Cực lòng giữ đạo hiếu cho... con
Bà Nhâm hầu như lúc nào cũng buồn thiu. Trong ngày, bà ngong ngóng giờ con cháu về để ăn tối. Trong năm, bà chờ mỏi mắt dịp rằm tháng bảy và tết Thanh minh để được về quê. Mỗi lần về, con trai dùng xế hộp chở cả gia đình cùng bao nhiêu túi, hộp gồm quà cáp, bánh trái... mang về thắp hương và biếu tặng họ hàng.
Ai cũng xuýt xoa bảo bà sướng, cái công sức cả đời ở vậy nuôi con đã được đáp đền. Bà cười tươi như hoa nở, sung sướng, tíu tít, nhưng đến khi lên xe về lại Hà Nội thì lại thở dài, lại bắt đầu chuỗi ngày mong ngóng để được về quê, như trẻ con mong đến hè để đi du lịch.
Bà rời quê nhà ở Hà Nam lên Hà Nội ở với con trai đã 2 năm nay. Trước đó, dù con đã thành đạt và muốn đón mẹ lên để phụng dưỡng nhưng bà toàn từ chối, bảo tao lên chơi mấy bận là đủ biết thành phố chán thế nào rồi, ở vài ngày thì được chứ ở mãi thì chết mất.
Tùng, con trai bà, vật nài mãi, rằng công việc, sự nghiệp của con mà về quê sống với mẹ thì tan hết, mà để mẹ ở quê không ai chăm sóc thì con phạm tội bất hiếu, không ngày nào lòng được yên. Bà vẫn chẳng lung lay, nói rằng mẹ biết mày không bất hiếu là được, bao giờ già đến mức không tự phục vụ được nữa mẹ sẽ đến ở cùng.
Nhưng cuối cùng thì bà Nhâm vẫn phải đồng ý rời quê ra Hà Nội khi hết con trai đến con dâu, tháng nào cũng gọi điện kêu cu Bin ốm, lười ăn, mà họ bận quá chẳng chăm được, thuê osin cũng chẳng ai nên hồn. Rồi sau lần nghe ông hàng xóm hay đọc báo kể, dạo này suốt ngày thấy báo đăng osin hành hung hoặc vô ý làm trẻ chết hay thương tật, bà Nhâm lo cho cháu mình đến ngốt cả người. Đến khi con nài thêm lần nữa là bà đồng ý luôn
Ảnh minh họa
Nhưng hóa ra ở Hà Nội, bà có phải trông cháu đâu, vì thằng bé đi học trường mẫu giáo xịn, có camera theo dõi cả ngày, sáng theo bố mẹ đi, tối về cùng bố mẹ. Bà ở nhà như ở trong hộp, muốn sang chơi, trò chuyện với hàng xóm nhưng rốt cục chỉ có mấy chị giúp việc là có thời gian cà kê với bà. Nhưng sau đó con dâu tỏ ý không thích nên bà lại thôi.
"Tôi thèm về quê sống như ngày xưa lắm", bà tâm sự, "Ở đây tôi chết héo mất, nhưng vẫn phải ở thôi vì không muốn con phải bận lòng. Nó đi làm cũng vất vả lắm rồi, nếu phải bận tâm vì chữ hiếu nữa thì tội quá". Cả đời vất vả hy sinh vì con còn được, còn chút hơi tàn, bà Nhâm chẳng tiếc gì hy sinh nốt để con cảm thấy an vui.
Cũng như bà Nhâm, ông Thiện, quê gốc Thái Nguyên, biết rõ mình sẽ không quen với lối sống thị thành, nên kiên quyết từ chối đi Hà Nội mỗi lần con đề nghị. "Chúng mày không phải lo. Bố mẹ sẽ lo chăm sóc cho nhau, có phải một mình đâu mà sợ", ông nói. Nhưng rồi ông bà vẫn phải khăn gói lên Hà Nội khi con trai về cầu cứu: anh làm ăn thất bát nên mắc một món nợ khổng lồ, nếu không trả được sẽ phải đi tù.
Nghe nói đến tù là sợ khiếp vía, ông Thiện chẳng kịp nghĩ ngợi gì, nghe lời con bán hết nhà đất cho con. Bán xong, nghe cậu em rể thắc mắc: "Sao chúng nó không bán nhà chúng nó ở Hà Nội mà trả nợ, đổi nhà nhỏ hơn để ở, bán nhà ở quê thì mấy đồng", ông mới ngờ ngợ, nhưng dù sao chuyện cũng xong rồi.
Sau này ông biết, con ông làm ăn trục trặc thật nhưng chưa đến nỗi cùng quẫn, chẳng qua anh tận dụng một công đôi chuyện, mượn dịp "bứng" bố mẹ lên hẳn thành phố cho "giang sơn thu về một mối", đỡ phải lăn tăn đi lại một chốn đôi nơi. Nhà đất bán rồi thì ông bà sẽ chẳng thể chán hay giận là đòi về được nữa.
Ở Hà Nội, ông Thiện dần dần cũng thích nghi, hằng ngày đi tập thể dục, rồi chơi cờ với mấy ông già trong khu phố, nhưng vợ ông thì không quen được. Nhà có osin, bà không có việc gì làm. Nhiều lúc ngứa ngáy, bà đòi đi chợ mua đồ ăn, nấu theo kiểu ở quê, những món ngày xưa con trai thích ăn, nhưng rốt cục chỉ có ông chồng già hưởng ứng, còn thì từ con đến cháu chẳng đụng đến.
Ảnh minh họa
Bà làm việc gì trong nhà cũng không đúng kiểu đúng cách, khiến con dâu hoặc osin phải làm lại. Dù chẳng ai nói động gì đến bà nhưng chừng đó cũng đủ khiến bà buồn chán và sinh ốm đau, than thở suốt ngày.
Có vô số gia đình đang ở tình huống như trên. Những người con cứ tìm cách lôi bố mẹ ở quê ra sống với mình bằng được, coi như vậy là an tâm đã làm tròn đạo hiếu, mà không hiểu rằng họ đang nghĩ cho bản thân, đang thu xếp để được việc cho mình chứ chẳng phải nghĩ cho bố mẹ già, lo làm sao cho bố mẹ thấy vui sướng. Họ nghĩ mình đang báo hiếu cho bố mẹ, nhưng sự thực là bố mẹ lại vì lòng yêu con mà tiếp tục chịu khổ, không dám kêu ca.
Nàng dâu khéo và mẹo giữ chân mẹ chồng
Với những người già quen sống ở nông thôn hay tỉnh lẻ, việc phải lên ở hẳn thành phố lớn hầu hết đều là vì con, chứ bản thân họ không thể sung sướng trong cái cảnh chật chội, bụi khói, tắc đường, đèn nhà ai nhà ấy rạng... Thế nhưng, bên cạnh những ông bà già coi việc lên thành phố là tiếp tục hy sinh cho con, ở mà buồn đến héo hắt, rất nhiều người cao tuổi khác lại vui với cuộc sống mới.
"Vấn đề là người già luôn cần được cảm thấy mình vẫn thực sự có ích cho con cháu, và không cảm thấy cô đơn. Giải quyết được hai vấn đề đó thì các cụ sẽ vui vẻ sống với mình mà không đòi về quê nữa", chị Vân, 38 tuổi, chia sẻ. Mẹ chồng chị cũng rời quê lên sống với gia đình chị cách đây 4 năm và hiện cụ hài lòng với cuộc sống bên con cháu.
Như mọi nàng dâu khác, chị Vân cũng không muốn sống với mẹ chồng. Nhưng khi thấy bà bắt đầu đau yếu luôn thì chị xác định mời mẹ chồng đến sống cùng là giải pháp duy nhất, vì chồng chị là con trai một. Có điều, nếu muốn chung sống vui vẻ thì phải làm sao cho mẹ chồng thấy thoải mái, chứ nếu cứ dăm bữa lại đòi về quê thì cả nhà đều đau đầu, không ai yên ổn làm việc được.
Vì thế, ngoài chuyện cố gắng ăn ở hiếu thảo, biết điều, chị Vân còn nghĩ cách "mua vui" cho mẹ chồng. Chị rủ bà đi tập thể dục ở vườn hoa gần nhà, giới thiệu bà với các "bô lão" hàng xóm. Chị mua thùng xốp về trồng rau sạch trên sân thượng, nhờ mẹ chồng thỉnh thoảng tưới hộ. Được vài hôm, sau khi tìm hiểu cách canh tác, bà cụ giành luôn chức "giám đốc vườn rau"
Ảnh minh họa
"Chỉ cần thế là đủ cho bà có vài việc để làm mà không quá vất vả, cũng không có cảm giác bị con cái lợi dụng", chị Vân nói. Thỉnh thoảng, chị hỏi mẹ chồng về một món ông xã thích mà ngày xưa mẹ nấu cho anh ăn. "Mẹ bày cách cho con với, con làm thử rồi nhưng anh bảo nấu không giống mẹ". Thế là bà cụ phấn khởi, bảo để mẹ nấu cho mà ăn.
Cứ thế, lâu lâu chị Vân lại mua nguyên liệu về để nhờ mẹ nấu những món mà "chỉ mẹ biết làm ngon, vì bọn con thèm quá". Hai đứa con đòi mẹ kể chuyện là chị lại "mách" chúng rằng bà có cả kho chuyện cực hay và lạ, khiến lũ trẻ bám lấy bà để hỏi và thực sự thích thú, cười như nắc nẻ với những chuyện hoặc rất cổ xưa hoặc rất "nhà quê' của bà.
Cứ thế, bà cụ nhà chị đủ bận để không buồn chán, đủ nhãn nhã để được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi giả, đủ mối quan tâm để cuộc sống có nhiều niềm vui. Nhưng Vân cũng thừa nhận, để có được không khí đầm ấm đó, chị cũng phải điều chỉnh bản thân rất nhiều.
"Tôi phải từ bỏ thói cầu toàn, sạch sẽ ngăn nắp quá mức, để chấp nhận những thói quen của mẹ chồng. Bắt người già thay đổi nếp ăn nếp ở đã định hình chừng ấy năm là điều rất khó, chi bằng mình thay đổi một chút. Nhiều khi tôi phải kiềm chế để không dọn dẹp những thứ cụ bày bừa, vì sợ cụ có cảm giác đây chỉ là nhà các con chứ không phải nhà mình. Tôi tự nhủ, lôi thôi một chút mà vui vẫn hơn ngăn nắp mà hằm hè nhau", Vân cho biết.
Lâu lâu các ông bà trong xóm lại hỏi mẹ chồng chị Vân rằng, "chúng nó" bắt bà ra đây ở, bà có nhớ quê không, có muốn về không. Bà bảo, nhớ thì nhớ, cũng muốn về, nhưng là về thăm mọi người thôi, chứ con cái ở đâu thì nhà mình ở đó, về với chúng chứ về đâu nữa...
Theo Tri thức thời đại