Cuốn sách "có tuổi"
Bản thảo Voynich là một cuốn sách thực sự bí ẩn bởi nó được viết bằng thứ ngôn ngữ kỳ lạ, ngay đến các chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu cũng đành "bó tay". Voynich được trình bày hết sức khoa học và có cả những hình ảnh minh họa. Nhưng các hình vẽ trong sách cũng là những bức hình khó hiểu, đánh đố các nhà nghiên cứu. Nó chứa rất nhiều hình vẽ về vật thể như cây cối, thiết bị thí nghiệm cổ xưa, ký hiệu chiêm tinh.
Thậm chí người ta còn thấy nhiều hình minh họa phụ nữ trong bồn tắm. Tất cả cây cối được vẽ trong cuốn sách dường như không tồn tại trên địa cầu, bởi giới khoa học chưa xác định được tên gọi của bất kỳ loại cây nào trong số chúng. Một số cây có lá và rễ rất kỳ lạ.
Hình ảnh và chữ viết kỳ lạ trong bản thảo Voynich
Chuyên gia Greg Hodgins đến từ khoa hóa học và khảo cổ thuộc trường đại học Arizona (Mỹ) nhận định: "Nội dung của cuốn Voynich đến nay chưa thể giải mã nhưng theo tôi, có vẻ chủ đề của nó liên quan đến hóa học". Hơn nữa, nhiều nghiên cứu cho thấy, những ký tự, chữ viết trong Voynich thực sự thuộc một hệ thống ngôn ngữ chứ không phải là những ký tự tùy tiện như chữ của trẻ nhỏ viết chơi.
Một số chuyên gia cho rằng, cuốn sách được viết dưới dạng mật mã để che giấu nội dung thật. Đây là một cách báo tin mật khá phổ biến trong những năm 1600. Họ phán đoán, tác giả cuốn sách còn nắm rất chắc cách viết mật mã như thế này và điều tác giả muốn nhắn cho người nhận là công thức hoặc một bí quyết gì đó cần bảo mật. Chuyên gia Hodgins nói tiếp: "Ngoài hóa học, nội dung cuốn sách còn có thể liên quan tới thuật giả kim, một bí thuật hóa than, đá hay sỏi thành vàng".
Nói về nguồn gốc của cuốn sách, nhà nghiên cứu ngôn ngữ chết Gonzalo Rubio của Đại học bang Pennsylvania nói: "Cái tên Bản thảo Voynich gợi nhắc đến một nhà khoa học thời Trung cổ Roger Bacon ở thế kỷ 13.
Qua nhiều phân tích, chúng tôi cho rằng, Bacon chính là tác giả của cuốn sách bởi thầy tu người Anh này có đủ lý do và phương tiện để mã hóa nó. Ông là người ủng hộ phương pháp thực nghiệm khoa học và bài xích chủ nghĩa kinh viện, đã từng bị giam 25 năm vì tư tưởng kỳ dị của mình. Voynich có thể là phương tiện để Bacon "khóa" tác phẩm cuối cùng của mình để chỉ mình ông hiểu được".
Tuy nhiên, giả thuyết Bacon dù rất hấp dẫn nhưng vẫn chỉ là giả thuyết. Với quyết tâm giải mã cuốn sách bí ẩn, các nhà khoa học trường Arizona đã mang cuốn sách đi phân tích trong phòng hóa nghiệm. Do cuốn sách được làm bằng da thuộc nên phương pháp đo phóng xạ carbon 14 có thể tìm ra thời gian mà nó ra đời. Phương pháp này đạt độ chính xác gần như tuyệt đối khi áp dụng với những vật thể có niên đại dưới 60.000 năm.
Cách thức xác định như sau: Khi động vật và thực vật chết, lượng carbon 14 phân rã theo một tốc độ nhất định. Căn cứ vào đó, người ta có thể tính toán được khoảng thời gian kể từ khi chúng chết. Trong tự nhiên, mọi vật tồn tại dưới dạng carbon 12 để có thể tồn tại, trong khi, carbon 14 là loại carbon rất yếu, dễ dàng bị phân hủy. Bởi vậy, để đo được carbon 14, các nhà khoa học phải sử dụng đến các biện pháp đặc biệt, giữ được carbon 14 và xác định tuổi của bản thảo Voynich.
Nhóm của nhà nghiên cứu Hodgins lấy 4 dải da mỏng dài khoảng 2,5cm từ một số trang trong sách, rửa sạch bụi, loại bỏ chất béo từ mồ hôi của tay người còn dính lại. Sau đó, người ta dùng lò đốt chuyên dụng, loại bỏ mọi thứ trừ Carbon và các đồng vị của nó. Việc cuối cùng là họ đo nồng độ Carbon 14 trong tro thu được. Kết quả khiến các nhà khoa học hết sức vui mừng. Cuốn sách được viết từ đầu thế kỷ 15, sớm hơn một thế kỷ so với dự đoán trước đây của nhiều nhà nghiên cứu.
Xác định được tuổi của cuốn sách cũng là một bước tiến khá lớn đối với bí ẩn của nhân loại trong việc giải mã những điều không tưởng mà có thật trên thế giới. Hodgins hứng khởi: "Tôi thấy bản thảo Voynich là một vật rất hấp dẫn, nó như một câu đố lắt léo, gợi trí tò mò và tính ưa khám phá của biết bao người.
Tuy nhiên, dù tuổi của bản thảo Voynich đã được tìm ra nhưng tôi nghĩ, nội dung cuốn sách sẽ mãi nằm trong bức màn tối, đằng sau những chữ viết ngay ngắn, những hình vẽ về sự vật không tồn tại trên trái đất". Có người cho rằng, chìa khóa để mở nội dung cuốn sách đã bị hủy từ lâu. Các chương trình máy tính mới nhất và các phần mềm chuyên giải mã cũng phải "lắc đầu".
Hình vẽ trong Bản thảo Voynich có liên quan đến chủ đề hóa học
Cuốn sách là một sự "chơi xỏ"?
Đã từng có thời gian, các nhà nghiên cứu dựa vào lịch sử của cuốn sách để vén bức màn bí ẩn che giấu đi sự thực nằm trong bản thảo Voynich. Nếu như vậy thì cuốn sách bí ẩn nhất mọi thời đại cũng chẳng có gì rắc rối hay quá khó hiểu như người ta nghĩ. Lịch sử của cuốn sách gắn liền với Hoàng đế La Mã Rudolph II. Rudolph II là một vị vua rất mê sưu tập đồ cổ. Ông vô tình gặp được một cuốn sách cũ nát, với những chữ viết lạ tại Prague (Cộng Hòa Séc ngày nay).
Quá mê mẩn cuốn sách cũ kỹ, có đôi nét cổ xưa, Rudolph II quyết định mua lại cuốn sách với giá 600 đồng Ducat (tương đương 50.000 USD). Nhưng sau khi vua Rudolph II qua đời, cuốn sách đã có một chuyến phiêu lưu, trở thành vật sở hữu của các nhà quý tộc, học giả khắp nơi trên thế giới. Năm 1912, sau nhiều năm mất tích, cuốn sách cổ lại xuất hiện trong bộ sưu tập của nhà buôn sách người Mỹ Wilfrid Voynich. Cuốn sách từ đó có tên là Voynich. Sau khi Voynich chết, cuốn sách đã được đem tặng cho trường đại học Yale (Mỹ), kết thúc một chuyến đi đầy thú vị.
Khi "định cư" tại ngôi nhà đại học Yale, Bản thảo Voynich trở thành cuốn sách quý nhất nơi đây nhờ cái khó hiểu của nó. Theo quan sát của nhà nghiên cứu Gordon Rugg, một số từ thông dụng thường được lặp đi lặp lại nhiều lần. Để nắm rõ hơn về bản chất của cuốn sách, Rugg đã vận dụng cả kỹ thuật tình báo thời nữ hoàng Elizabeth.
Ông Rugg phát hiện ra rằng, bản thảo Voynich vô cùng dễ hiểu nhờ một hệ thống mã hóa chế tạo vào khoảng năm 1550, có tên là bảng chữ Cardan. Áp dụng bảng chữ Cardan với các âm tiết có trong bản thảo Voynich, Rugg đã tạo ra một thứ ngôn ngữ với rất nhiều đặc điểm trùng với ngôn ngữ trên cuốn sách. Theo Rugg, chỉ cần 3 tháng là ông có thể tạo ra một cuốn sách hoàn chỉnh dựa trên Voynich.
Rugg tuyên bố: "Chắc chắn tác giả cuốn sách đã dùng bảng chữ Cardan để chơi khăm Rudolph II. Tôi đoán rằng, người muốn chơi xỏ Rudolph II nhất chính là Edward Kelley, một thợ rèn giỏi, một ảo thuật gia, đồng thời là nhà giả kim thuật người Anh. Có lẽ giữa Kelly và Rudolph có một hiềm khích lớn, cả hai dường như là những kẻ thù không đội trời chung của nhau. Năm 1584, ông ta đã đến Prague để gặp Rudolph và có lẽ không ngoài mục đích bán cuốn sách.
Với một tay bịp bợm vào tù ra tội như Kelly, chẳng có gì khó khăn khi tạo ra cuốn sách như thế. Hơn nữa, Rudolph lại là người tương đối cả tin và cuồng với những món đồ cổ nên việc Kelly phát tài nhờ Rudolph là điều dễ hiểu".
Tuy nhiên, đó vẫn hoàn toàn chỉ là phán đoán của nhà nghiên cứu Rugg, chưa có bằng chứng nào chứng minh được đây là một trò chơi khăm hay là một văn bản nghiên cứu về các giống cây cỏ lạ đã từng tồn tại trên trái đất.
Kính hiển vi được phát minh trước thời Galileo? Trong lịch sử, đã có rất nhiều những nhà khoa học lẫn kẻ ham mê mật mã nghiệp dư lao vào giải "bài toán Voynich", gây ra hàng trăm cuộc tranh cãi lớn. Điển hình là năm 1919, Giáo sư triết học William Romaine Newbold đến từ trường đại học Pennsylvania công bố rằng, ông đã phá giải thành công mật mã trong bản thảo chép tay cổ xưa này. Theo đó, ông khẳng định nhà khoa học Trung cổ - Roger Bacon đã chế tạo ra kính hiển vi, kính viễn vọng trước cả Galileo và Newton nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, phương pháp giải mã của Newbold chỉ hoàn toàn dựa theo suy diễn. Năm 1931, giáo sư John Manly thuộc trường đại học Chicago (Mỹ) đã chứng minh được điều Newbold công bố là một điều suy diễn khó chấp nhận được. |
A.M (Theo Fox/Nature/Livesience)