Phần 5 này cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trong phần này, thuyền trưởng Jack có phần bi luỵ và sướt mướt hơn.
Anh có một khởi đầu không suôn sẻ khi vận xui liên tiếp đến: Tổ chức cướp két sắt lớn nhất nhà băng thì lơ ngơ không khoá két khiến cho toàn bộ tiền cướp được rải hết xuống đường. Tiếp đến, toàn bộ thuỷ thủ bỏ đi để anh lại với con tàu xập xệ có cái tên đầy biểu tượng: Hải âu hấp hối.
Cùng đường, Jack bán đi chiếc la ban “thần thánh” để đổi lấy một chai rượu (hẳn là đổi lấy một chai rượu). Việc này vô tình phá một nửa lời nguyền cho chiếc tàu Marie Câm (Silent Marie) của Salazar.
Salazar có mối thâm thù với Jack Sparrow từ… kiếp trước. Bị mất cha và ông trong cuộc chiến với hải tặc, tướng Salazar khi còn sống quyết diệt trừ hải tặc, “làm sạch” biển khơi. Trong trận chiến cuối cùng, Salazar bị chàng thuỷ thủ trẻ Jack chim sẻ (biệt danh do Salazar đặt) - người mới được “bổ nhiệm” lên thuyền trưởng ít phút - lừa vào vùng Tam giác quỷ.
Từ một người sống với lý tưởng cao đẹp, Salazar đi thẳng tới vai phản diện với một trái tim đong đầy hận thù. Salazar một lần nữa minh chứng cho tuyến nhân vật khó phân biệt tốt xấu trong loạt phim Cướp biển Caribbean. Xem phim, các nhân vật không chia phe chính diện - phản diện, vì không có ai tốt hoàn toàn và cũng không có ai xấu toàn diện. Và có lẽ, đó cũng là điểm thu hút của Cướp biển Caribbean, vì nó gần với cuộc sống.
Quay trở lại với Salazar. Salazar và binh đoàn ma của mình có sự xuất hiện ấn tượng nhờ kỹ xảo cao tay. Những thực thể ma sinh động và… đầy sức sống ra khơi với khao khát trả thù và… kể chuyện. Đó cũng là lý do mà phần này có tên gọi khác là Pirates of the Caribbean: Dead Men Tell No Tales (Cướp biển Caribbean: Người chết không kể chuyện).
Chính vì sở thích kể chuyện mà mỗi lần tấn công tàu hải tặc, Salazar lại để một người sống sót trở về. Herry Turner - con trai của Will Turner là một người như thế. Bản thân Herry đang ấp ủ dự định tìm chiếc đinh ba quyền năng của Poseidon để giải lời nguyền cho cha.
Chiếc đinh ba cũng là cái đích của Carina Smyth - thiếu nữ quyến rũ nghĩ mình là con của một nhà khoa học. Cô luôn giữ bên mình Cuốn nhật ký Galileo – báu vật do người cha mà cô chưa từng gặp mặt để lại. Cô tâm niệm, đi tìm câu trả lời trong cuốn nhật ký chính là sứ mệnh mà cha truyền lại cho cô.
Thực tế tầm thường hơn thế. Cha cô chính là Thuyền trưởng thọt chân Barbossa, ông có để lại cho cô cuốn Nhật ký Galileo thật, nhưng mục đích là viên đá quý đính trên bìa cuốn sách. Ông nghĩ nhờ nó, con gái của ông có thể trang trải cuộc sống. Carina đã hiểu nhầm. Sự hiểu nhầm đã dẫn cô đến cánh cửa của sự thông thái và cao quý, và chính sự hiểu nhầm này đã giúp cô gặp lại cha mình. (Thế mới biết không phải sự hiểu nhầm nào cũng tai hại).
Barbossa đáng ghét từ khi xuất hiện (ở những phần trước) cho đến khi chết. Cái chết của Barbossa không những khẳng định tuyến nhân vật xấu-tốt đan xen mà còn minh chứng cho diễn xuất xuất thần của diễn viên sở hữu tượng vàng Oscar Geoffrey Rush. Ông đã chết để cứu lấy cô con gái mà ông không dám nhận mặt, ánh mắt của Barbossa khi rơi xuống biển đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.
Phim cũng không thiếu những pha hài hước, "quản thuyền" Gibbs của Jack phần này cũng bắt đầu bộc lộ thiên hướng “lầy lội” (học của Jack) khi trao “quả thối” cho người khác lúc gặp nguy hiểm. Hay những tranh luận nảy ra khi Carina tự hào nhận mình là “nhà thời gian học” (Thuỷ thủ đoàn của Jack nghĩ cô hành nghề mại dâm - nhìn đồng hồ lĩnh tiền).
Nhạc phim hay là điều không thể thiếu cho một bom tấn, và nhạc sĩ Geoff Zanelli đã thể hiện rất tốt: Hùng tráng, rùng rợn, hân hoan, sướt mướt… có cả. Âm nhạc đã giúp nâng tầm cho Cướp biển Caribbean: Salazar báo thù.
Mặc dù nhiều người hy vọng Cướp biển Caribbean: Salazar báo thù sẽ bứt lên sau cái bóng của 4 phần trước và thất vọng khi thấy phim không làm được điều đó nhưng thực chất, lỗi không phải ở ê-kíp sản xuất mà ở chính những vị khán giả đòi hỏi quá nhiều ở một bộ phim giải trí. Trên thực tế, Cướp biển Caribbean: Salazar báo thù đã làm tròn vai một bộ phim bom tấn.
T.X