Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) vừa cấp cứu thành công bệnh nhi mắc dị vật ở phế quản.
Khai thác tiền sử bệnh khoảng 19h ngày 19/2, cháu N.N.Y.N. (9 tuổi, trú tại phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới) có biểu hiện ho nhiều, người tím tái.
Người nhà cho biết, trước đó cháu bé đùa nghịch, cười nói khi ăn cháo. Cháu bé được được đưa tới trạm y tế thở oxy rồi chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.

Các y bác sĩ nội soi lấy dị vật trong niêm mạc khí quản của cháu bé.
Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chỉ định gây mê cho cháu N. để thực hiện nội soi lấy dị vật.
Với sự phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương của ê-kíp nội soi và gây mê, dị vật xương cá 3 đầu nhọn, 1 đầu cắm nông vào niêm mạc khí quản, dài khoảng 1,5cm được lấy ra thành công. Sau nội soi gây mê, bệnh nhân ổn định, được tiếp tục theo dõi điều trị.
Theo các bác sĩ, N. may mắn được đưa vào viện cấp cứu kịp thời mà dị vật chưa gây ra các các tổn thương quá nặng nề. Quá trình điều trị bằng nội soi giúp người bệnh tránh phải thực hiện cuộc phẫu thuật mở.
Qua sự việc, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh hạn chế trẻ ăn các thức ăn có chứa nhiều xương nhỏ hay chơi các đồ chơi nhỏ dễ bị nuốt. Khi nghi ngờ trẻ nuốt, vướng dị vật cần đưa ngay đến cơ sở y tế để xử lý.
Các giải pháp đúng đắn khi bị hóc xương cá
Các chuyên gia y tế gợi ý trong trường hợp bị hóc xương cá nhẹ, bạn có thể áp dụng những cách sau :
- Ngậm vỏ cam nhỏ trong miệng một lúc, sau đó nuốt miếng vỏ cam này.
- Uống vitamin C
- Cắn một miếng chuối chín và sau đó nuốt.
BSCK2 Hà Duy Cường, Khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng cảnh báo thêm cách hạn chế bị hóc xương trong khi ăn uống là:
- Không vừa cười vừa nói khi ăn
- Gỡ bỏ xương cá trước khi cho vào miệng, không cho cả miếng cá vào miệng rồi sử dụng lưỡi và răng gỡ xương.
- Trong quá trình ăn nhai chậm, kỹ.
- Nên ăn cá riêng, tránh trộn lẫn với cơm rồi mới nhai…
- Trong trường hợp hóc xương cá nghiêm trọng, bạn nên dừng lại tất cả các hoạt động ăn uống vì có thể khiến dị vật có nguy cơ đâm sâu vào cổ họng gây tổn thương. Hãy đến cơ sở y tế nếu bị hóc xương cá ở mức độ nghiêm trọng.
Trúc Chi (t/h)