới xong yêu cũng được, mong bề trên luôn phù hộ cho tôi…". Để lời cầu của mình thật thiêng, mỗi lần đi chùa, anh Tuyên rất thành kính khi đốt nhang, cúng vái.
Anh chia sẻ thêm, mọi người đánh giá anh rất được về hình thức, công việc, tính tình thế mà tìm được một người con gái để gắn bó lại quá khó khăn. Người theo đuổi anh thì anh không thích, người anh yêu lại yêu người khác. Thế nên, anh phải vào chùa cầu duyên để mong gặp cô gái nào đó cũng "ế" như mình để bề trên… se duyên.
Tuy nhiên, nhiều người đàn ông đi cầu duyên ở chùa cũng gặp phiền toái như hay bị người bán hàng chặt chém với giá cắt cổ, hay vì chen lấn ở các ban thờ nên không ít quý ông đã bị kẻ trộm móc ví. Có người mất cả điện thoại iPhone 5 mới mua. Họ đành an ủi mình rằng: "Của đi thay người", biết đâu chỉ mất điện thoại, nhưng tháng sau lại có được tình yêu thì tốt quá!?. Và bất chấp những phiền toái có thể xảy ra, cứ cuối năm là các quý ông độc thân lại rủ nhau lên chùa mong có… vợ.
Lạc Thành