Cuốn nhật ký đặc biệt
Năm 1967, bước vào tuổi 25, chàng thanh niên Lê Đức Tuấn được lệnh nhập ngũ vào tiểu đoàn 1, trung đoàn 7, thuộc sư đoàn thép 312 (tiểu đoàn 1 là đơn vị nức tiếng với chiến tích bắt sống tướng Đơcat trong chiến dịch Điện Biên phủ). Hành trang mà người chiến sĩ này mang theo bên mình là cuốn thơ Puskin, cuốn sổ được đóng cẩn thận cùng các dụng cụ vẽ. Chàng lính trẻ Đức Tuấn bước vào quân ngũ, ngoài khát vọng hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của một người lính, anh mang trong mình khát khao được vẽ về những vùng đất, con người nơi anh đã đi qua. Hi vọng những bức tranh được vẽ dọc theo bước đường hành quân sẽ là nguồn tư liệu quan trọng góp phần hiện thực hoá ước mơ làm hoạ sĩ mà chiến sĩ Lê Đức Tuấn đã chọn làm lối đi riêng trong cuộc đời.
Năm đầu trong quân ngũ, hoạ sĩ Lê Đức Tuấn đã cụ thể hoá ý tưởng bằng 112 bức tranh màu nước và ký hoạ. Sau 46 năm kể từ khi người hoạ sĩ này đặt bút vẽ những bức tranh đầu tiên, chàng chiến sĩ trẻ đầy mơ mộng năm nào đã bước vào cái tuổi 71. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở khu tập thể quân đội, ngõ 4B, đường Lý Nam Đế, Hà Nội, hoạ sĩ Lê Đức Tuấn đã mở lòng chia sẻ về những tháng năm quân ngũ đầy gian khổ nhưng hết sức vẻ vang của mình.
Chân dung họa sĩ Lê Đức Tuấn
Thời gian tuy đã xa, nhưng khi nhắc đến đời lính, người hoạ sĩ vẫn không giấu nổi vẻ bồi hồi xúc động. Trong đời lính của người hoạ sĩ này, ký ức về những tháng ngày cầm bút vẽ 112 bức tranh trong cuốn nhật ký trở thành dấu ấn sâu sắc không thể xoá mờ. Theo hoạ sĩ Lê Đức Tuấn, để hoàn thành một số lượng lớn các bức tranh, trong vòng một năm trời, ông đã phải miệt mài tranh thủ những khoảng thời gian được nghỉ ngơi giữa những giờ tập luyện trên thao trường để vẽ. Đó là những bức tranh rất thật mô tả những cảnh quan đất nước, những sinh hoạt trong quân ngũ, hình ảnh của đồng đội, những con người mà anh đã gặp. Tất cả được người hoạ sĩ này vẽ lên xuất phát từ những rung cảm thật trong tâm hồn.
Giá trị đặc biệt của cuốn nhật ký bằng tranh của chàng lính trẻ Lê Đức Tuấn được nhiều người thừa nhận vì nó mang đến cảm giác bình yên, thư thái đến khác lạ cho người xem mặc dù đề tài mà anh phản ánh là đất nước và con người thời chiến. Chính sự đặc biệt này đã khiến cuốn nhật ký bằng tranh của hoạ sĩ Lê Đức Tuấn tự thân vượt qua mọi ranh giới nghiệt ngã của chiến tranh, gây rung cảm lớn tới trái tim của những người lính ở phía bên kia chiến tuyến. Chính điều này khiến cuốn nhật ký bằng tranh không bị đốt bỏ mà ngược lại được giữ gìn cẩn thận khi rơi vào tay của một người lính Mỹ.
Được biết, người nhặt được cuốn nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn là Thiếu tá Mỹ Robert B.Simpson (sĩ quan tác chiến thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 8, thuộc sư đoàn 4 bộ binh của quân đội Mỹ ở vùng Pleiku - Kon Tum) trong một lần càn quét lớn vào đầu năm 1968. Cầm cuốn nhật ký trên tay, Simpson thật sự ngỡ ngàng bởi những bức tranh quá đẹp nên ông đã quyết định giữ lại.
Sau hơn 42 năm kể từ khi nhặt được cuốn nhật ký đặc biệt này, ông Simpson đã nói lên cảm xúc thật của mình khi lần đầu tiên được xem những bức tranh trong cuốn nhật ký của họa sĩ Lê Đức Tuấn. Ông Simpson cho rằng, "thông thường, những người lính của bất kỳ bên tham chiến nào cũng đều hiểu rằng cái đẹp và sự nhạy cảm hình như không tồn tại trong chiến tranh. Nhưng tác giả của những bức tranh này lại khác, ông không chỉ là một người lính dũng cảm mà còn là một hoạ sĩ vẽ lên những bức tranh đẹp đến nao lòng".
Sau khi nhặt được cuốn nhật ký của hoạ sĩ Lê Đức Tuấn, người lính Mỹ vội lấy 3 bức tranh trong cuốn nhật ký và gửi về cho người vợ thân yêu nơi quê nhà. Ông muốn khi xem những bức tranh trên sẽ giúp người vợ yêu dấu của mình hiểu được hiện thực cuộc chiến nơi chồng mình đang trực tiếp tham gia. Sau khi được gửi về Mỹ, 3 bức tranh nhanh chóng được tờ báo địa phương của Mỹ có tên The Columbus Enquirer ở bang Georgia, số ra thứ Hai, ngày 20 tháng 5 năm 1968 đăng với tiêu đề: "Chuyện từ những bức ký họa của người lính Bắc Việt tử trận" do phóng viên Charles Black thực hiện.
Nội dung của bài báo là lột tả thông điệp được cho là rất lạ với đa số người Mỹ lúc đó nghĩ về chiến tranh ở Việt Nam. Với thông điệp, "Những khía cạnh khác thường về cuộc chiến tranh". Bài báo đã dành sự cảm phục và tôn trọng đến từ vẻ đẹp tâm hồn mà người hoạ sĩ đã thể hiện qua bức tranh. Cũng chính 3 bức tranh này đã tạo nên một cảm xúc rất lớn cho một nữ hoạ sĩ đang công tác ở báo. Người này khi xem những bức tranh trên đã mường tượng ra hình ảnh của tác giả, sau đó vẽ lên bức ký hoạ chân dung của người hoạ sĩ Bắc Việt. Khi xem lại bức tranh này, nhiều người không khỏi giật mình về hình ảnh giống đến kỳ lạ giữa bức ký hoạ của nữ họa sĩ này với hình ảnh thật ngoài đời của tác giả.
Một bức tranh trong cuốn nhật ký
Sự trở về đầy bất ngờ
Sau khi lấy lại 3 bức tranh gửi vợ, Simpson đã trao tặng cuốn nhật ký cho thiếu tướng chỉ huy mặt trận Đắc Tô, Tân Cảnh thời đó là tướng William R. Peers. Cũng như thiếu tá Simpson, tướng Mỹ William R. Peers đã thực sự bất ngờ về những bức họa trong cuốn nhật ký này. Ông R. Peer đã lưu giữ nó cẩn thận, xem như một kỷ vật quý giá mà ông tìm được trong cuộc chiến tại Việt Nam.
Bà Penny Peers Hicks, con gái của tướng Peers trong lá thư gửi hoạ sĩ Lê Đức Tuấn có kể lại, chính bà đã tìm thấy cuốn nhật ký bằng tranh này vào năm 1998, khi một lần bà lục tìm các kỷ vật của người bố đã mất của mình để lại. Vốn là một hoạ sĩ, một người giảng dạy mỹ thuật, nên bà Hicks đã đánh giá, "đây là những bức hình được vẽ rất nhanh và rất đẹp". Bà Hicks đã chia sẻ cuốn nhật ký này cho nhiều người xem. Trong bức thư gửi từ nước Mỹ, bà Hick tâm sự rằng, mọi người đều ngạc nhiên đến sửng sốt trước tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, và tài năng của người họa sĩ trẻ. Cũng vì lẽ đó nó đã thôi thúc tôi phải trả nó cho Việt Nam. Bản thân bà Hicks cũng chưa bao giờ nghĩ chủ nhân của nó còn sống. "Tôi đã bật khóc khi biết được hoạ sĩ Lê Đức Tuấn, tác giả của bức tranh còn sống..." - Trích - những lời tâm sự bà Hick gửi cho họa sĩ Lê Đức Tuấn.
Ý định của bà Hick đã được cụ thể hoá vào tháng 11 năm 2009. Cuốn nhật ký bằng tranh đích thân ông Robert Newberry, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ (DASD), Giám đốc cơ quan phụ trách vấn đề tù binh và người mất tích của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DPMO) trao cho đại diện phía Quân đội Việt Nam.
Sau 42 năm lưu lạc xứ người, cuốn nhật ký bằng tranh đã trở về Việt Nam và được lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Khi nhận được cuốn nhật ký này, Bảo tàng lịch sử quân sự đã có kế hoạch đi tìm tác giả của nó. Cũng như các cựu chiến binh Mỹ, đa số những người tham gia lúc đó đều nghĩ tác giả đã hi sinh. Và cuộc tìm kiếm được tiến hành trên "bia mộ", danh sách liệt sĩ hi sinh trong năm 1968. Nhưng kết cục không đem lại kết quả.
Thông tin về cuốn nhật ký bằng tranh được đăng tải lên báo. Nhiều bạn bè và đồng chí của họa sĩ Lê Đức Tuấn đã nhận ra được nét vẽ và hình ảnh của mình được vẽ trong cuốn nhật ký này. Thông tin nhanh chóng được loan báo, và điều nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người, chủ nhân của cuốn nhật ký bằng tranh vẫn còn sống. Đó chính là họa sĩ Lê Đức Tuấn, từng công tác tại báo Quân đội Nhân Dân.
Đến lúc này, khi kể về giây phút được gặp lại đứa con tinh thần của mình, khuôn mặt họa sĩ Lê Đức Tuấn vẫn rạng ngời hạnh phúc. Nhìn ông lúc đó chúng tôi biết được rằng, sự trở về của cuốn nhật ký bằng tranh sau 42 năm lưu lạc là điều bất ngờ nhất mà ông nhận được trong đời.
Trinh Phúc