Tôi sống ở Tây Nguyên tới nay đã bốn mươi hai năm, lội khắp hầu hết các buôn làng, biết và viết nhiều về giáo viên ở các vùng sâu vùng xa, gọi chung là “giáo viên cắm bản”. Quả là rất nhiều cô khó khăn, đi dạy cách nhà mấy chục cây số là thường, nhiều cô cố gắng sáng đi chiều về, còn đa số là tuần về một lần. Gọi là cô vì số giáo viên này có cô có thầy, nhưng một là số lượng các cô thường đông hơn, và hai là, nếu cùng hoàn cảnh, các thầy khó khăn một thì các cô phải nhân năm lần. Và lâu nay cứ mặc nhiên giáo viên vùng sâu vùng xa Tây Nguyên là khổ nhất, vất vả nhất.
Nhưng lần này ra Hà Giang, dẫu chỉ là như cưỡi... xe thăm núi, gặp một số thầy cô giáo thì mới nhận ra một điều, rằng là, sự vất vả ở đây nó mới thực sự... vất vả hơn.
Cũng là núi, nhưng núi miền Trung Tây Nguyên là núi già, dẫu như người Sê Đăng rất thích làm nhà trên các sườn núi cheo leo ấy, thì núi già nó vẫn có thế thoai thoải, nó lại nhiều đất, có cây có rừng, đường mòn không hiểm trở lắm.
Núi phía bắc nghe đồn là núi trẻ, mỗi năm nó “lớn” thêm mấy xăng ti mét thì phải, nên cứ dựng đứng lên, nhọn hoắt lên. Và nó toàn đá, đá tai mèo, nhọn và sắc. Làm được con đường, dẫu là đường mòn là trầy vi tróc vẩy. Đã thế, bà con ở đây rất thích lập làng trên núi cao (thực ra nói “rất thích” là tôi tưởng tượng ra thế, chứ họ không làm ở đấy thì làm ở đâu?). Dưới đường nhìn lên, hun hút những ngọn núi mây phủ. Cheo leo lẩn khuất trên ấy, là những ngôi làng.
Và nơi đâu có làng thì có học sinh, có học sinh thì phải có thầy cô. Tập trung ở xã thì là trường, nhưng ở các làng cách xa trường, học sinh không ra trường được thì thầy cô phải vào. Đấy là “giáo viên cắm bản”.
Biết tôi lên Hà Giang, tiến sĩ Ngọc Thắng, nguyên là giảng viên trường Cao đẳng Sư Phạm Hà Giang, giờ làm xuất bản ở Hà Nội, nhắn tôi mấy việc, một là nếu viết tìm hiểu giáo viên cắm bản thì tìm hiểu số đã có tuổi rồi ấy, số ấy mới đúng... cắm bản. Bởi họ đời đầu, họ vượt qua muôn vàn khổ cực, để giờ người đã về hưu, người trở thành... chủ nhà hàng. Chứ số bây giờ ở làng, cũng khổ nhưng so với ngày xưa chưa là gì. Bởi giờ còn có... xe máy, còn có điện thoại thông minh, mỗi buổi chiều vẫn có thể gọi về nhà thấy mặt chồng con hoặc người yêu. Và giờ, bộ đội biên phòng cũng đông hơn, trụ sở của họ cũng khang trang hơn, ngày nghỉ buồn ra đấy có thể hát karaoke, nói chuyện với bộ đội cho đỡ buồn, may ra lại có mối tình nảy nở... rồi chỉ cho tôi mấy địa chỉ nên ghé, trong đấy có một quán ăn ở Yên Minh, huyện cách thành phố Hà Giang 100 cây số, trên đường lên Đồng Văn thì ghé đấy ăn trưa, gặp học trò của cô giờ là... chủ quán ấy, hỏi sẽ ra rất nhiều chuyện.
Tôi đã gặp 4 giáo viên, một cô mẫu giáo, ba giáo viên phổ thông có tiểu học và trung học cơ sở. Ba nữ một nam.
Buổi trưa ở Yên Minh tôi gặp hai người, đều là hiệu trưởng. Họ lên đây từ hồi “đầu xanh” đúng nghĩa đi cắm bản khi mới được đào tạo sơ sơ. Họ ra đón một anh bạn nhà báo trong đoàn chúng tôi. Anh này quen hầu hết các đồn biên phòng và các trường học vùng sâu và xa ở đây. Họ gặp để cám ơn anh nhà báo về những gì anh đã làm cho trường, cho học sinh của họ, và họ... đề đạt tiếp. Cô Nguyễn Thị Đào, quê Phú Thọ, hiệu trưởng trường Mậu Long thời trường này rất khổ, giờ được chuyển về Mậu Duệ vì Mậu Duệ khổ hơn. Nói chuyện với chúng tôi, cô nói về mình thì ít mà nói về trường mình thì nhiều.
Họ kể một chuyện. Một cặp vợ chồng cắm bản, chồng dạy ở một bản có tên Khai Hoang 2, vợ dạy Khai Hoang 1, ở trong một cái lán, dùng đá kê miếng ván làm giường ngủ, mỗi lần ngủ với nhau là hồi hộp muốn rớt tim ra ngoài. Anh nhà báo vận động mua tặng họ một cái giường, có cả nệm, chở từ Hà Giang lên rồi huy động bộ đội biên phòng khiêng lên núi lắp cho họ. Và, họ hồn nhiên kể, đêm ấy họ mới tân hôn dù đã có 2 con, đều phải gửi về quê cho ông bà nuôi.
Có một thực tế nữa là, cô giáo cắm bản thì nhiều, lính biên phòng thì ít, may mắn lắm mới có cô lấy được lính biên phòng. Trai bản thì không lấy cô giáo vì "nó không biết làm nương". Nên rất nhiều cô giáo đành... ế. Và các cặp vợ chồng cắm bản nhiều hơn số vợ cô giáo chồng bộ đội biên phòng là thế.
Đây là bài thơ cô giáo Ngọc Thắng làm tặng học trò mình hồi 1998, hai mươi lăm năm trước: “Hôm nay em là học sinh tôi/ Chỉ ngày mai em đã là đồng nghiệp/ Bao em bé thơ ngây đang chờ em phía trước/ Cả bản làng mong đợi được đón em/ Em sẽ là cô giáo bản Dao, bản Tày, H'Mông hay Lô Lố/ Đường Thượng hay Lũng Hồ, Bản Díu, Cốc Pài hay đâu nữa?/ Lên đỉnh núi cao hay vào sâu bản nhỏ/ Nơi có điểm trường, ở đó có em/ Bao khó khăn vất vả ngày đêm em chẳng ngại/ Chỉ mong ước một điều, thật bình dị nhỏ nhoi/ Cánh thư có tên em nối nhịp cầu bè bạn/ Và một người trong đó, một người thôi/ Cô hiểu lắm, những ước mơ giản dị/ Và lòng thầm mong ước cùng em/ Anh lính biên phòng ghi tên em trong nhật kí/ Chàng trai Mèo dám đến lớp học đêm”... Hà Giang, 11/1998- Cái ước mơ được anh lính biên phòng ghi tên mình trong nhật ký nó đau đáu đến lộng lẫy trong ước mơ của cô giáo truyền đến sinh viên của mình như thế.
Và đa phần các thầy cô giáo ở các tỉnh trung du, đồng bằng lên, chứ sở tại không nhiều.
Hôm mới đến thành phố Hà Giang, tôi gặp Ngọc Hân, giáo viên trường phổ thông cơ sở Xín Cái. Cô giáo rất trẻ và xinh người dân tộc Nùng này về thành phố học chuẩn hóa. Hỏi cháu đi gì về đây? Dạ xe máy ạ. Đi xe máy 200 kilomet, từ Xín Cái xuống thành phố. Tôi lục tìm địa danh này trên mạng, thì biết, nó là xã sát biên giới, trước thuộc huyện Đồng Văn, sau tách ra thuộc Mèo Vạc. Phải mấy hôm sau tôi mới lên tới đây, ngồi ô tô mà ê ẩm.
Ai từng siêng học văn và thích đọc sách thì biết những địa danh này nó hiểm trở và cũng nổi tiếng thế nào. Tôi cũng thế, mới chỉ đọc, và giờ mới được đến.
Trên đường, ngồi ô tô, ông nhà thơ Phạm Đương cứ rên lên: cách đây mấy chục năm mà các ông Tô Hoài, Nguyên Ngọc đã lên đây để sống, đánh nhau và viết thì nể quá, tài quá, đáng khâm phục quá. Tôi thì bảo, ngay các thầy cô cắm bản và dạy học ở đây bây giờ cũng rất đáng khâm phục, rất đáng để chúng ta ngả mũ. Mà dạy ở đây không có nghĩa là chỉ dạy, mà việc chính là, dụ dỗ học sinh đi học, thuyết phục bố mẹ chúng cho chúng đi học. Việc ấy mới cực khó và mất nhiều công sức. Mỗi nhà ở như một pháo đài, các thầy cô đêm đêm tới, tỉ tê, vận động, rủ rê để bọn nhỏ đi học. Bởi với chúng, đi nương thích hơn, và lấy vợ lấy chồng sớm còn... thích hơn nữa...
Chúng ta lên đấy vài ngày, du lịch và chụp ảnh khoe phây, chén đặc sản các loại (đặc sản còn có nghĩa là những món ăn hàng ngày nữa, như rau cải nương, rượu ngô, cá sông Nho Quế, gà Mông đen...), còn các thầy cô giáo, gắn bó cả đời mình ở đấy, sinh con đẻ cái ở đấy, nó khác nhau rất nhiều...
Bài và ảnh: Văn Công Hùng