"Dân cày" game như trâu cày ruộng!
Theo chân một người bạn, tôi đến công ty chuyên thuê người cày game nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Âu Cơ (quận Tân Phú, TP. HCM) để tìm hiểu thực hư về công việc nhàn hạ này. Công ty ấy không hề có tên, chỗ làm việc của nhân viên trông giống như nhà kho chứa máy tính cũ. Những chiếc máy tính sắp đến "tuổi nghỉ hưu" đầy bụi bặm được bày trên dãy bàn làm việc đặt giữa nhà. Mỗi nhân viên được trang bị một máy tính riêng. Đến giờ làm, ai nấy đều dán mắt vào màn hình lao vào công việc. "Lúc trước cứ nghĩ nghề này đơn giản, chỉ cần chơi game giỏi là được. Nhưng làm rồi mới biết vất vả không kém lao động chân, tay. Đã gọi là "cày" thì đâu có nhẹ nhàng. Làm suốt không ngơi nghỉ, làm ca ngày còn đỡ, ca đêm mới đuối", Minh Tú, nhân viên của công ty này tâm sự.
Cày game không đơn giản như chơi game.
Một số"dân cày" cho biết, công ty này có trên dưới 100 nhân viên đang theo làm việc. Công việc của họ là chạy level (cấp độ) cho các nhân vật trong game Lineage của Hàn Quốc. Mỗi ngày có 2 ca làm việc. Ca sáng bắt đầu từ 7h đến 19h, ca tối từ 19h đến 7h sáng hôm sau. Người ca nào thì làm "chết" một ca không được luân chuyển. Nhưng công ty cũng có "cơ chế mở" cho nhân viên khi bận việc riêng. Tú cho biết: "Có việc bận thì báo với quản lý trước để sắp xếp đi làm bù, làm "đúp" hai ca sáng, tối luôn, làm suốt 24 tiếng đuối lắm. Không sắp xếp được thời gian thì phải chịu. Nghỉ một ngày công ty trừ tiền nhiều lắm".
Mỗi ngày, "dân cày" được quản lý giao cho một tài khoản game. Nhiệm vụ của họ là luyện cho nhân vật trong thế giới ảo đạt mức Exp (điểm kinh nghiệm) theo quy định của công ty. Minh Tú chia sẻ thêm: "Tùy từng "acc" (gọi tắt từ tài khoản của game thủ) mà công ty sẽ quy định mức Exp khác nhau, thường dao động trong khoảng 2,75% đến 3,5%, tùy theo từng level (cấp độ). Level càng cao thì mức Exp quy định càng thấp".
Ngoài những thỏa thuận trong công việc, "dân cày" còn chịu áp lực từ luật chơi trong game. Sau khi được giao việc đâu vào đó, "dân cày" phụ trách "hộ tống" nhân vật ra bãi và bắt đầu quá trình "tu luyện". Vấn đề luyện cấp cho nhân vật cũng được công ty quy định rõ ràng. "Người điều khiển nhân vật trong game không được "PK" (đánh nhau với nhân vật của người chơi khác trong game) bừa bãi, không để "die" (chết), không được bán hay lấy trộm quần áo, châu báu mà nhân vật được trang bị,... nếu vi phạm, nhẹ thì bị công ty trừ tiền, nặng thì cho thôi việc không được lãnh lương", Minh Tú thổ lộ.
Việc "cày" game thoạt nghe tưởng như đơn giản. Nhưng với người trong nghề, đây là công việc phải "đổ mồ hôi sôi nước mắt" mới có được đồng tiền ít ỏi. "Dân cày" game phải làm việc xuyên suốt 12h. Ngay cả lúc nghỉ giữa ca hay ăn cơm, họ cũng không rời khỏi màn hình. Tú cho biết, mức Exp mà quản lý của công ty giao cho không cao nhưng khi nhân vật ở cấp độ cao thì cày không dễ dàng. "Công ty toàn giao acc level cao, từ 90 đến 97, 98. Nhân vật level cao thì Exp tích lũy chậm. Người nào yếu hoặc sơ suất để "die" thì 12 tiếng không cày nổi đâu. Những người giỏi xong việc sớm có thể ngồi lại cày thêm lấy tiền thưởng. Nhưng mức thưởng quy định gắt gao và tiền thưởng cũng không nhiều".
Game Lineage của Hàn Quốc được nhiều công ty thuê người cày tại Việt Nam.
Cày game để "chữa cháy"
Làm nhiều hưởng chẳng bao nhiêu Qua tìm hiểu, hầu hết "dân cày" đang làm việc tại các công ty chuyên thuê người cày game hiện nay đều không được ký hợp đồng. Mọi thỏa thuận giữa công ty và nhân viên đều bằng miệng, hoàn toàn không có một văn bản, giấy tờ nào để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thu nhập trung bình từ nghề cày game thuê từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người. So với công sức "dân cày" bỏ ra, mức thu nhập như thế vẫn chưa tương xứng. |
Một số bạn trẻ tìm đến công việc với nhiều cảnh ngộ và tâm sự khác nhau. Điểm chung ở họ là kiếm tiền trang trải cuộc sống túng quẫn trước mắt. Trong số họ có người từng là game thủ thất thế sa cơ vì các khoảng đầu tư khủng vào thế giới ảo nên đi "cày" thuê xoay xở. "Lúc đầu, em cũng định làm tạm một thời gian rồi nghỉ. Nhưng nghỉ việc ở đây không có tiền "nạp" Sikl Road (game Con đường tơ lụa). Em chơi lâu rồi nên cũng có chút tiếng tăm. Kẹt tiền nên nhảy vô đây làm để đắp cho game mình chơi, chứ "giải nghệ" thì không nỡ", Tú bộc bạch. Tú chơi game online từ những năm học cấp 3. Sau khi tốt nghiệp 12, Tú không thi đại học như bạn bè đồng trang lứa mà rẽ sang một hướng khác, "cày game". Với Minh Tú như thế mới có tiền bù đắp cho game, "giang hồ" không xem thường. Vả lại, Minh Tú xem đây là công việc có thể phát huy tài năng chơi game "thiên phú" của mình nên bám trụ tới bây giờ.
Việc cày game tuy vất vả, "dân cày" phải làm việc hết công suất mới đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng nhưng vẫn có sức hút với người "rỗi nghề". Thậm chí một số "dân cày" còn chưa đủ tuổi lao động, bỏ ngang việc học hành tìm đến nghề. "Em vốn ham chơi hơn ham học. Nhà trường thường xuyên mách với gia đình. Mỗi lần như vậy, em bị ba mẹ mắng. Thấy đi học áp lực quá nên em nghỉ. Rồi không có tiền đi chơi đây đó với bạn bè, em mới vô đây làm. Tuy mất nhiều thời gian cho công việc nhưng ít ra cũng có thu nhập, không phải xin tiền gia đình. Không làm ở đây, em không biết phải làm gì nữa. Nằm không ở nhà thì thường xuyên nghe "giảng đạo", đau đầu lắm", Nguyễn Huy, đang làm trong công ty game ở quận 7 cho biết.
Trong khi một số "dân cày" miệt mài với công việc kiếm tiền đổ vào game hay tiêu xài hoang phí thì một số sinh viên chấp nhận cày game để có thêm thu nhập trang trải việc học hành. Tranh thủ những ngày hè, một số sinh viên ở xa không về quê thăm gia đình mà đến làm tạm trong các công ty này. Phạm Văn Minh (sinh viên năm 2 trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM, quê Cà Mau) tâm sự: "Gia đình khó khăn nên em phải tự lo tiền ăn học. Vừa học, em vừa đi dạy kèm. Hè thì đi cày game buổi tối, ban ngày vẫn đi dạy. Dạy kèm lương thấp phải tranh thủ kiếm thêm để mua sách vở, đóng học phí. Ráng làm dành dụm nếu dư chút đỉnh thì gửi về nhà. Ba mẹ em lớn tuổi rồi không làm gì được nữa".
Một số sinh viên đã tốt nghiệp chờ ngày nhận bằng hoặc đang trong thời gian tìm việc cũng đến các công ty cày game góp phần "chen lấn". Vì thủ tục xin việc rất đơn giản chỉ cần nộp bản photo copy CMND không cần công chứng cũng có thể làm được. Thậm chí một số "dân cày" có bạn bè giới thiệu vào làm không cần giấy tờ chỉ thỏa thuận bằng... miệng cũng có thể bắt đầu công việc. Phạm Tuấn (tốt nghiệp khoa CNTT, trường ĐH Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: "Trong khi chờ việc mình nằm không cũng phí, về quê lỡ công ty gọi đi làm thì sợ trở vào không kịp nên tìm cái gì đó làm giết thời gian. Mấy việc cày game này thủ tục đơn giản, không thích làm nữa thì báo trước một tuần là có thể lãnh lương nghỉ việc được rồi. Xin việc ở ngoài đòi hỏi hồ sơ đầy đủ, phức tạp. Hơn nữa làm ở ngoài nghỉ ngang coi như công cốc".
Vinh Điền