Hôm qua, 20/08, Venezuela bắt đầu lưu hành đồng tiền mới trong nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế đang chao đảo vì siêu lạm phát tại quốc gia này.
Đồng tiền mới “bolivar chủ quyền” này giảm 5 số 0 so với đồng bolivar cũ của Venezuela, tức một đồng bolivar chủ chuyền có giá trị bằng 10.000 đồng bolivar.
Trước đó, Tổng thống Nicolas Maduro đã thông báo rằng, các biện pháp kinh tế mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/8, trong đó bao gồm tăng giá xăng dầu lên mức ngang với giá quốc tế và chính sách tăng lương tối thiểu.
Tuy Tổng thống Maduro đã tuyên bố rằng chính phủ sẽ giúp đỡ việc tăng lương tối thiểu trong vòng 90 ngày nhưng các chủ thuê vẫn lo ngại rằng họ không thể trả đủ lương cho người lao động.
Động thái này diễn ra khi khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến cuộc di cư khổng lồ nhằm trốn chạy khỏi Venezuela, nơi người dân đang phải sống trong cảnh thiếu thốn thực phẩm, quá tải ở bệnh viện, lạm phát và tình hình chính trị rối ren.
Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định, các biện pháp của chính phủ Venezuela dường như chỉ đẩy nhanh tình trạng siêu lạm phát mà không giải quyết được các khó khăn kinh tế hiện tại và càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tê (IMF) dự báo rằng lạm phát tại Venezuela có thể lên tới 1.000.000% vào cuối năm nay.
Venezuela đang ở năm thứ 4 của cuộc khủng hoảng kéo dài và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn nhu yếu phẩm và sự ngưng trệ của các dịch vụ cộng đồng.
Hiện tại, lạm phát đang đẩy giá cả tăng cao. Thậm chí, lương tối thiểu một tháng của người dân ở đây không đủ để mua một kilogam thịt. Đồng bolivar mất giá đến mức nhiều chủ cửa hàng còn cân tiền thay vì đếm tiền.
Hàng ngàn người Venezuela đã vượt biên giới, đến Peru, Ecuador và Columbia. Lượng lớn người di cư này thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia láng giềng.