Chỉ tính riêng khu vực Hà Nội, trong dịp đầu xuân năm mới, chúng ta có thể thống kê được hơn 1.000 lễ hội (bao gồm cả dân gian truyền thống, tôn giáo, lịch sử cách mạng...) với quy mô lớn – nhỏ khác nhau.
Với con số thống kê “khủng” như trên cùng thói quen, văn hóa “du xuân” của người Việt, người Việt đã chứng minh khá thành công câu nói: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”.
Tuy nhiên, thực tế thời gian gần đây đã cho thấy câu tục ngữ trên có phần “lỗi mốt”. Bởi giờ đây, tháng giêng không đơn thuần là tháng ăn chơi mà đúng hơn, đủ hơn, sát thực hơn thì tháng giêng còn là tháng... ăn cướp.
Đã qua rồi chuyện “tháng giêng là tháng ăn chơi”, tháng của sự thảnh thơi để đi đền chùa, lễ bái, cầu bình an, may mắn cho năm mới. Mà giờ đây, tháng giêng đã trở thành thời điểm chín muồi của những “cuộc chiến” mang danh “cầu lộc”. Lễ hội xuân đã trở thành chiến trường để những chiến sĩ ham lộc lười làm, những kẻ cuồng tín sẵn sàng đổ máu cho chút niềm tin tâm linh.
Không biết từ bao giờ, những lễ hội tôn vinh văn hóa dân tộc đã trở thành... gio, thành trấu. Cũng không biết từ bao giờ, chúng ta khi đọc, khi chứng kiến nghi thức, nghi lễ thể hiện tâm hồn dân tộc lại cảm thấy xấu hổ thay vì tự hào. Về thời điểm cụ thể, chúng ta khó có thể định đếm. Nhưng về hoàn cảnh, ta có thể xác định được những giá trị đó đảo lộn khi chúng ta “tôn vinh” hành động “cướp”.
Thoạt đầu, định nghĩa “cướp lộc” trong những lễ hội (đặc biệt là lễ hội đền Gióng) mang ý nghĩa văn hóa khá tích cực. Theo nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội – ông Phan Đăng Long giải thích: “Đây là cướp có văn hóa, cướp trong tục lệ. Vấn đề ở đây là cướp có sự nỗ lực của cá nhân mới có được chứ không phải tự nhiên mà lộc thánh đến với mình.”
Nhưng có lẽ “sự nỗ lực” trong việc “cướp” đó cũng không thể xóa đi được những đặc trưng tiêu cực của hành động. Những tên cướp khi hành sự, dù có mang sự nỗ lực, có mang sự phấn đấu để bao biện cho hành động cướp của chúng thì chúng vẫn là những tên cướp với bộ mặt bặm trợn cùng những nét xấu xa.
Vậy mà giữa “thanh thiên bạch nhật”, giữa chốn linh thiêng, trong những dịp trọng đại của vùng miền, chúng ta lại dung túng, lại ủng hộ cho hàng trăm, hàng nghìn tên cướp “hành sự”. Chúng vịn vào những nét đẹp văn hóa của dân tộc để cởi bỏ những chiếc mặt nạ bóng bẩy đầy tri thức và sống đúng với bản chất dã man, u muội của mình. Chúng đã kéo hai chữ “văn minh” xuống thấp hơn cả nơi hai chữ đó khởi phát.
Người dân cùng các cơ quan chức năng đã nhận thấy nhiều vấn đề “dã man” trong những lễ hội phản cảm như đâm trâu, chém lợn,... Và cũng đã có những biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của những lễ hội đó đến đời sống tâm lí của người dân.
Vậy tại sao chúng ta vẫn mặc nhiên công nhận những hành động hung hãn, gây bức xúc trong dư luận lại là một nét không thể thiếu trong bức tranh lễ hội? Để rồi đến khi “nét vẽ” đó “không may” bị phô quá, phá hỏng hoàn toàn bố cục của bức tranh thì chúng ta mới phê bình, chê bôi rằng bức tranh quá tệ mà không biết rằng nếu không có nét vẽ “bị phô” đó thì bức tranh sẽ hoàn thiện biết bao.
Thôi thì đành “kể mà”, “ước gì”... người dân tự ý thức được việc “cướp lộc” của mình là vô nghĩa, là thiếu ý thức, là báng bổ đến chốn linh thiêng thì tháng giêng mới không còn là tháng “ăn cướp”. Bởi chẳng có cơ quan chức năng nào có thể định hướng được “niềm tin”. Chỉ chính bản thân chúng ta mới có thể “uốn nắn” cho niềm tin đó đi đúng hướng.
Để tháng giêng lại trở về tháng ăn chơi như bao đời vẫn vậy!
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả