Từ hâm mộ thành cuồng tín
Là một nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục, ông suy nghĩ thế nào trước hiện tượng giới trẻ phát cuồng vì các thần tượng, đặc biệt là những ngôi sao đến từ Hàn Quốc?
Việc ngưỡng mộ thần tượng ở mức hợp lý có thể mang đến nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nếu "say" đến mức mê muội, cuồng tín thì đúng là một thảm họa. Nó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý. Các nhà nghiên cứu gọi đây là hiện tượng tâm lý đám đông, có cơ chế lây lan và bắt chước. Chỉ cần một nhân tố trong đám đông "khởi sự" là cả tập thể sẽ hòa theo. Đây có thể coi là một hiện tượng vô thức.
Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay có những hành động không thể chấp nhận được. Tôi từng nghe về việc nhiều bạn "cuồng" đến mức hôn ghế thần tượng ngồi hay sẵn sàng "tình một đêm" để được... thỏa mong ước.
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng trước hiện tượng con mình mất ăn mất ngủ vì tôn thờ "sao" và thờ ơ, vô cảm với chính bố mẹ mình. Ông nhìn nhận thế nào về thực tế này?
Đó là một thực tế đáng buồn đang xảy ra. Nếu đam mê đến mê muội, mù quáng thì có thể làm cho tư duy của giới trẻ méo mó, lệch lạc về nhân cách, khủng hoảng về tinh thần. Tôi cũng từng nghe câu chuyện về một bạn trẻ hâm mộ nhạc Hàn Quốc và đã có những lời lẽ thiếu văn hóa với cha mẹ vì không cho phép treo ảnh thần tượng trong phòng. Thậm chí có những bạn trẻ tuyệt thực, bỏ nhà ra đi, dọa tự tử... vì không được đi xem thần tượng biểu diễn. Trong hoàn cảnh đó, chúng nghĩ làm như vậy là đúng, là thức thời. Tuy nhiên, sau này nghĩ lại có thể chúng chẳng hiểu nổi tại sao lúc đó mình lại có những hành động như thế.
PGS. TS Nguyễn Ngọc Phú.
Rất dễ đánh mất bản thân
Ông đánh giá thế nào khi một số người ví von, việc phát cuồng vì thần tượng cũng giống như "con nghiện" dính phải chất kích thích, rất khó "cai"?
Theo quan điểm của tôi, quá trình từ hâm mộ trở thành cuồng tín trải qua theo thời gian. Những động cơ của các hành động này có nguyên tắc khá giống các chất gây nghiện. Ban đầu, giới trẻ tìm kiếm bản thân, xây dựng hình ảnh của mình dựa trên hình mẫu của thần tượng, từ cách ăn mặc, lời nói... cho đến cử chỉ, lối sống. Dần dần họ đánh mất bản thân để có thể đồng hóa với thần tượng. Ví dụ như họ tưởng tượng thần tượng yêu mình hay sự sống của thần tượng phụ thuộc vào mình.
Thậm chí, có những bạn còn đưa ra chân lý sống: "Nếu người thân của tôi và thần tượng cùng ngã xuống sông, tôi sẽ cứu thần tượng của mình trước". Hoặc một bạn tuyên bố: "Nếu tôi may mắn được gặp thần tượng và người đó yêu cầu tôi làm việc phạm pháp tôi có thể cũng làm". Đó là những suy nghĩ vô cùng nguy hiểm, khiến giới trẻ rất dễ đánh mất mình.
Đây phải chăng là một biểu hiện lệch chuẩn về thẩm mỹ cũng như đạo đức của giới trẻ, thưa ông?
Hiện tượng "cuồng" thần tượng đặc biệt diễn ra ở lứa tuổi vị thành niên, khi nhân cách chưa phát triển hoàn chỉnh, rất dễ bị tác động của các nhân tố thân cận. Không thể phủ nhận giới trẻ đang có biểu hiện ngày càng xa rời hiện thực. Nhiều khi chúng quên mất hiện thực cuộc sống mà đeo đuổi một thế giới phi thực tế trên phim ảnh, truyền hình... Điều này sẽ để lại nhiều hệ quả đối với không ít các bạn trẻ như việc học tập, rèn luyện giảm sút, làm thui chột đi cả thể chất lẫn tinh thần, làm cùn mòn chất xám...
Vậy đâu là căn nguyên dẫn đến hiện tượng này, thưa ông?
Theo tôi, môi trường sống, môi trường giao tiếp, nhất là truyền thông mạng internet cũng có nhiều vấn đề tác động tiêu cực tới giới trẻ. Hiện nay, tồn tại một thực tế, mật độ các chương trình truyền hình có các "sao" Hàn Quốc xuất hiện ngày càng dày đặc. Mở ti vi ra mà thấy đâu đâu cũng phim Hàn, ca nhạc Hàn... Chính vì thế, giới trẻ rất dễ bị tiêm nhiễm. Thậm chí, cách ứng xử giữa người lớn với nhau cũng góp phần tạo nên khủng hoảng giá trị ở giới trẻ.
Theo tôi, các bậc cha mẹ có con cái ở độ tuổi vị thành niên cần hết sức lưu tâm đến vấn đề này. Đừng cấm cản hoạt động của con cái, vì như vậy sẽ khiến con trở nên càng bất mãn và nổi loạn. Thay vào đó, hãy tìm hiểu tâm lý của con, làm chỗ dựa vững chắc, ủng hộ hoạt động hâm mộ của con, và bảo đảm những hoạt động này không ảnh hưởng đến các hoạt động học tập và sinh hoạt của con.
Xin cảm ơn ông!
Anh Văn - Trinh Phúc